TPO - Thấy các trang trại đau đầu vì xử lý phân thải của heo, anh Tú đã mày mò học cách nuôi trùn quế từ loại chất thải này. Nhờ đó, anh kiếm tiền tỉ mỗi năm và giải quyết được ô nhiễm môi trường.
Trang trại nuôi trùn quế ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương, Nghệ An) rộng hơn 2000m2 của anh Dương Văn Tú (25 tuổi, quê Bắc Giang). Cứ khoảng 2 tháng, trang trại anh Tú lại xuất bán một lứa trùn. Một năm, trang trại của anh Tú cho thu nhập hơn 1 tỉ đồng.
Anh Tú kể, cơ duyên dẫn đến với nghề này cũng khá bất ngờ. Trước đó anh Tú học hết lớp 11 thì nghỉ rồi đi học nghề lắp đặt điện ở Bắc Giang. Năm 2019, anh Tú vào Nghệ An lắp đặt điện cho một trang trại chăn nuôi heo ở xã Thanh Lâm thấy xung quanh khu vực này có rất nhiều trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, lượng chất thải phân heo nhiều nhưng chưa trang trại nào tận dụng được hết để mang lại lợi nhuận. Từ đó, chàng trai nảy sinh ý tưởng kinh doanh từ chính chất thải phân heo.
“Mình đã biết một số mô hình nuôi trùn quế từ phân heo tốt, khi thấy ở đây phân thừa nhiều nên nghĩ ngay đến việc làm mô hình nuôi. Sau đó đi học hỏi các kỹ thuật chăn nuôi trùn quế rồi quay lại đề xuất ý tưởng với chủ trang trại. Cũng may chủ trang trại đồng ý với mong muốn giải quyết được vấn đề môi trường”, anh Tú nói.
Sau khi bàn bạc lên kế hoạch kỹ lưỡng, phía chủ trại heo sẽ cung cấp nguồn chất thải, đất, chuồng trại. Còn anh Tú bỏ công, kỹ thuật, chăm sóc, lợi nhuận chia đều. Nói là làm, anh Tú và chủ trang trại bắt tay nhau đầu tư xây dựng bể lắng, dãy chuồng nuôi trùn.
Hàng ngày, lượng chất thải phân heo từ quá trình nuôi sẽ được gom lại một bể lắng. Phân heo sau đó sẽ được ngâm ủ, xử lý axit, vi khuẩn gây hại trước khi được bơm trực tiếp cho trùn ăn.
Anh Tú cho hay, công đoạn chăm sóc trùn không quá phức tạp. Cả trang trại rộng hơn 2000m2 nhưng chỉ có 2 người làm việc. Cứ khoảng 2 tháng, một lứa trùn sẽ được xuất bán một lần. Mặc dù sản xuất hết công suất nhưng lượng trùn quế và phân trùn anh Tú bán ra cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Trùn quế nhạy cảm với nhiệt độ, nếu nắng quá rất dễ chết. Mấy tuần nay ở Nghệ An thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, anh Tú luôn túc trực kiểm tra để giảm nhiệt độ trong trại phù hợp cho trùn sinh trưởng.
“Trùn quế được rất nhiều người ưa chuộng mua về để làm thức ăn chăn nuôi heo, gà, cá. Phân trùn cũng rất thích hợp để làm phân bón, trồng cây, rau. Với giá bán 50.000 đồng/kg trùn, 3.500 đồng/kg phân, mỗi năm, trang trại thu về hơn 1 tỉ đồng”, anh Tú nói.
Thấy mô hình nuôi trùn quế từ phân heo của anh Tú được “một công đôi việc”, rất nhiều trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật nuôi trùn quế, anh Tú còn sẵn sàng cung cấp con giống cho mọi người nếu có nhu cầu.
Ông Thái Văn Toàn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Lâm cho hay, hiện nhiều hộ dân trong xã đã học mô hình của anh Tú để nuôi trùn quế. Nhiều gia đình nuôi trâu bò, gà cũng đang học để áp dụng theo vòng tròn khép kín, vừa xử lý phân, vừa cung cấp thức ăn chăn nuôi. Từ khi có mô hình nuôi trùn quế từ phân heo, vấn đề mùi hôi thối trên địa bàn từ trang trại đã giảm rõ rệt.