> Đề xuất gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cứu ngành chăn nuôi
Chết lụi dần
Ngày 18-9, phóng viên có mặt tại Sơn Tây (Hà Nội), nơi có HTX chăn nuôi vào loại lớn nhất miền Bắc. Ông Phùng Văn Mỵ, chủ trang trại lợn (giống và lợn thịt) lớn nhất ở xã Cổ Đông (Sơn Tây) cho biết ba tháng nay không bán được một con lợn giống.
Nói chuyện, ông cứ đứng ngồi không yên, than mãi câu “buồn lắm” vì cảnh thua lỗ nhiều tháng nay, trong khi ngân hàng không cho vay vốn nữa.
Trang trại của ông hiện có 200 lợn nái, hơn 600 con lợn thịt, mỗi tháng ngốn hết khoảng 350 triệu tiền cám, điện, thuốc men, nhân công, trong khi lợn không xuất chuồng được con nào, số nợ gốc 2,3 tỷ đồng của ngân hàng mỗi tháng mất thêm gần 30 triệu đồng tiền lãi.
Theo ông Mỵ, chi phí nuôi một tạ lợn mất 4,8 triệu đồng, nhưng giá lợn thịt hơi hiện chỉ bán được giá 42-43 nghìn đồng/kg, lỗ 5-6 nghìn đồng/kg, nên không ai dám bán, cũng không ai dám nuôi mới.
“Lợn nái đẻ được bao nhiêu, phần tôi cố nuôi đề chờ giá lên, phần cho không anh em họ hàng nuôi vì không lo được tiền cám”- ông Mỵ nói.
Để duy trì đàn lợn, ông Mỵ tính toán cần phải vay 500 triệu đồng mua thức ăn. Nhưng hỏi ngân hàng nào cũng từ chối, dù ông còn mảnh đất (có sổ đỏ) năm ngoái được một ngân hàng định giá 1,2 tỷ đồng.
“Tôi cầm sổ đỏ đến phòng giao dịch Agribank Đông Sơn (thị xã Sơn Tây), vay 500 triệu đồng. Tôi bảo, ngân hàng cứ chuyển tiền thẳng vào Cty cám, tôi không giữ, nhưng họ không cho vay. Cách đây vài hôm, tôi hỏi lại về chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng họ nói “chỉ thị thì ở trên, còn dưới này chưa có gì đâu” - ông Mỵ kể.
Chị Hoài, chủ trang trại Lâm Hoài (Xuân Mai, Chương Mỹ) nuôi hơn 3 vạn con gà đẻ nói như mếu: “Em ơi, thế là phá sản, tay trắng, cơm không có mà ăn rồi”.
Chị vốn là chủ cửa hàng bán đồ điện gần hai chục năm, nhưng năm 2008, nghe mấy ông kỹ sư chăn nuôi Thái Lan tư vấn, chị vay ngân hàng, kết hợp tiền vốn của gia đình đầu tư trang trại nuôi gà đẻ hơn chục tỷ đồng, tiêu chuẩn Hàn Quốc.
Xác định đầu tư bài bản, trang trại nhà chị Hoài rộng 3 ha, trang bị điều hòa, phun sương, có hệ thống sát trùng, cây xanh; gà đẻ trong lồng, nhiệt độ ở 24 độ C, trứng đạt tiêu chuẩn sạch.
Thế rồi, lúc thị trường xuống đáy, đến 30-4 vừa rồi, chị Hoài buộc phải bán chạy toàn bộ trang trại gà đẻ theo giá gà thịt, chấp nhận lỗ đến 4 tỷ đồng. Thời điểm đó, giá trứng chỉ 1 nghìn đồng/quả, trong khi phải 1,5 nghìn đồng/quả mới hòa vốn.
Hơn nữa, gà loại thải lậu Trung Quốc về nhiều, nên thương lái ép giá, bán chạy cũng bằng giá gà lậu 40 nghìn đồng/kg, trong khi mua gà giống tới 120 nghìn đồng/kg.
“Từ 30-4 đến nay trang trại trống hoác, không có tiền mà trả lãi ngân hàng. Ngân hàng họ bảo cố lên mà trả nợ, nhưng mình không cựa được nữa, chấp nhận phá sản, về hai bàn tay trắng - chị Hoài nói.
Trong cảnh giá thịt xuống thấp, không vay được vốn ngân hàng, nhiều trang trại ở Cổ Đông đã đóng cửa.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội cho biết, trước đây, tổng đàn lợn toàn HTX là 170.000 con, trong đó có khoảng 25.000 con là của trang trại tư nhân, phần còn lại là nuôi gia công cho Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam và một số Cty khác.
Nay số lợn trang trại tư nhân đã giảm 30-35% tổng đàn. Gần nửa triệu con gà nuôi tư nhân, đến nay cũng tới 40-50% bỏ trại.
Cần giảm thuế, khơi thông vốn giá rẻ
Theo ông Trần Văn Chiến, giá lợn, gà đang thấp, cám bã tăng liên tục, nợ ngân hàng thúc giục, lại không cho vay mới, người nuôi cầm chắc cái lỗ nên đã bỏ chuồng.
Hiện, hệ thống nuôi gia công vẫn hoạt động bình thường, vì “bầu sữa” là các tập đoàn lớn, họ cung cấp cám, giống, thuốc men và lo đầu ra, nên loại trang trại gia công dễ vay ngân hàng hơn.
Trong khi đó, hệ thống trang trại tư nhân, rủi ro cao, nên ngân hàng không mặn mà cho vay. Ông Chiến cho biết, đến nay trong HTX chưa thấy ai được giãn nợ như chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, ngân hàng mới chỉ kéo lãi suất khoản vay cũ xuống 15%.
Còn vay mới, lãi suất 11%, ngân hàng yêu cầu phải có điều kiện là tài sản thế chấp, nhưng nhiều người có tài sản thế chấp như ông Mỵ cũng không vay được.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có trên 6.000 trang trại chăn nuôi, có doanh thu từ 1,5 tỷ đồng/ trang trại trở lên.
“Số trang trại chăn nuôi ở miền Bắc bỏ chuồng lên đến 30%, còn miền Nam dù chưa có khảo sát cụ thể, nhưng số bỏ trại còn nhiều hơn. Trong lúc lợn giá rẻ như hiện nay, Đông Nam bộ nên tận dụng hơn 60 cơ sở đông lạnh để giết mổ cấp đông 3-6 tháng. Loại lớn 90 kg/con trở lên, và gà công nghiệp cũng thế”- ông Vang nói.
Hội Chăn nuôi cũng đề xuất giảm 5% thuế VAT với thức ăn chăn nuôi để hỗ trợ người nuôi trong nước. Theo ông Vang, năm nay, cả nước sản xuất khoảng 13 triệu tấn, khoảng 130 nghìn tỷ đồng doanh thu, trong đó hơn 6.000 tỷ đồng tiền thuế.
Trong khi các nước xung quanh không có loại thuế này. Theo quy định, việc thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN từ 0-5%, nên nhiều khả năng thịt nhập từ nước ngoài vào, càng làm khó người nuôi.
Khó vay mới vì không còn tài sản thế chấp
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng cho chăn nuôi nếu được khơi thông cũng là động lực để giúp ngành chăn nuôi. Gói này dùng để khoanh, giãn nợ cũ, giảm lãi vốn cũ và cho vay nợ mới.
Tuy nhiên, hiện nhiều trang trại không còn gì thế chấp, để vay mới, trong khi đàn gia súc, gia cầm lại không phải tài thế chấp được cũng là cái khó của người nuôi.
Còn vốn vay cho trang trại mới làm dễ khơi thông hơn. Cục Chăn nuôi đang theo dõi sát tình hình, đồng thời có công văn chỉ đạo các địa phương, từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành.