“Dính” nồng độ cồn là...bỏ phương tiện
Vừa qua, tham gia cùng lực lượng CSGT TPHCM thực hiện các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, phóng viên thường xuyên ghi nhận tình trạng tài xế vi phạm không hợp tác ký biên bản, bỏ lại phương tiện để rời đi. Đơn cử như mới đây, Đội CSGT Chợ Lớn thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM tiến hành kiểm tra nồng độ cồn với ông N.T.N (39 tuổi, ngụ quận 8). Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn của ông N là 0,670mg/lít khí thở. Trong quá trình làm việc, ông N chỉ xuất trình thẻ căn cước công dân, không cung cấp giấy phép lái xe và một số giấy tờ liên quan. Dù được CSGT vận động, thuyết phục, ông N vẫn không ký tên, không lấy biên bản, sau đó bỏ lại phương tiện rồi rời đi.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM , Công an TPHCM vừa quán triệt các đơn vị áp dụng các biện pháp tạm giữ giấy tờ phương tiện để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thay cho biện pháp tạm giữ phương tiện.
Một cán bộ Đội CSGT Chợ Lớn cho biết, trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn bỏ lại phương tiện là xe máy, xe ba gác và không hợp tác ký vào biên bản xảy ra thường xuyên. “Với lỗi vi phạm nồng độ cồn, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, người điều khiển sẽ bị tước giấy phép lái xe có thời hạn và tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tuy nhiên, với trường hợp xe máy cũ, giá trị không cao, với các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, điều khiển phương tiện khi không có giấy phép lái xe, không có giấy tờ xe thì mức xử phạt sẽ rất cao, cao hơn nhiều so với giá trị của phương tiện. Do đó, một số tài xế đã bỏ lại phương tiện” - cán bộ CSGT giải thích.
Ngoài ra, nhiều xe máy, xe ba gác cũ nát vi phạm như không đèn, không còi, không biển số, không giấy tờ (thường gọi là loại xe 4 không) vẫn được dùng để chở hàng hóa. Những loại xe này khi bị yêu cầu dừng xe xử lý thì lái xe cũng thường bỏ lại xe và rời đi.
Tại TPHCM, từ 1/1/2022 đến 8/2/2023, có hơn 13.200 xe bị xử lý, trong đó gần 9.300 xe máy, xe ba gác không có người đến nhận, chiếm 70% lượng xe vi phạm, gây khó khăn cho công tác xử lý, lưu giữ.
Ngày 28/3, tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TPHCM về việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính diễn ra mới đây, thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó Trưởng phòng PC08 Công an TPHCM cho biết, năm nay TPHCM mở cao điểm xử lý lỗi vi phạm về nồng độ cồn, xử lý xe mù, xe mờ, xe 2 bánh được “độ, chế”... Mức phạt đối với những hành vi này rất cao nên tình trạng người dân bỏ luôn phương tiện khi bị phát hiện xử lý diễn ra rất nhiều.
Kho bãi quá tải
Theo thượng tá Đoàn Văn Quới, hiện PC08 có 7 kho, bãi tạm giữ xe tang vật, vi phạm. Các kho bãi này đã quá tải do lượng xe tồn đọng rất nhiều nhưng điều kiện vật chất không đảm bảo. Ở các đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông, mỗi ngày các đội CSGT trên địa bàn TPHCM tạm giữ gần 500 xe vi phạm, trong đó PC08 có khoảng 200 xe. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, đại diện PC08 Công an TPHCM cho biết đơn vị còn thiếu kinh phí thuê kho, nhà để xe, làm mái che để bảo quản phương tiện. Quy trình xử lý phương tiện tạm giữ, tịch thu phức tạp, mất nhiều thời gian.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, hiện nay ngoài 7 kho bãi lưu giữ phương tiện vi phạm của PC08, công an các quận huyện và TP Thủ Đức cũng có các điểm tạm giữ phương tiện.
Lãng phí lớn
Tính đến hết tháng 2/2023, Công an TPHCM đang tạm giữ 31.511 phương tiện, trong đó có 34 ô tô, 1.252 xe 3 bánh, 30.219 mô tô, xe máy và 6 xe đạp. Đa số phương tiện bị tạm giữ chờ xử lý. Với các trường hợp chủ phương tiện không đến làm việc, không nộp phạt vi phạm, cơ quan chức năng sẽ được xúc tiến việc bán đấu giá.
Cụ thể, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp xác định được chủ sở hữu hợp pháp, các đơn vị thuộc Công an TPHCM sẽ thông báo hai lần trên các phương tiện truyền thông. Hết thời hạn 1 năm kể từ ngày thông báo thứ hai, nếu người vi phạm hoặc chủ sở hữu hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày, người có thẩm quyền sẽ ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Do đó, trung bình thời gian tạm giữ phương tiện kéo dài từ 1 đến 2 năm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhìn nhận, hiện tại quá trình xử lý, thực hiện thủ tục tịch thu, tiêu hủy, bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mất nhiều thời gian do thực hiện nhiều công đoạn, thủ tục nên một số phương tiện giao thông bị tạm giữ thời gian quá lâu bị xuống cấp, hư hỏng gây lãng phí. Ví dụ: Giám định số khung, số máy, xác minh thông tin chủ sở hữu, đăng thông báo, lập phương án xử lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bán đấu giá. Ngoài ra, về thủ tục giám định để xác định số khung, số máy nguyên thủy của phương tiện còn tốn nhiều thời gian do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất chưa hiện đại.
Lý giải nguyên nhân khiến hầu hết các phương tiện bị tạm giữ bị phơi nắng, phơi mưa, đại diện Công an TPHCM cho biết: “Hiện nay công an thành phố không còn nhà, đất trống để sắp xếp, bố trí cho các đơn vị sử dụng làm kho. Một số đơn vị đã có kho nhưng diện tích nhỏ, chưa có kho chuyên dụng để bảo quản tang vật dẫn đến tình trạng dễ hư hỏng, hoặc rò rỉ hóa chất nguy hại, chất thải gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, công an thành phố chưa có các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phù hợp để bảo quản phương tiện trong thời gian tạm giữ”.