Chấm thẩm định lại một số đề tài cuộc thi Khoa học kỹ thuật QG 2019

TP - Trước sự việc một số phụ huynh và học sinh khiếu nại cho rằng, một số giải Nhất của Cuộc thi KHKT QG 2019 có vấn đề, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ sẽ lập hội đồng chấm thẩm định lại các dự án được nêu trong đơn. 
Ban tổ chức nghe học sinh trình bày dự án trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc

Lào Cai chiếm 4/15 giải Nhất

Theo  PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), hằng năm có trên 10.000 dự án tham gia dự thi khoa học, kỹ thuật cấp cơ sở, tuy nhiên lọt vào cuộc thi cấp quốc gia chỉ có khoảng 500 dự án với gần 900 học sinh của 63 tỉnh/thành phố. Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THPT khu vực phía bắc năm nay được Bộ GD&ĐT tổ chức từ ngày 9-12/3  tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Kết quả, ban tổ chức đã lựa chọn, trao 15 giải Nhất, 27 giải Nhì, 42 giải Ba và 51 giải Tư. 

Tuy nhiên, kết thúc kỳ thi chưa lâu, một số phụ huynh, học sinh đã gửi đơn khiếu nại, cho rằng có ít nhất 5/15 đề tài đoạt giải Nhất có nội dung trùng với một số dự án nghiên cứu trước đó, giải pháp đưa ra không thuyết phục. Một số học sinh tham gia cuộc thi cũng cho rằng, ít nhất 3/15 dự án đạt giải Nhất không có giải pháp mới, xào xáo và tổng hợp một cách cẩu thả, thí sinh thuyết trình bằng tiếng Anh ấp úng, phải mất rất nhiều thời gian mới nghe được câu hỏi bằng tiếng Anh. Những thí sinh này bày tỏ sự thất vọng và thẳng thắn đặt ra nghi vấn về tính khách quan, công bằng của cuộc thi. 

Theo kết quả công bố của Bộ GD&ĐT, năm nay trong số 15 đề tài nghiên cứu đạt giải nhất, có 3 giải của Hà Nội; 2 giải Hải Phòng; 1 giải Hưng Yên; 1 giải Quảng Bình, 1 giải Quảng Ninh; 2 giải ĐH Khoa học Tự nhiên và học sinh tỉnh Lào Cai chiếm tới 4 giải Nhất. 

3 đề tài được học sinh điểm tên không thuyết phục thuộc lĩnh vực kỹ thuật, cơ khí đến từ Quảng Ninh, Lào Cai và Quảng Bình có tên: Máy làm sạch bề mặt bạt đáy ao hồ nuôi tôm  của học sinh THCS Tân An (Quảng Ninh); Máy cắt tỉa cây cảnh sử dụng ắc quy và pin năng lượng mặt trời của học sinh Trường THCS Quảng Tùng (Quảng Bình); Thiết bị cảnh báo nguy hiểm ở các khúc cua và giao lộ của học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai. 

Sau khi có thông tin, dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không việc ưu ái, đề tài nào đó bởi thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba  trong cuộc thi này sẽ được tuyển thẳng vào các trường ĐH có ngành nghề phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài thí sinh đã đoạt giải. 

Nếu vi phạm quy chế sẽ bị kỷ luật

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã nhận được kiến nghị của phụ huynh và học sinh. Để đảm bảo công bằng, minh bạch và vì quyền lợi của học sinh, Bộ sẽ lập hội đồng chấm thẩm định lại các dự án được nêu trong đơn. Thành phần giám khảo của hội đồng chấm thẩm định sẽ gồm những người khác hoàn toàn với những người tham gia chấm ở lần trước. Kết quả sẽ được công bố trước thời điểm xét tuyển đội tuyển đi dự thi quốc tế.

Cũng theo ông Thành, theo quy định của Bộ, những học sinh đạt giải 3 trở lên tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia sẽ là điều kiện để được tuyển thẳng vào các trường ĐH. Các trường được quyền tự chủ tuyển học sinh đoạt giải có đề tài nghiên cứu đúng hoặc gần đúng với ngành, nghề đào tạo của mình. Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết, số lượng học sinh đoạt giải cao hàng năm không nhiều, chỉ có khoảng 30% thí sinh đoạt giải có đủ điều kiện để được tuyển thẳng. Trong khi các trường top đầu cũng có các điều kiện, tiêu chí tuyển sinh riêng khắt khe để test thí sinh. “Những cái gì được khuyến khích thì ai cũng mong muốn đạt được tuy nhiên nếu vì mong muốn đó mà làm trái quy chế sẽ phải bị kỷ luật”, ông Thành nói. 

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, quy trình chấm thi được quy định rất chặt chẽ. Mỗi dự án đều được chấm qua hai phần: chấm trên báo cáo tóm tắt và chấm phỏng vấn thí sinh tại gian trưng bày của từng dự án. Ở mỗi phần chấm, các giám khảo bốc thăm dự án để chấm, mỗi dự án sẽ được 5 giám khảo/ chấm độc lập theo các tiêu chí đã quy định trong thông tư hướng dẫn, đây cũng là các tiêu chí chấm của cuộc thi quốc tế. Điểm của từng phần là điểm trung bình do 5 giám khảo chấm độc lập.

Theo tiêu chí đánh giá, các giám khảo chú trọng về mục tiêu của dự án, sự đóng góp của dự án vào lĩnh vực nghiên cứu, vấn đề đặt ra có kiểm chứng được bằng các phương pháp khoa học không. Khi đánh giá sản phẩm của học sinh, phải phỏng vấn để các em thể hiện được sự đóng góp của mình, xem vấn đề nghiên cứu có rõ ràng, mạch lạc hay không, có sự đóng góp cho lĩnh vực hay không….