Cesare Prandelli loạn đao pháp!

TPO - Bại dưới tay Costa Rica dĩ nhiên là một cú sốc với Italia. Nhưng, điều bất ngờ lớn nhất để đội quân áo Thiên thanh gục ngã trước đối thủ Trung Mỹ hẳn phải là những nước cờ vô nghĩa của HLV Cesare Prandelli.
 

1. Prandelli không hề sai khi chọn cách nhập cuộc ở trận đấu sáng nay với Costa Rica, điềm đạm và nhẫn nại, như đã từng khởi đầu chiến thắng đầy thuyết phục trước “sư tử Anh”.

Thực tế là trong 30 phút đầu, Italia đã đứng vững trước “nhuệ khí bừng bừng” của Costa Rica. Và sau đó, Pirlo cũng đã khẳng định rằng anh còn ở đó, khi tạo nên những cơ hội đóng sập trận đấu bằng những đường chuyền vượt tuyến hoàn hảo.

Nhưng Balotelli đã quẳng đi tất cả. Cú lốp bóng điệu đà trong thế đối mặt với Navas trở thành điểm khởi đầu của một chuỗi bấn loạn về mặt tâm lý. Cho riêng anh và cho toàn bộ Azzurri.

2. Cú đánh đầu không thể cản phá của Bryan Ruiz là sự thách thức dành cho tài thao lược của Prandelli, điều xứng đáng bị nghi ngờ sau những điều diễn ra cho đến tiếng còi mãn cuộc.

Điều kỳ cục là một chiến lược gia Italia như ông lại có thể suy nghĩ đơn giản rằng càng nhiều tiền đạo sẽ càng dễ có được bàn thắng.

Lần lượt Cassano, Isigne và Cerci vào sân, chỉ để nối dài thêm những nỗi thất vọng. Họ chẳng có đủ khoảng trống, trong một không gian đã trở nên quá chật chội. Họ cũng chẳng có đủ bóng để tạo nên sức ép. Và họ có quá ít ý tưởng.

Đó là hệ quả từ sự có mặt của chính họ. Thiago Motta rời sân, có nghĩa là khâu thu hồi bóng ở tuyến giữa (vốn đã chẳng quá hiệu quả) lại càng trở nên chật vật, trước tốc độ và thể lực kinh hoàng của đối thủ.

Thay vào đó, Pirlo phải lùi sâu xuống dưới, cách xa “tiền tuyến”, nhường “đất diễn” cho Cassano. Anh lẽ ra mới chính là người cần được nghỉ ngơi (khi kết quả trận đấu này dù thế nào cũng không phải thảm hoạ, và nếu Azzurri thực sự tính “chuyện đường dài”), thế mà anh vẫn phải cày ải cật lực đến tận cuối trận.

Cứ như Prandelli tuyệt vọng, dù chưa có gì để tuyệt vọng. Ông hạ lệnh tổng tấn công một cách mù quáng, trong khi những đợt lên bóng ấy lại cần sự sắc sảo và già dặn.

Ông buông bỏ hoàn toàn khả năng tổ chức, điểm mấu chốt trong trận ra quân khải hoàn.

3. Bấy nhiêu đó cũng để Italia tự soi lại chính mình – một “cao thủ võ lâm” không còn đủ đầy nội lực, cũng chẳng quá “tinh kỳ nguỵ dị” về chiêu thức.

Điều đáng sợ nhất ở họ là độ “lão thành trì trọng”, biết mình biết người, chứ không phải cái khí thế bồng bột “đơn kiếm diệt quần ma”, như Balotelli bộc lộ.

Điều nguy hiểm nhất dành cho họ trong các cuộc “tỷ đấu” là bỏ sở trường mà chọn sở đoản, bỏ dài lấy ngắn, bỏ hiệu quả chân thực để theo đuổi những hoa mỹ phù phiếm vô hại.

Binh gia tranh chiến, dĩ nhiên cần vượt qua lẽ thường thắng bại. Song, ngã ở đâu tất phải đứng lên ở đấy. Chén rượu mừng công trước người Anh đã pha cay đắng Costa Rica, lại càng không được uống thêm lần nữa trước Uruguay.

Diego Forlan đã già, Cavani chẳng còn xa lạ, nhưng Prandelli có lường được không sức bùng nổ từ Luis Suarez? Và vạn nhất, nếu lại bị dồn vào tử địa, ông sẽ giúp đoàn quân Thiên thanh làm được gì hơn là tâm thế “loạn đao pháp” lần này?