Vườn bách thảo Hà Nội hay còn gọi là Công viên Bách Thảo nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), được ví như lá phổi xanh của thủ đô với những cây cổ thụ lớn, thân to bằng vòng tay 3 - 4 người ôm.
Đứng từ xa du khách ấn tượng bởi một màu xanh ngắt của khu vườn bách thảo, bởi những loài cây đặc trưng của các cánh rừng nhiệt đới ẩm, nhiều cây gỗ quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm và các loài thực vật lạ từ nhiều vùng đất trên khắp thế giới.
Điển hình của Công viên Bách Thảo là những cây cau, dừa, cọ khổng lồ vươn thẳng lên trên như những cột trụ chống trời; những gốc đa, gốc si 3 - 4 người ôm không xuể với bộ rễ sần sùi,...
Tuy nhiên lượng người dân, du khách đến với Công viên Bách Thảo không còn đông đúc như trước. Vào buổi sáng, trưa khá vắng vẻ, chỉ buổi chiều có đông người dân đến đây tập thể dục.
Hiện Công viên Bách Thảo có hơn mười cây xanh cổ thụ như phượng, muồng, bụt mọc, muồng hoa đào, dáng hương ấn,... chết khô nhưng chưa được di chuyển hoặc trồng cây mới.
Đứng từ xa có thể quan sát rõ cây dáng hương ấn bị chết khô, cành lá trơ trụi. Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội khẳng định những cây chết trong Công viên Bách Thảo là do tuổi đời cao, sâu bệnh, hoàn toàn không có yếu tố tác động từ con người.
Cây dáng hương ấn có chiều cao hơn 20m bị chết khô bao quanh bởi các cây xanh khác đang phát triển tươi tốt.
Cây muồng ngủ có chu vi hơn 7,7m; đường kính hơn 2,4m; cao 19m; đường kính tán 23m, nay đã chết khô.
Đại diện Xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3 (trực thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội) - đơn vị quản lý Công viên Bách Thảo cho biết, sau khi cây chết hoàn toàn vào năm 2022, công ty đã kiến nghị với các sở, ban ngành của TP Hà Nội cưa, cắt bỏ những phần tán để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Cây muồng ngủ trên có tuổi đời hơn 100 năm. Hiện Công viên Bách Thảo ngoài cây muồng ngủ còn có 11 cây khác đang chết khô.
Đơn vị quản lý đã dán thông báo nguy hiểm, cây khô cành dễ gãy, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Theo thông tin từ Xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3, cây muồng ngủ bị chết là một trong số những cây lớn tuổi nhất tại Công viên Bách Thảo.
"Cây chết là do tuổi thọ cao, già cỗi và sâu bệnh chứ không có yếu tố tác động từ bên ngoài" - đại diện xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3 nói và cho biết thêm, công ty đã có văn bản gửi các đơn vị chức năng tiến hành hạ, di chuyển cây muồng ngủ trên đến nơi an toàn, trồng thay thế cây khác.
Các tác phẩm điêu khắc được thực hiện tại Hội trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 1997 với các chất liệu như gỗ, sắt, gốm, đá,... sau hơn 20 năm trưng bày tại Công viên Bách Thảo đã xuống cấp nghiêm trọng.
Sau khi đưa con trai đi dạo một vòng công viên, chị Lê Thị Phương Thúy (trú ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, nhiều hạng mục tại đây như lối đi, khu vui chơi dành cho trẻ em đã xuống cấp. Chị Thúy mong muốn các cấp chính quyền sớm có phương án tu sửa, cải tạo lại Công viên Bách Thảo.
Ông Đinh Tiến Dũng (trú ở quận Ba Đình) cũng mong muốn các cấp chính quyền sớm nâng cấp, cải tạo lại Công viên Bách Thảo và chặt hạ, di chuyển các cây đã chết đi nơi khác, trồng thay thế cây mới bởi mùa mưa bão sắp đến gần, nếu để các cây chết trong công viên sẽ rất nguy hiểm.
Tấm biển báo cây trồng trong công viên đã không còn nhìn rõ chữ do bị hoen gỉ. Trong thời gian tới, Công viên Bách Thảo sẽ được Hà Nội cải tạo, nâng cấp tổng thể. Sở Xây dựng Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành xác định tài sản phục vụ công cộng và tài sản thành phố giao cho các doanh nghiệp quản lý khai thác.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đề xuất thành phố triển khai dự án cải tạo, nâng cấp cũng như đặt hàng, đấu thầu duy tu, duy trì theo quy định.
Hiện tại hồ nước trong Công viên Bách Thảo bị cạn trơ đáy, một số khu vực đáy hồ cỏ xanh mọc um tùm. Nam công nhân dọn dẹp tại đây cho biết, nước hồ trong công viên đã cạn cách đây khoảng 2 tháng. Đây là hồ lấy nước hoàn toàn tự nhiên, thời gian qua do ít mưa nên nước hồ cạn kiệt.
Còn theo thông tin từ Xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3, hồ trong Công viên Bách Thảo không có đường ống cấp nước, những năm qua hồ sử dụng 100% nguồn nước mưa tự nhiên. Hiện công ty đang có phương án gửi các sở, thành phố về việc nạo vét và lắp đặt đường ống dẫn nước từ hồ Tây về để hồ có nước vào mùa khô.
"Đây chỉ là hồ chứa nước cảnh quan trong công viên nên chưa có đường cấp nước. Nếu trời mưa thì hồ sẽ đầy nước nhưng do năm nay ít mưa nên hồ đang bị cạn kiệt", đại diện Xí nghiệp quản lý Công viên cây xanh số 3 lý giải.
Công viên Bách Thảo Hà Nội được thành lập năm 1890 có diện tích trên 33ha. Nơi đây ngoài các loại cây sẵn có, các nhà khoa học còn sưu tập trồng các giống cây bản địa quý hiếm từ Bắc chí Nam, dẫn giống nhập trồng thí nghiệm các loài cây cỏ lạ từ nhiều vùng trên thế giới. Rải rác dọc theo lối đi có các chuồng nuôi chim thú. Do đó, Công viên Bách Thảo còn được gọi là vườn thú.
Công viên Bách Thảo bị thu hẹp sau khi nhường một phần khá lớn diện tích đất để xây dựng Khu di tích lịch sử Ba Đình, chỉ còn diện tích trên 10ha nằm trong địa phận phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.
Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cay-muong-ngu-hon-100-tuoi-o-cong-vien-bach-thao-chet-kho-20230411003312000.htm
Theo Dân Trí