Cây hoa cẩm cù lá tim

TP - Chính sự độc nhất vô nhị về hình dáng và mầu sắc của cây cẩm cù lá tim mà từ nhiều năm nay ở nhiều nước vùng bắc Mỹ, các quốc gia châu Âu - quê hương của ngày lễ Tình nhân hằng năm - thay vì hộp Chocolate ngọt ngào hay bông hoa hồng đỏ thắm ngày càng nhiều chàng trai đôn đáo lùng mua bằng được chậu cây này, thậm chí cây chỉ mới có một chiếc lá tim trồng trong cái chậu nhựa nhỏ để tặng người mình yêu.

Một tặng phẩm từ thiên nhiên thể hiện sự thủy chung còn gì ấn tượng và ý nghĩa hơn thế? Ngoài mùa lễ tình nhân, nhiều người ở châu Âu và các nước vùng bắc Mỹ còn chuộng mua cây cẩm cù lá hình trái tim tặng người thân, bạn bè dịp sinh nhật, các ngày lễ để tỏ lòng như nhất, trước sau như một.

Cây lá tim vốn dễ sống, nếu được chăm chút nó có thể tươi xanh từ năm này sang năm khác, nảy thêm những cặp lá mới và cho hoa. Như thế người được tặng cây sẽ luôn nhớ đến người đã tặng những cặp lá hình trái tim!

Nhà văn Hà Phạm Phú mê mẩn với cây lá tim “khủng” ở nhà vườn Thuận Việt ở Phúc Thọ - Hà Nội

Nhược điểm của cây lá tim có chăng là nó khó ra hoa và hoa thì nhỏ hơn nhiều so với các cây thuộc họ cẩm cù khác. Nhưng người ta chơi và ngắm những chiếc lá độc đáo về dáng hình hay mầu sắc đẹp cũng đủ có cảm xúc xao xuyến và thích thú rồi! Một nhược điểm khác của cây cẩm cù nói chung với người châu Âu và vùng bắc Mỹ là cây không ưa lạnh, vậy nên vào mùa đông chủ nhân phải bê từ sân vườn hay ban công vào trong nhà kín. Nhiều người cưng chiều cây hơn còn làm phòng kính, lắp hệ thống đèn chiếu sưởi ấm cho cây sống khỏe qua mùa giá tuyết!

Người châu Âu hay vùng bắc Mỹ mê đắm cây hoa lá tim bao nhiêu thì nhiều người Việt sống ở các quốc gia hai xứ trên còn “mết” cây lá tim hơn, bởi nhìn cây lá nó gợi cho người ta nhớ đến quê hương của mình! Chẳng thế mà cô bạn Nguyễn Thị Bích Ngà mà tôi quen biết, một người Hà Nội chính hiệu hiện định cư ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) - một “con nghiện” cẩm cù từ nhiều năm nay - có lần giãi bày cảm xúc trên trang facebook của mình: “Đi hơn 100 ki-lô-mét, sang tận bên đất Pháp mới mua được chậu cẩm cù trái tim ở một Shop bán cây cảnh. Mừng hơn cả bắt được vàng”.

Một khóm nhỏ cây lá tim có giá 55 USD ở Canada

Mua một cây lá tim ở châu Âu không hề rẻ. Ở nước Mỹ và vùng bắc Mỹ, cụ thể là Canada còn mắc hơn. Nói vậy bởi ngoài cô bạn Bích Ngà ở Thụy Sĩ, tôi đã có vài cuộc trao đổi thông tin về thị trường cây hoa cẩm cù với cô cháu gái Phạm Giang ở Paris (Pháp), Trần Minh Nguyệt ở Hamburg (Đức), Nguyễn Doan ở Texas (Mỹ), Nguyễn Bích Ngọc ở Toronto (Canada)… họ đều là những người Việt “đồng nghiện” cẩm cù lá tim ở xứ người. Chính họ đã cởi mở chia sẻ ảnh qua Messenger để tôi biết giá bán nhiều loại cây cẩm cù, trong đó có cây lá tim ở nước sở tại - Tất nhiên đó là những thông tin tham khảo, bởi giá cả từng thời điểm có lên, xuống và tùy cây lá nhiều hay ít, to hay nhỏ, mầu sắc có đẹp, cây đang hoa, sắp hoa hay mới độ trưởng thành mà giá bán cũng khác nhau.

Giá cây cẩm cù lá tim ở nhiều nước cao gấp 5-7 lần so với giá bán cây cùng loại tại các nhà vườn trong nước mà tôi biết. Chẳng hạn, một cây lá tim 5-6 cặp lá tại mấy nhà vườn ở vùng Sơn Tây, Phúc Thọ (Hà Nội) hay nhiều nhà vườn ở các tỉnh miền Tây Nam bộ chỉ trên dưới 100.000 đồng thì ở châu Âu phải 30 - 40 Euro, ở Mỹ và Canada chừng 40 - 50 USD, thậm chí hơn. Tôi hỏi, giá cẩm cù ở “bển” mắc thế sao? Mấy “con nghiện” cẩm cù mà tôi điểm tên ở trên đều lý giải, đại loại: Thật ra nguồn cung cây lá tim từ các nước Đông Nam Á không hề ít, chẳng qua là vẫn thấp xa so với nhu cầu người tiêu dùng nước sở tại nên thành ra hiếm và giá thì cao vậy.

Chợt thấy chạnh lòng và thương cho cây cẩm cù lá hình trái tim đang được trồng khá nhiều ở các nhà vườn ngoài Bắc, trong Nam.

Một số loại hoa cẩm cù

Từ nhiều chục năm nay các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia… đã rất chú trọng và khuyến khích người dân trồng cây hoa cẩm cù để xuất khẩu ra nước ngoài. Nhưng theo nhiều người Việt xa xứ yêu thích hoa cẩm cù, nhiều năm qua họ chỉ họa hoằn mới gặp một cây đến từ Việt Nam, còn thì toàn là mua cây có xuất xứ từ các quốc gia Đông Nam Á. Cũng đúng thôi, khoảng 10 năm trước Việt Nam mới lác đác tự phát một số nhà vườn trồng cây hoa cẩm cù ở Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… Sau đó vài năm mới xuất hiện thêm nhiều nhà vườn trồng cẩm cù từ Nam ra Bắc rồi miền Trung, Tây Nguyên... Mỗi nhà vườn thường xuyên trồng cả nghìn cây cẩm cù các loại, nhiều như nhà vườn Thuận Việt ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) mà người viết bài này có dịp “mục sở thị” thì thường trực có đến 10.000 cây cẩm cù lớn nhỏ với 300 - 400 loại khác nhau…

Có cầu mới có cung, cầu càng tăng thì cung càng có cơ hội phát triển. Đó là quy luật muôn đời của thị trường. Hiện tại người yêu thích và chơi hoa cẩm cù (nói chung cả một họ cẩm cù chứ không chỉ loại lá trái tim) ở trong nước ngày càng tăng. Tôi muốn nói đến hai Group - nhóm riêng tư: Hội Cẩm cù Việt Nam (Vietnam Hoya Clup) do một phụ nữ có tên trên mạng là HongLen GN ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) sáng lập và làm quản trị viên; Hội Cẩm cù - Hoya do một thanh niên tên là Dương Lương ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) lập ra. Cả hai đều là người yêu thích, chơi hoa cẩm cù có thâm niên và có vườn trồng thường xuyên với 300 - 400 cây cẩm cù các loại. Hiện mỗi trang Group thu hút gần 10.000 thành viên. Hằng ngày các thành viên thường giới thiệu “tác phẩm” cây hoa đẹp của mình với nhóm hoặc chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm như thế nào để cẩm cù ra hoa. Qua tìm hiểu, tôi biết các thành viên của hai hội cẩm cù người ít thì cũng có 30 - 40, nhiều thì trên dưới 100 cây cẩm cù các loại. Cây cẩm cù vốn dễ giâm trồng, phát triển thêm cây mới, lại không mấy tốn diện tích. Nhà nào có sân, vườn có thể cho bám leo dọc bờ tường, hàng rào; nhà ở phố có thể treo chậu trước bancon hoặc làm giàn trên sân thượng tạo nên một vườn cẩm cù “mini” đúng nghĩa!

Hiện cả nước có bao nhiêu nhà vườn trồng cây cầm cù cung ứng cho nhu cầu người tiêu dùng? Và nữa, tiềm năng về số lượng và các loại cây hoa cẩm cù, trong đó có cây lá hình trái tim ở các nhà vườn Việt Nam đang đứng ở đâu so với một số nước Đông Nam Á láng giềng? Có vẻ như lâu nay các bộ, ngành liên quan đã không coi trọng hoặc vô tình bỏ qua một loại cây hoa có giá trị thương mại và hội nhập nên không ai biết để có thể đưa ra được một số liệu thống kê cụ thể?

Có lẽ đã đến lúc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, một số địa phương, các nhà khoa học về tài nguyên sinh thái cần có một cuộc khảo sát, điều tra để tìm ra lời giải. Trên cơ sở đó hỗ trợ, nhất là khuyến khích các nhà vườn trong cả nước mở rộng, phát triển và cuối cùng là mở đường cho cây hoa cẩm cù, trong đó có cây lá tim ra nước ngoài. Thailan, Philippines, Indonesia… đã “nhanh chân” đi trước từ hàng chục năm và mỗi năm thu về cho đất nước họ một con số kim ngạch xuất khẩu không hề nhỏ từ cây hoa đặc trưng của vùng Đông Nam Á này!

Đầu Xuân 2022

Như nhiều cây hoa cẩm cù (tên khoa học là Hoya), cây cẩm cù lá hình trái tim (Hoya kerrii) thuộc họ dây leo, lá mọc đối xứng và có xuất xứ từ nhiều nước châu Á, nhất là các quốc gia Đông Nam Á bởi vùng khí hậu nhiệt đới, nắng nhiều. Cái khác của cây lá tim so với 520 cây Hoya được Tổ chức quốc tế định danh thực vật (ICBN) công bố năm 2020 - như tên của nó - lá y hệt hình một trái tim. Điều khác nữa, cây lá tim ngoài mầu diệp lục phổ biến (H. kerrii plant) còn có mấy mầu với tên khác như: lá biên có viền vàng xung quanh (H. kerrii albo), lá loang mầu vàng (H. kerrii var), lá loang mầu trắng sữa (H. kerrii splash) - Các cây lá tim này thường hiếm nên cũng có giá với người chơi hơn.