Cẩu thi công chưa có báo cáo kiểm định, chủ đầu tư vòng vo, né tránh

TP - Liên quan đến các vụ tai nạn và phương tiện cẩu kéo gây nguy hiểm cho người tham gia thông tại dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông, ngày 20/5 liên ngành Hà Nội đã họp với Chủ đầu tư và yêu cầu phải sớm có báo cáo kiểm định phương tiện.

Biện pháp đảm bảo an toàn còn yếu

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá, công tác đảm bảo an toàn giao thông trên dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông còn yếu. Đến nay dự án để xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng, làm một người đi đường bị chết và gần 10 người bị thương, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân cũng như người tham gia giao thông trên địa bàn Thủ đô.

“Trách nhiệm đầu tiên ở đây là của Chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT), sau đó đến Tư vấn giám sát (TVGS), Nhà thầu. Điều này chứng tỏ công tác thi công tại dự án còn tồn tại nhiều vấn đề và cần phải rà soát, chấn chỉnh”, ông Tân nói.

Ông Tân yêu cầu Chủ đầu tư báo cáo công tác thi công trên toàn tuyến, theo các nội dung: Chủ đầu tư đã làm những gì, chỉ đạo các nhà thầu ra sao… để đảm bảo an toàn thi công? Thay mặt Chủ đầu tư, ông Lê Văn Dương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ GTVT cho biết: Thời gian qua, Ban đã thực hiện nghiêm túc tất cả văn bản, chỉ đạo của Bộ GTVT, kiến nghị của sở, ngành Hà Nội. Trên công trường, Ban và Tư vấn giám sát đến từng gói thầu, vị trí thi công để giám sát, chỉ đạo. “Với cán bộ, kỹ sư, công nhân của Tổng thầu, kể cả thầu phụ đều có hợp đồng lao động, chứng chỉ an toàn lao động…”, ông Dương nói.

Tuy nhiên, đánh giá về phần báo cáo của đại diện Chủ đầu tư, ông Tân cho rằng, lòng vòng, không sát với các câu hỏi ông đã đưa ra. Theo ông, quy định, chỉ đạo về đảm bảo an toàn thi công của Nhà nước, Bộ GTVT là khá đầy đủ, rõ ràng; vấn đề là Ban thực hiện cụ thể ra sao. Để đảm bảo an toàn thi công, ngoài giám sát còn phải thực hiện tốt việc kiểm tra, chỉ đạo; cụ thể, công trường, giàn giáo đã đảm bảo theo yêu cầu, máy móc thiết bị thi công đã được kiểm định an toàn. Với công nhân, kỹ sư ngoài hợp đồng còn phải có chứng chỉ an toàn lao động…

“Đây mới là nội dung tôi cần anh (Lê Văn Dương) báo cáo. Hơn nữa TVGS có tính quyết định đến an toàn và hiệu quả của dự án, nhưng cuộc họp hôm nay không thấy TVGS xuất hiện, như vậy cả Chủ đầu tư và TVGS đã làm hết trách nhiệm chưa?”, ông Tân đặt câu hỏi.

Theo ông Tân, để xảy ra các sự việc như vừa qua, chứng tỏ năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư trong đó có tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông thể hiện sự non kém về cả công tác quản lý lẫn tổ chức thi công.

Toàn bộ việc thi công nhà ga tại dự án Cát Linh - Hà Đông hiện nay đều phải dùng đến các máy cẩu. Ảnh: T.Đảng.

Đầu tuần sau có báo cáo kiểm định

Sau khi phê bình lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) có báo cáo không sát về việc đảm bảo an toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân đề nghị đại diện một số cơ quan báo chí tham dự cuộc họp có ý kiến với Chủ đầu tư về nội dung trên.

Tại cuộc họp, phóng viên Tiền Phong đã có hai câu hỏi gửi đến ông Lê Văn Dương. Thứ nhất: Phóng viên đề nghị ông cho biết, hiện trên công trường dự án, đặc biệt là các nhà ga có rất nhiều trục cẩu tháp với tay cẩu vươn dài ra khỏi hàng rào thi công, từ ngày 15/5 các cẩu này sẽ được xử lý thế nào?

Thứ hai: Hiện các xe cẩu kéo tại công trường dự án đã có báo cáo kiểm định an toàn gửi sở, ngành địa phương, cụ thể là Sở LĐ,TB&XH Hà Nội theo quy định chưa? Trả lời các nội dung này, ông Dương cho biết, hiện tất cả các trục cẩu tháp về ban ngày đã được Ban Quản lý yêu cầu quay hết vào phạm vi công trường và khi hoạt động phải có công nhân hướng dẫn, cảnh giới. Với xe cẩu kéo, ông Dương cho rằng, Ban đang liên hệ để biết các quy định này và sẽ có báo cáo cụ thể gửi Sở LĐ,TX&XH Hà Nội vào đầu tuần sau.

Ông Tân yêu cầu, sau cuộc họp, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) phải sớm có báo cáo tổng thể về việc đảm bảo an toàn thi công, trong đó có chất lượng phương tiện cẩu kéo với từng cơ quan của liên ngành thành phố, gồm: Sở GTVT, Công an, Sở LĐ,TB&XH.

Chiều qua, lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - chủ đầu tư dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội cho biết, Ban vừa có văn bản gửi Sở LĐ,TB&XH thành phố đề nghị hướng dẫn về việc gửi hồ sơ kiểm định các máy móc, thiết bị đang phục vụ thi công tại dự án; từ đó Ban sẽ có cơ sở để báo cáo Sở LĐ,TB&XH liên quan đến nội dung trên trong thời gian tới.   

Cục đăng kiểm: Cẩu tháp do ngành lao động, thương binh & xã hội kiểm định

Phó Cục trưởng Đăng kiểm Nguyễn Minh Cương cho biết: Hiện nay tồn tại hai loại cẩu: Cẩu được gắn cố định trên xe và cẩu không gắn trên xe (còn gọi là cầu tháp). “Theo phân cấp hiện nay, Cục Đăng kiểm chỉ quản lý các loại phương tiện giao thông; trong đó có cả các loại xe gắn cẩu. Loại cẩu tháp, không gắn trên xe do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý về mặt kiểm định” – ông Cương nói. Với loại xe gắn cẩu, ông Cương cho biết, ngành đăng kiểm thực hiện kiểm định qua các trung tâm đăng kiểm có đủ điều kiện và kiểm định theo niên hạn.

“Dù là loại cẩu nào thì đơn vị thi công cũng phải có chứng nhận kiểm định mới được đưa vào thi công” – ông Cương nói.

Sỹ Lực