Mới đây, Hà Nội vừa tiếp nhận đề xuất của Tập đoàn Poma (công ty chuyên cáp treo của Pháp) về xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng với chiều dài hơn 5 km, trong đó khoảng 1,2 km vượt sông Hồng và 4 km đi trên mặt đất, vượt các tòa nhà.
Theo đề xuất của tập đoàn Poma, tuyến cáp treo có điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên (đường Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối là bến xe Gia Lâm (quận Long Biên). Nhà đầu tư sẽ xây dựng một tuyến cao treo vận hành trên nền tảng kẹp nhả, dịch chuyển các cabin trên không thông qua những dây cáp.
Các dây cáp được nối dài thông qua các trụ đỡ cao từ 50 - 100 m. Với sức chứa từ 25 - 30 khách trên mỗi cabin. Mỗi giờ cáp treo sẽ vận chuyển được khoảng 1.000 người với cáp kẹp bên dưới và 6.000 người với cáp kẹp bên trên. Đại diện Tập đoàn Poma cho hay nếu ý tưởng này được chấp thuận họ sẽ triển khai làm tuyến cáp trong thời gian từ 12-24 tháng.
Đánh giá về ưu điểm của tuyến cáp treo, đại diện nhà đầu tư cho biết, do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành rất ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây. “Khi tuyến cáp đi vào hoạt động, hành khách di chuyển từ trạm trung chuyển xe buýt Long Biên sang bến xe Gia Lâm và ngược lại chỉ vài phút. Lộ trình này so với di chuyển trên các phương tiện công cộng hoặc xe cá nhân như hiện nay, vào giờ cao điểm thường phải mất từ 30 phút đến 1 giờ”, nhà đầu tư thuyết trình.
Nói về dự án này, nhiều chuyên gia cho rằng, mục đích thực sự không phải để giải quyết giao thông nội đô mà chủ yếu làm du lịch. Nếu nói dự án cáp treo vượt sông Hồng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thì sẽ không khả thi bởi chi phí đắt đỏ và năng lực vận chuyển người có giới hạn, thua xa một tuyến xe buýt.
Đứng từ góc độ giao thông, Nhà giáo ưu tú, GS, TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp, Đại học Giao thông vận tải cho rằng, nói về tổng thể thì bất kể giải pháp nào phục vụ được cho ách tắc giao thông thì đều cần xem xét, nghiên cứu tính khả thi.
“Đối với du lịch thì cáp treo thường được sử dụng để đi từ điểm A đến điểm B, ở đây người ta còn đi tiếp tục chứ không dừng lại ở đó nên hoàn toàn không khả thi về mặt kinh tế. Ai cũng biết cáp treo là hình thức vận tải đắt nhất hiện nay, số người sử dụng phương thức vận tải di chuyển giá rẻ rất nhiều, khi có phương thức thuận lợi nhưng giá quá đắt thì đương nhiên dự án không thu hút được khách thì cũng không hòa vốn được”, GS, TS Từ Sỹ Sùa nhận định.
TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cũng bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của dự án và mục đích thật sự của chủ đầu tư. Dự án cáp treo vượt sông Hồng không mang tính khả thi cao, khó giải quyết vấn đề giao thông và sẽ lấy đi của Hà Nội nhiều quỹ đất.
Ông Thủy đặt ra 4 câu hỏi về dự án này. Một là, việc dùng cáp treo vì mục đích vận tải là rất ít. Hai là, kinh phí vận chuyển cáp treo rất đắt, cao hơn vận chuyển bằng xe buýt nhiều. Thứ ba, tuổi thọ của cáp treo thấp, phụ thuộc về hệ thống cáp, ròng rọc, cabin... dẫn đến việc kinh phí cho dự án cáp treo cũng rất lớn, năng suất thấp. Thứ tư, hệ thống giao thông phụ trợ đi kèm của cáp treo cũng là bài toán cần tính đến. Khi người dân lên, xuống cáp treo sẽ phải đi bằng phương tiện gì?
Trước thông tin trên, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết Sở mới chỉ tiếp nhận đề xuất dự án của Tập đoàn Poma (Pháp) và đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất dự án làm cáp treo vượt sông này có khả thi hay không, cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế - xã hội.