Lâm Đồng: Tung tin thất thiệt trốn cách ly, tài xế taxi bị xử phạt
Chiều 31/3, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với T.A.C (30 tuổi, tài xế taxi, trú Phường 8, TP.Đà Lạt) vì đăng tải thông tin sai sự thật.
Gần đây, tài khoản Đ.H.V.L đăng status trên Facebook cá nhân: “Lâm Đồng gấp rút chuẩn bị phương án tiếp nhận cách ly tập trung người về từ vùng dịch với số lượng lớn”.
Bình luận về nội dung này, tài xế T.A.C (chủ sở hữu tài khoản Facebook “A.C”) viết: “Lên rồi, có mấy đứa trốn ra ngoài luôn rồi”. Bình luận của tài xế T.A.C đã gây hiểu nhầm, khiến nhiều người hoang mang, lo sợ.
Tại trụ sở cơ quan chức năng, T.A.C thừa nhận đã đưa thông tin không chính xác. Tài xế này giãi bày đã nghe thông tin đồn thổi nói trên từ bạn bè và chỉ vì muốn chọc ghẹo bạn bè cho vui nên đã bình luận như thế.
Hiện tài xế T.A.C đã gỡ bỏ nội dung thông tin sai sự thật trên Facebook.
Theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay Sở đã xử phạt gần 10 trường hợp liên quan tới việc đăng tải, bình luận thông tin sai lệch, có nội dung suy diễn, mang tính chất cảm tính về dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận địa phương. (Kim Anh)
Bình Dương: Trang bị hàng chục nghìn khẩu trang y tế, quần áo chống dịch cho y bác sĩ
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hiện tại đã trang bị 50.000 khẩu trang y tế, 40.000-50.000 bộ trang phục y tế cho lực lượng túc trực tuyến đầu. Ngoài ra còn tiến hành hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế. Sở cũng đã làm việc với 12 doanh nghiệp lớn để cung ứng lương thực, thực phẩm, bình ổn thị trường, dự kiến dự trữ 15.000-17.000 tấn gạo.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho biết đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, địa phương thời gian tới cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và không có trường hợp ngoại lệ.
Ông Nam nhấn mạnh, trong phòng, chống dịch phải thực hiện trên tinh thần quyết liệt như “chống giặc”. Song song với đó, đặc lưu ý tới công tác an sinh xã hội. Bình Dương có đến 53% người lao động nhập cư, do đó cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương. Từ đây đến ngày 15/4 dừng việc phát hành vé số, do đó các điạ phương cần rà soát, quan tâm đến đời sống của của các đối tượng bán vé số.
Thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương hôm nay (31/3) cho biết, hiện trên toàn tỉnh có hơn 200 khu nhà trọ thực hiện miễn, giảm tiền cho công nhân. Trong đó, có nhiều nhà trọ miễn hoàn toàn tiền thuê phòng cho đến khi hết dịch COVID-19. Việc làm đầy tích cực tại nơi có hơn 1 triệu người lao động này khiến người dân địa phương cảm thấy ấm áp tình người.
Theo đó, những ngày qua, Tỉnh đoàn và Công đoàn Bình Dương phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương đến từng khu nhà trọ để động viên họ hỗ trợ công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Lúc này, doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động đứng trước nguy cơ ngưng việc sẽ rất khó khăn nếu phải chi trả tiền trọ như trước đây. (Hương Chi)
TP. Hồ Chí Minh: Truy tìm người từng đến bệnh viện Bạch Mai
Ngày 31/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, cơ quan chức năng TPHCM tiến hành xác minh, điều tra các trường hợp từng đến bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13/3 đang sinh sống tại thành phố. Các trường hợp này sẽ được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, liên quan đến xử lý ổ dịch tại TPHCM, trong đó đối với quán bar Buddha (quận 2) cơ quan chức năng tiếp cận được 222 người có mặt trực tiếp tại quán bar để cách ly và xét nghiệm, lấy mẫu 196 trường hợp, trong đó 166 trường hợp âm tính, 11 trường hợp dương tính (là các bệnh nhân 91, 97, 98, 120, 124, 125,126, 127, 157,158, 159) và 19 trường hợp đợi kết quả xét nghiệm.
Từ các trường hợp dương tính đã xác định thêm 2.953 người tiếp xúc hoặc có liên quan để tổ chức cách ly và xét nghiệm, phát hiện thêm 4 bệnh nhân số 151 (F2), 152 (F2) và 2 bệnh nhân đang chờ công bố; có 505 xét nghiệm âm tính và 2.435 mẫu đang chờ kết quả; đang tiếp tục mở rộng việc điều tra dịch tễ.
Các trường hợp là người Hồi Giáo tại phường 1 (quận 8) liên quan đến bệnh nhân 100, ngành y tế TPHCM đã lấy 306 mẫu xét nghiệm bao gồm những người tiếp xúc gần và những người cùng đi lễ tại Thánh đường trong vùng, tất cả cho kết quả âm tính. Tất cả các trường hợp đều thực hiện cách ly. Từ 15/3 đến nay không phát hiện thêm ca bệnh mới. (Văn Minh)
Liên quan đến bệnh nhân 153 (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh), cơ quan chức năng đã lấy 179 mẫu xét nghiệm trong đó 86 mẫu âm tính (gồm những người tiếp xúc gần trong gia đình, 56 nhân viên y tế bệnh viện Bình Chánh đến viếng đám tang nhà bệnh nhân, 8 nhân viên y tế khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Bình Dân). Hiện còn 93 mẫu chờ kết quả (gồm những khách dự đám tang). Hiện tại những người tiếp xúc gần đang được cách ly tập trung.
Lạng Sơn: Xử phạt hàng chục trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng
Sáng 31/3, UBND phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn quyết định xử phạt 7 trường hợp với số tiền 200.000 đồng/người do vi phạm các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, chiều 30/3, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát địa bàn và các tuyến giao thông, lực lượng chức năng phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn đã phát hiện 12 trường hợp không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Lực lượng chức năng đã ban hành các quyết định xử phạt với mức 200.000 đồng/trường hợp, đồng thời kết hợp tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đợt cao điểm thực hiện phòng, chống dịch COVID-19
Cũng tại thành phố Lạng Sơn, các ban ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 2 cửa hàng vẫn mở cửa chào đón khách, bán hàng.
Tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tổ chức các tổ, đội tuần tra, kiểm soát trên khâu lưu thông, khối phố, chợ truyền thống để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch COVID-19. (Duy Chiến)
Nghệ An: Lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân về từ Bạch Mai có biểu hiện ho, sốt
Ngày 31/1, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết: “Trường hợp ở xã Trung Thành bị rắn cắn và chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm trở về thì chưa có văn bản rà soát tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng sau khi có văn bản thì tự cách ly tại nhà. Hôm qua (31/1) thì có biểu hiện sốt nên tôi yêu cầu rà soát lại và tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm”.
Cụ thể, ngày 30/3, ông Phạm Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ký công văn gửi UBND xã Trung Thành về việc rà soát các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Nguyễn Văn Q. Theo công văn, căn cứ báo cáo nhanh của Bệnh viện ĐK huyện Yên Thành về việc theo dõi, cách ly người bị nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành, đặc biệt là ông Nguyễn Văn Q. (xã Trung Thành, huyện Yên Thành).
UBND huyện Yên Thành đề nghị UBND xã Trung Thành thực hiện: Rà soát tất cả những người tiếp xúc gần với ông Nguyễn Văn Q. và người tiếp xúc gần với những người trên; Chỉ đạo trạm y tế tổ chức phun tiêu độc khử trùng khu vực tổ liên gia của gia đình anh Nguyễn Văn Q; Chuẩn bị phương án cách ly tập trung đối với những người tiếp xúc gần với những người tiếp xúc gần với ông Nguyễn Văn Q. (Cảnh Huệ)
Bắc Giang: Lần đầu xử phạt người khai báo y tế không trung thực
Ông Trần Văn Sinh, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang (người phát ngôn của tỉnh Bắc Giang về dịch bệnh) cho biết, Thanh tra sở Y tế tỉnh Bắc Giang quyết định xử phạt một người trong tỉnh vì khai báo không trung thực và kịp thời quá trình đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo đó, ông Lưu Xuân Toàn, thôn Đông Khánh (xã Tư Mại, huyện Yên Dũng) vi phạm quy định phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Khi đưa con vào khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, ông này không kịp thời khai báo đã từng chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong khoảng thời gian từ ngày 13/3 đến ngày 17/3/2020. Thanh tra sở Y tế tỉnh Bắc Giang quyết định xử phát ông Toàn 200 nghìn đồng.
Cũng theo ông Sinh, trong ngày 30/3, Thanh tra sở Y tế tỉnh Bắc Giang tiến hành xử phạt hai cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet vi phạm quy định trong phòng chống dịch COVID – 19.
Cụ thể, ông Trần Đức Hải ở thôn Chẽ, xã Phồn Xương (nay thuộc thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế), chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet NET VIP vi phạm quy định áp dụng biện pháp chống dịch. Cơ sở kinh doanh trên không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
Ông Hải bị phạt 7,5 triệu đồng vì vi phạm nội dung công văn trước đó của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang và Quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 11, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Ông Đặng Huy Bình ở phố Cả Trọng, thị trấn Cầu Gồ (nay thuộc thị trấn Phồn Xương, huyện Yên Thế, chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ Internet BIG GAME cũng bị xử phạt 7,5 triệu đồng với lỗi vi phạm như trên. (Nguyễn Thắng)
Ninh Bình: Cách ly 24 người tiếp xúc với bệnh nhân 170 nhiễm COVID-19
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Ninh Bình đã họp khẩn chỉ đạo rà soát phát hiện 27 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân nam, 27 tuổi, ở Định Hóa, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 170 của Việt Nam.
Ngày 31/3, thông tin từ UBND huyện Kim Sơn cho biết, trong số 24 người, có 18 người thuộc F1. Sau khi có ca mắc COVID-19 thứ 170 trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình lập tức chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra dịch tễ; Đồng thời lên danh sách, rà soát các đối tượng tiếp xúc với ca bệnh F1, F2, F3 để thực hiện cách ly nhằm kiểm soát dịch lây lan ra cộng đồng.
Thông tin từ Trung tâm y tế dự phòng huyện Kim Sơn, sau khi rà soát các đối tượng tiếp xúc với ca mắc COVID-19 thứ 170 và chuyển về khu cách ly y tế ở Phòng khám đa khoa khu vực 4 xã Cồn Thoi. Hiện có 14 người thuộc diện F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Trung tâm sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 10 trường hợp còn lại trong thời gian tới.
Đối với nam bệnh nhân 170, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Đỗ Hùng Sơn thông tin, bệnh nhân này có sức khỏe ổn định và được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn. Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Kim Sơn đang tiếp tục điều tra dịch tễ các đối tượng liên quan đến ca mắc COVID-19 thứ 170.
Huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Khu xóm đi vào nhà bệnh nhân, lực lượng bố trí một chốt kiểm tra y tế và hạn chế người dân qua lại, và bố trí nhân lực tại khu vực cách ly. (Minh Đức)
Thái Bình: Cách ly, theo dõi y tế gần 1.200 người về từ Bạch Mai
Liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, báo cáo của Sở Y tế Thái Bình cho biết, tỉnh này đã rà soát, quản lý bước đầu xác định được 1.158 trường hợp đến bệnh viện này khám nội trú (125 trường hợp) và ngoại trú (1.033 trường hợp). Trong đó, đang cách ly, điều trị cho 48 trường hợp tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y, Dược Thái Bình, Bệnh viện Phổi và bốn bệnh viện tuyến huyện.
Đáng chú ý, có 9 trường hợp ở huyện Hưng Hà tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 thứ 169; 19 trường hợp ở huyện Tiền Hải đã từng ra vào Khoa Thần kinh và nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai (hai địa điểm này đã được Bộ Y tế xác định là nơi xuất hiện nguồn bệnh).
Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) đang tập trung cách ly một bác sĩ, sinh năm 1981, đang theo học Thạc sĩ năm thứ 2 tại Đại học Y Hà Nội. Ngày 20/3, bác sĩ này làm nhiệm vụ trực tại Bệnh viện Bạch Mai; từ ngày 21 - 25/3, tự cách ly tại Khu ký túc xá nằm trong Trường đại học Y Hà Nội. Ngày 26/3, bác sĩ tự đi xe máy về cách ly tại nhà chồng tại xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư), hằng ngày đều khai báo y tế với địa phương.
Đến chiều 29/3, bác sỹ này có biểu hiện lâm sàng là thấy trong người khó chịu, có hiện tượng ho, rát họng nên đã được chuyển đến cách ly tại Bệnh viện đa khoa Vũ Thư.
Sáng 31/3, đơn vị tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời duy trì tại nơi cách ly một tổ trực cấp cứu (gồm một bác sĩ, ba điều dưỡng), theo dõi, thăm khám hằng ngày cho người bệnh.
Để nhanh chóng xử lý, phân loại, điều tra tất cả các trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong tháng 3, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu ngành y tế trước mắt tập trung dồn lực để xét nghiệm ngay cho số người chưa qua 14 ngày (khoảng từ 600 đến 700 người).
Ông Thăng cũng yêu cầu phải xử lý khẩn cấp 200 trường hợp đã từng đến Bệnh viện Bạch Mai, nhưng danh sách này do bệnh viện cung cấp rất chung chung (chỉ có tên và địa chỉ huyện, hoặc xã) nên rất khó cho địa phương trong điều tra, xác minh. Đồng thời, tiến hành làm rõ được số người ở Bệnh viện Bạch Mai đã từng sử dụng dịch vụ của Công ty Trường Sinh (nơi khởi phát nguồn bệnh) cũng như người thân đi cùng và người lên thăm nom…(Hoàng Long)