CẬP NHẬT DỊCH 3/7: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định ghi nhận thêm nhiều ca mắc trong cộng đồng

TPO - Đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận 12 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể, huyện Long Điền có 8 trường hợp; huyện Châu Đức 3 trường hợp và huyện Xuyên Mộc 1 trường hợp.

Ngày 3/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông báo, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc vừa ghi nhận 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là bà P.T.T. (46 tuổi, trú tại ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc). Đến tối ngày 3/7, Bộ Y tế đã công bố mã bệnh nhân cho ca nhiễm này.

Với ca nhiễm này, đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận 12 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể, huyện Long Điền có 8 trường hợp; huyện Châu Đức 3 trường hợp và huyện Xuyên Mộc 1 trường hợp.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 huyện Xuyên Mộc, bà P.T.T. là tiểu thương thường đến chợ Bình Điền, TPHCM. Từ ngày 29/6 đến ngày 1/7, bà cùng con trai và cháu đi xe tải đến chợ Bình Điền lấy hàng về bán tại chợ Bà Rịa.

Bà Rịa-Vũng Tàu có 12 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Đến 3h chiều 2/7, bà có biểu hiện ho, sốt, mất tiếng và được con trai đưa đến khám tại Bệnh viện Suối tre, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Bà có kết quả test nhanh 2 lần dương tính với SARS-CoV-2. Bà tiếp tục được xét nghiệm PCR và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng 3/7.

Lực lượng chức năng huyện Xuyên Mộc đã tiến hành phun khử khuẩn, truy vết các trường hợp F1, F2. Lực lượng chức năng ghi nhận 8 trường hợp F1 và 38 trường hợp F2 liên quan đến ca bệnh này. Các F1 đã được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Dầu khí, TP.Bà Rịa. Lực lượng chức năng huyện Xuyên Mộc đang tiếp tục truy vết các trường hợp F2, F3; thiết lập vùng cách ly y tế 18 hộ gia đình với 78 nhân khẩu tại tổ 6, ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Tân.

Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các tiểu thương kinh doanh tại các chợ trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt các cửa ngõ ra vào tỉnh, áp dụng việc chốt chặn tương tự như quốc lộ 51. Tất cả những người đến từ địa phương khác ngoài tỉnh phải có giấy xác nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được cho vào tỉnh.

Ngoài ra, để kiểm soát tốt hơn công tác phòng chống dịch COVID-19, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ dừng hoạt động đối với tất cả các chợ tự phát, kể từ 12h ngày 3/7. Trên địa bàn TP.Vũng Tàu có 12 chợ tự phát, gồm chợ khu vực bên ngoài Chợ Vũng Tàu (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thuộc phường Thắng Tam và phường 3), chợ Xóm Lưới (phường 2); chợ Cô Giang (phường 4), chợ Trần Bình Trọng (phường Nguyễn An Ninh), chợ Phi Trường (phường 9 và Nguyễn An Ninh), chợ Chí Linh (vòng xoay Nguyễn Hữu Cảnh và 2-9, phường 10), chợ Lưu Chí Hiếu (thuộc các phường 10, Nguyễn An Ninh và Thắng Nhất), chợ Đô Lương (phường 11, 12), chợ Phước Thắng (phường 12), chợ Lê Quang Định (gần ngã ba Lê Quang Định - Tiền Cảng, thuộc phường 9 và phường Thắng Nhất), chợ hẻm 66 đường 30/4 (phường Thắng Nhất) và chợ hẻm 212 Nguyễn Hữu Cảnh (phường Thắng Nhất).

Các chợ này có tổng số 5.699 quầy sạp, trong đó 3.689 quầy sạp kinh doanh thường xuyên. (Duy Quang)

Long An lập 42 khu cách ly tập trung, phục vụ cho 10.000 người

Ngày 3/7, UBND tỉnh Long An cho biết, để phòng chống dịch COVID-19, tỉnh Long An thành lập 42 khu cách ly tập trung với quy mô phục vụ cách ly trên 10.000 người.

Đồng thời, Long An cũng thành lập 6 bệnh viện dã chiến với quy mô trên 1.000 giường đặt tại Bệnh viện Phổi Long An, Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa, Trung tâm Y tế huyện Tân Trụ, Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ, Trung tâm Y tế huyện Mộc Hóa và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Đồng Tháp Mười.

UBND tỉnh Long An khẳng định, các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến và các cơ sở y tế của tỉnh được bố trí đầy đủ cán bộ quản lý, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng nhân viên phục vụ và đảm bảo đầy đủ phương tiện, vật tư, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho việc cách ly, nhu cầu sinh hoạt, chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Tính đến 18h ngày 2/7, tổng số ca mắc COVID-19 tại Long An là 129 ca, trong đó có 113 bệnh nhân cộng đồng, 16 bệnh nhân nhập cảnh. Do đó, UBND tỉnh Long An có công văn số 6224/UBND-VHXH về việc tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Long An cho rằng, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là đã có ca bệnh lây nhiễm trong doanh nghiệp và bệnh viện.

Để ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19, UBND tỉnh Long An quyết định áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, Long An sẽ tạm dừng các hoạt động, dịch vụ như karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage, xông hơi, phòng tập thể hình, yoga, biểu diễn nghệ thuật, điểm kinh doanh trò chơi điện tử công cộng; câu lạc bộ bida, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, câu lạc bộ khiêu vũ, phòng tập gym, các điểm truy cập Internet; hoạt động thể thao, võ thuật đông người có tiếp xúc trực tiếp; các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu.

Không tụ tập từ 5 người trở lên ngoài phạm vi công sở và trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng. Tạm ngưng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trừ hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng và xe đưa, rước công nhân. Giao Sở Giao thông vận tải có thông báo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện cụ thể.

Ngoài ra, UBND tỉnh Long An có thông báo số 2018/TB-UBND về việc tạm dừng tiếp công dân trực tiếp tại các trụ sở, địa điểm tiếp công dân trên địa bàn tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế cũng thành lập tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ tại tỉnh Long An. Tổ trưởng là Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Hoàng Quốc Cường; các thành viên gồm các cán bộ, y, bác sĩ, chuyên gia đến từ Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Y tế công cộng TPHCM.

Tổ công tác có nhiệm vụ hỗ trợ việc tổ chức triển khai các hoạt động lấy mẫu; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm; hỗ trợ công tác điều trị; hướng dẫn bảo đảm an toàn sinh học; phòng chống dịch, xử lý dịch trong khu cách ly, khu công nghiệp, công sở, trường học, khu vực công cộng…(Duy Quang)

Thêm 5 ca mắc COVID-19 tại tâm dịch Hoài Nhơn

Chiều 3/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định thông tin về 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Theo đó, trường hợp đầu tiên là nam (37 tuổi, ở thôn An Quý Nam, xã Hoài Châu, TX Hoài Nhơn) - là người tiếp xúc gần với BN 16420 vào ngày 23/6 đã được cách ly tập trung cùng phòng BN 16510 từ ngày 28/6 đến ngày 29/6. Kết quả xét nghiệm lần 2 trong ngày 2/7 dương tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp tiếp theo, là bệnh nhận nam (55 tuổi, tại khu phố 7, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) - là người tiếp xúc gần với BN 16420 BN 16510 vào ngày 26/6 đã được cách ly tập trung từ ngày 28/6 đến ngày 29/6. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 2/7 dương tính với SARS-CoV-2.

Hai trường hợp tiếp theo là cặp vợ chồng thường trú tại khu phố 4 (phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn); hai trường hợp này đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 3/7 dương tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 5 là nam (55 tuổi, ở khu phố 7, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn); trường hợp này đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 3/7 dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, tỉnh Bình Định có 4 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố và 5 bệnh nhân đang chờ được công bố. Tất cả các trường hợp đang được cách ly điều trị tại BVĐK Khu vực Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn).

Ngày 3/7, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định về việc giãn cách xã hội trên địa bàn TX Hoài Nhơn theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 4/7.

Theo đó, thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 đối với các 5 phường: Tam Quan, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo và Bồng Sơn. Thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 đối với các phường, xã còn lại của TX Hoài Nhơn. (Trương Định)

Khánh Hoà truy tìm người liên quan 8 ca mắc COVID - 19

Chiều 3/4, CDC Khánh Hoà cho biết, tỉnh này vừa ghi nhận 8 ca mắc COVID - 19 ở xã Phước Đồng, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang và thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Tất cả 8 ca mắc COVID - 19 nói trên đều liên quan đến đến bệnh nhân 17725 (BN17725, ở thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên). Người này đến cảng Hòn Rớ, TP.Nha Trang để mua cá từ ngày 18 - 24/6/2021. Đến ngày 1/7/2021, BN17725 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến thị xã Đông Hoà.

CDC Khánh Hòa đã phát thông báo khẩn đề nghị những cá nhân có liên quan đến 8 ca bệnh nói trên liên hệ với trạm y tế gần nhất để được hỗ trợ, cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình. Sáng cùng ngày, TP. Nha Trang đã tiến hành phong tỏa tạm thời một khu vực ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng với khoảng 35 hộ dân; phong toả tổ dân phố 5, 6, 7 Hà Ra, phường Vĩnh Phước với khoảng 190 hộ dân. Huyện Vạn Ninh cũng tạm thời phong tỏa tuyến đường Lý Tự Trọng, thị trấn Vạn Giã với 14 hộ dân.

Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Khánh Hoà cũng đã có công văn yêu cầu UBND TP. Nha Trang và huyện Vạn Ninh dừng các hoạt động tập trung đông người, trường hợp cần thiết phải tổ chức thì phải được UBND tỉnh cho phép và các cơ quan, cá nhân tổ chức phải chịu trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng. Tạm dừng hoạt động Cảng cá Hòn Rớ, TP. Nha Trang để xử lý dịch bệnh theo quy định.

Như vậy, từ ngày 23/6 đến nay, tỉnh Khánh Hoà đã ghi nhận tổng cộng 12 ca mắc COVID - 19 và hiện tất cả đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hoà. (Công Hoan)

Hà Nội: Xử lý nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký công điện hỏa tốc số 2095/UBND-KGVX về việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19.

Theo công điện, những ngày gần đây, theo phản ánh của nhân dân và trên các phương tiện truyền thông, tại một số địa bàn Thủ đô đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là của một bộ phận người dân, chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể là tại một số cơ sở nhà hàng ăn uống trong nhà chưa bảo đảm khoảng cách, chưa có tấm chắn, ngồi quá số người theo quy định, chưa đóng cửa đúng giờ theo quy định.

Một số địa điểm công cộng đã xuất hiện tình trạng người dân tập trung đông người, chưa thực hiện nghiêm thông điệp “5K”.

Đặc biệt, tình trạng chợ cóc, chợ tạm, trà đá vỉa hè vẫn hoạt động, gây ảnh hưởng đến các biện pháp phòng, chống dịch chung của thành phố.

Trước thực trạng này, để tiếp tục chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh, UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở với việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của thành phố trong điều kiện nới lỏng một số hoạt động.

Các đơn vị, địa phương cũng tiếp tục tuyên truyền, có biện pháp phù hợp không để tình trạng tập trung đông người tại nơi công cộng; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng ăn, uống trong nhà không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của thành phố (không bảo đảm giãn cách, không bố trí tấm chắn, mở cửa quá 21h hằng ngày...) khi nới lỏng các hoạt động.

Các địa phương kiên quyết giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè; xử lý các quán trà đá, cà phê vỉa hè vi phạm công tác phòng chống dịch COVID-19.

UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan tại cơ sở chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và trước chủ tịch UBND thành phố nếu để phát sinh các trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý.(Quảng An)

Một số huyện của tỉnh Bắc Ninh chuyển sang trạng thái bình thường mới

UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định kết thúc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị số 19 của Thủ tướng sang thực hiện trạng thái bình thường mới đối với huyện Tiên Du, Lương Tài và thị xã Từ Sơn. Thời gian bắt đầu từ 0h ngày 4/7.

Theo đó, các tuyến vận tải hành khách cố định, phương tiện vận tải hoạt động bình thường. Người điều khiển phương tiện, người phục vụ và hành khách đi trên phương tiện phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ngành Y tế.

Các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự được hoạt động trở lại nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Tiếp tục dừng hoạt động đối với các dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, massage, các hoạt động thể thao (phòng tập thể hình, Yoga...). Nghiêm cấm kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè.

Các dịch vụ ăn, uống, giải khát trong nhà được phép hoạt động trở lại nhưng phải lắp đặt tấm kính chắn tại các bàn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về, không được tổ chức xem bóng đá tập trung).

Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hằng ngày. Thời gian hoạt động không quá 21 giờ.

Mọi người dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch để tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng. Người dân thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế, cài đặt Bluezone, thường xuyên bật Bluetooth điện thoại để sử dụng, khi ra vào các địa điểm trên phải thực hiện quét mã QR Code. (Nguyễn Thắng)

24 giờ, thế giới ghi nhận 9.382 ca tử vong vì COVID-19

Số ca mắc COVID-19 trên thế giới đến 18h ngay 3/7

Cả thế giới có 183.943.729 ca mắc, trong đó 168.356.307 khỏi bệnh; 3.981.891 ca tử vong và 11.605.531 ca đang điều trị (78.092 ca diễn biến nặng).

Trong 24 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 447.295 ca, tử vong tăng 9.382 ca.

Châu Âu tăng 26.629 ca; Bắc Mỹ tăng 7.681 ca; Nam Mỹ tăng 1.598 ; châu Á tăng 68.404 ca; châu Phi tăng 6 ca; châu Đại Dương tăng 435 ca.

Tại Đông Nam Á, trong ngày ghi nhận 47.701 ca, trong đó: Indonesia tăng 27.913 ca, Malaysia tăng 6.658 ca, Thái Lan tăng 6.230 ca, Philippines tăng 5.908 ca, Campuchia tăng 948 ca, Lào tăng 37 ca, Singapore tăng 7 ca.

Tính đến 18h ngày 03/7:

- Việt Nam có tổng cộng 17.199 ca ghi nhận trong nước và 1.844 ca nhập cảnh.

- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 15.629 ca, trong đó có 4.869 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Có 13 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.

- Có 06 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Bắc Kạn, Gia Lai, Kiên Giang, Cần Thơ.- Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 3.345.065 xét nghiệm cho 7.948.332 lượt người. (Lê Vũ)

Bạc Liêu: Cách ly 21 ngày đối với người đi về từ 5 địa phương có dịch

Sau khi phát hiện 3 ca dương tính với SARS- CoV- 2 trong cộng đồng, tỉnh Bạc Liêu áp dụng cách ly đối với những người về từ 5 tỉnh, thành có dịch.

Ngày 3/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ông Phạm Văn Thiều chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa đi cách ly tập trung 21 ngày đối với những người đi về từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang sau khi phát hiện nhiều ca dương tính với SARS- CoV-2 trong cộng đồng.

Trong 2 ngày 2 và 3, tỉnh Bạc Liêu phát hiện 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Đông Hải là BN 18129, BN 18130, BN 18394 đang cách ly điều trị tại Trung tâm y tế huyện Đông Hải và truy vết các trường hợp F1, F2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu đạo hệ thống phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Bạc Liêu phải thực hiện cách ly tập trung đối với tất cả người về từ 5 tỉnh thành có dịch nói trên. Đồng thời, chính quyền địa phương, cơ sở y tế điều tra những người dân Bạc Liêu đang đi làm ăn, sinh sống xa quê để thông báo.

Những người về Bạc Liêu phải khai báo y tế ngay và nếu khai báo y tế gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật qui định về công tác phòng chống dịch Covid- 19. (Nguyễn Tiến Hưng)

Đắk Lắk: Bị phong tỏa vẫn không quên nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân

Chiều 3/7, ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lắk (Đắk Lắk) cho biết, đã thực hiện lệnh phong tỏa tạm thời đối với TTYT huyện sau khi ghi nhận một ca mắc COVID-19 là nữ điều dưỡng công tác tại trung tâm.

Theo ông Y Phú, trong đêm 2/7, địa phương phối hợp ngành Y tế phun khử khuẩn và thực hiện phong tỏa toàn bộ TTYT huyện Lắk theo chỉ đạo của Sở Y tế.

“Các y, bác sĩ trong trung tâm được yêu cầu chấp hành đúng quy định phòng chống dịch. Ngoài ra, họ vẫn tham gia khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm. Hiện, chúng tôi tiếp tục kích hoạt các tổ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn các xã, thôn, buôn, phòng bệnh từ xa, tránh lây ra cộng đồng”, ông Y Phú nói.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, 48 F1 của nữ điều dưỡng mắc COVID-19 có kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Ngành y tế Đắk Lắk đang lấy 158 mẫu của cán bộ TTYT huyện Lắk, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại đây để xét nghiệm.

Nữ điều dưỡng P.T.T.T. đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19: mũi 1 ngày 27/4, mũi 2 vào ngày 23/6.

Trước đó, tối 2/7, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk quyết định tạm thời phong tỏa TTYT huyện Lắk, nội bất xuất, ngoại bất nhập để sàng lọc, cách ly, xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nhân đang điều trị, người chăm sóc bệnh nhân, kể cả nhân viên y tế, nhân viên hành chính đang phục vụ, chăm sóc bệnh nhân tại trung tâm ngay khi nữ điều dưỡng dương tính với SARS-CoV-2.

Theo điều tra dịch tễ, ngày 27/6, điều dưỡng P.T.T.T được điều động từ Khoa Nội tổng hợp –Nhi –Nhiễm sang làm nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung của huyện. Từ chiều 27 đến sáng 28/6, T. có đưa cơm và đo nhiệt độ cho BN 15921, về từ TP.HCM được phát hiện trước đó; đón các trường hợp là F1 của BN 15921 lên khu cách ly TTYT huyện Lắk. Sáng 1/7, P.T.T.T chảy nước mũi, khàn giọng, nhiệt độ tăng; ngày 2/7, cho kết quả dương tính với SARS –CoV- 2. (Huỳnh Thủy)

Ngày 3/7, TPHCM phát hiện 714 ca mắc COVID-19

Trong vòng 24 giờ từ 18 giờ ngày 2/7 đến 18 giờ ngày 3/7, TPHCM ghi nhận 714 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó 608 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và 106 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Tối 3/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 3/7, TPHCM có thêm 499 trường hợp mắc COVID-19 mới Bộ Y tế đã công bố. Như vậy tính từ 18 giờ ngày 2/7 đến 18 giờ ngày 3/7, TPHCM ghi nhận 714 trường hợp mắc COVID-19 mới là: BN18146-BN18360, BN18433-BN18582, BN18591-BN18689, BN18794-BN19043.

Trong số 714 trường hợp mắc COVID-19 mới có 608 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và 106 trường hợp được phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Theo HCDC, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TPHCM đã có tổng cộng 5.435 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Hiện nay, TPHCM đang trong cao điểm lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19 trong cộng đồng với mục tiêu lấy hơn 1 triệu mẫu mỗi ngày.

Với tinh thần khẩn trương, thay đổi để phù hợp trong tình hình mới, TPHCM đang tập trung, chủ động và quyết liệt thực hiện 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch bệnh từ 29/6 đến 10/7/2021.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong cộng đồng để phát hiện sớm trường hợp mắc COVID-19, đẩy nhanh tiến độ truy vết với số lượng khoảng 150.000-200.000 mẫu/ngày (trung bình 6.000-8.000 mẫu/ngày/quận, huyện; riêng thành phố Thủ Đức trung bình từ 18.000-24.000 mẫu/ngày).

HCDC khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 10 của UBND TPHCM, thực hiện đúng nguyên tắc 5K và chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Trường hợp nằm trong khu vực phong tỏa, người dân cần thực hiện nghiêm các quy định cách ly y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và gia đình. (Ngô Bình)

6 công nhân Việt Nam làm việc ở nhà máy nhiệt điện ở Campuchia mắc COVID-19

Chiều nay (3/7), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh ghi nhận 7 ca dương tính với SARS-CoV-2. Nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh ghi nhận từ đầu mùa dịch đến nay là 148 người, trong đó có 137 trường hợp nhập cảnh, 11 trường hợp cộng đồng.

6/7 bệnh nhân là công nhân Việt Nam thi công nhà máy nhiệt điện ở thành phố Sihanoukville, Campuchia ghi nhận mắc COVID-19 chiều nay là BN18725 tên P.X.M (SN 1989, ngụ huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), BN18727 tên L.H.T (SN 1984, ngụ huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá), BN18728 tên T.Q.T (SN 1983, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), BN18729 tên N.V.D (SN 1972, ngụ huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk), BN18730 tên T.N.S (SN 1986, ngụ huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) và BN18731 tên L.Đ.T (SN 1993, ngụ thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi).

Ngày 29/6, sau khi công trình hoàn thành, nhà máy cho nghỉ việc, 6 công nhân này được xe của công ty đưa đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, làm thủ tục nhập cảnh về Việt Nam. Liền đó được đưa về khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.

Ngày 2/7, mẫu gửi về CDC Tây Ninh xét nghiệm khẳng định cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ca bệnh thứ 7 Tây Ninh ghi nhận chiều nay BN18732, là N.T.T. (SN 1993), ngụ thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bệnh nhân là lao động tự do, thuê khách sạn ở thành phố Sihanoukville, Campuchia sinh sống cùng một người bạn tên K..

Ngày 27/6, K. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 29/6, T. thuê taxi đến Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài làm thủ tục nhập cảnh về Việt Nam và được đưa đi cách ly tập trung Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Mẫu được chuyển về CDC Tây Ninh xét nghiệm khẳng định, cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Hiện 7 bệnh nhân xác định mắc COVID-19 mà Tây Ninh ghi nhận chiều nay đều được đưa về Bệnh viện Lao và bệnh phổi Tây Ninh, tiếp tục theo dõi, điều trị.

Có 38 trường hợp F1, đang được cách ly tại khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh.(Tân Châu)

Nghệ An ghi nhận 4 ca dương tính SARS-CoV-2, có ca liên quan đến chợ đầu mối

Tối 3/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, từ 7h00 đến 19h00 cùng ngày , Nghệ An phát hiện thêm 04 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, BN N. T. M. P., nữ, sinh năm 2006, học sinh. Địa chỉ: phường Cửa Nam, TP Vinh. BN là F1 và là con của BN Đ. T. S. Ngày 2/7, BN được cách ly tại nhà và được CDC lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, BN đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hưng Nguyên.

BN N. H. P., nam, sinh năm 1956. Nghề nghiệp: Bán hàng ăn. Địa chỉ: khối Trung Hòa 1, phường Lê Mao, TP Vinh. BN là F1 của BN K. M. N. đã được công bố trước đó. Ngày 23/6, BN được cách ly tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và được lấy mẫu xét nghiệm 3 lần vào các ngày 23/6, 26/6, 29/6 đều cho kết quả âm tính. Ngày 2/7/2021, BN được lấy mẫu làm xét nghiệm lần 4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

BN N. V. M., nam, sinh năm 1939. Địa chỉ: khối Tân Hoa, phường Vinh Tân, TP Vinh. BN là F1 của BN N. V. Đ. đã được công bố trước đó. Ngày 23/6, BN được cách ly tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Ngày 2/7, BN được lấy mẫu làm xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

BN P. T. S., nữ, sinh năm 1972. Bán rau chợ đầu mối. Địa chỉ: khối Tân Tiến, phường Lê Mao, TP Vinh. BN là F1 của BN T. T. Q. đã được công bố trước đó. Ngày 23/6, BN được cách ly tại Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào các ngày 23/6, 27/6 đều cho kết quả âm tính. Ngày 2/7, BN được lấy mẫu làm xét nghiệm lần 3 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện 119 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó: TP Vinh: 81 ca, Diễn Châu: 15 ca, Tân Kỳ: 01 ca, Quỳ Hợp: 05 ca, Nam Đàn: 04 ca, Đô Lương: 01 ca, Hoàng Mai: 02 ca, Nghĩa Đàn: 01 ca, Nghi Lộc: 04 ca, Quỳnh Lưu: 05 ca.

Ngoài ra, ngành y tế Nghệ An còn phát hiện 02 BN tái dương tính sau điều trị từ Bắc Giang chuyển về đang trong thời gian cách ly tại nhà ở huyện Nghĩa Đàn và huyện Quế Phong.

Tổng số ca điều trị đã khỏi bệnh và ra viện của đợt dịch này (từ 13/6- đến nay) tại Nghệ An là 04 ca. (Cảnh Huệ)

Quận Bình Tân tiếp tục phong tỏa 3 khu phố có nguy cơ cao

Tối ngày 3/7, ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TPHCM) đã ký quyết định phong tỏa thêm 7 ngày đối với 3 khu phố có nhiều ca mắc COVID-19 tại phường An Lạc.

Theo UBND quận Bình Tân, từ ngày 20/6, trong vùng phong tỏa thuộc khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân phát hiện 245 ca bệnh, nâng tổng số ca bệnh của 3 khu phố này là 390 trường hợp (chiếm 91 % ca bệnh của phường An Lạc).

Dù quận đã phong tỏa 3 khu phố của phường An Lạc, tuy nhiên, diễn biến dịch tại các khu phố 2, 3, 4 trong những ngày gần đây vẫn chưa có chiều hướng giảm, trung bình mỗi ngày tăng 17,5 ca; riêng trong 3 ngày gần nhất là 33,33 ca/ngày.

Trước tình hình đó, nhằm đảm bảo khoanh vùng, dập dịch hiệu quả, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 quận Bình Tân quyết định tiếp tục thiết lập vùng phong tỏa tại khu phố 2, 3, 4 phường An Lạc, quận Bình Tân.

Thời gian thực hiện là 7 ngày, kể từ 0 giờ ngày 4/7 để xét nghiệm tầm soát, truy tìm các F0, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Tùy vào những biến tình hình, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 quận Bình Tân sẽ quyết định dỡ bỏ phong tỏa trước thời hạn đối với những khu vực cụ thể.

Trong thời gian áp dụng phong tỏa cách ly y tế, người dân ở khu phố 2, 3, 4 không tiếp xúc với người khác, không ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, trừ trường hợp phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định những trường hợp đặc biệt khác. Trường hợp các hộ dân và cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng các biện pháp phong tỏa cách ly y tế, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật – UBND quận Bình Tân cho biết.

Trước đó, UBND quận Bình Tân quyết định lập 37 chốt chặn, phong tỏa 3 khu phố 2,3, 4 của phường An Lạc để phòng chống COVID-19 trong vòng 14 ngày. Thời gian từ 0 giờ ngày 20/6. Vùng bị phong tỏa nằm có gần 56.0000 người, 306 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và 4 đơn vị hành chính.

Trong thời gian này, Quận đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Quận Bình Tân cũng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân trong vùng phong tỏa. Hiện có 23.424 xét nghiệm, đang chờ kết quả. (Uyên Phương)

Tiền Giang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào trước dịch COVID - 19?

Là tỉnh có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do đó, tỉnh Tiền Giang đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo về con người cũng như cơ sở vật chất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trong hai ngày 2 và 3/7, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười và Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Quang Trí đã đi kiểm tra các địa điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn vào ngày 7 và 8/7 tới.

Tại mỗi nơi đến kiểm tra, đoàn đã phối hợp với Ban chỉ đạo kỳ thi tại các huyện, thành thị, nghe lãnh đạo các trường báo cáo công tác chuẩn bị thi và ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 . Nhìn chung, các đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo về con người cũng như cơ sở vật chất cho kỳ thi.

Là tỉnh có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài việc tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong phụ huynh và học sinh, Sở GD&ĐT Tiền Giang đã có văn bản hướng dẫn cho các Hội đồng thi như sau: Khi đến cổng trường, toàn bộ thầy cô, học sinh phải được thay khẩu trang mới, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, sau đó mới vào khu vực thi; phân công đưa đón học sinh theo nhóm phòng thi, mở các cổng để phân luồng học sinh...

Bên cạnh đó, phân công người hướng dẫn thí sinh đi thẳng lên phòng thi, tránh tập trung, tụ tập, trao đổi trước và sau khi thi xong; tổ chức phân hàng, phân luồng khi đo thân nhiệt theo nhóm phòng thi; kẻ ô, vạch ngăn cách khu vực hai bên cổng, nơi phụ huynh chờ đưa rước thí sinh dự thi, tránh tập trung đông người trước cổng trường, đảm bảo khoảng cách…

Tất cả giáo viên, học sinh phải khai báo y tế ở nhà trước khi đến điểm thi, khai báo các trường hợp sốt, ho, khó thở với trưởng điểm thi để xử lý cho thi ở phòng thi dự phòng.

Ngoài ra, trước ngày thi và sau khi thi xong phải phun thuốc khử khuẩn tại phòng thi và khu vực thi, vệ sinh môi trường hàng ngày ở hành lang, nhà vệ sinh; trưởng điểm thi giám sát, theo dõi sức khỏe những người làm công tác coi thi và thí sinh, trước các buổi thi phải nhắc nhở cán bộ coi thi thực hiện quy định 5K; tổ chức xét nghiệm Realtime RT-PCR cho hơn 2.576 cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Riêng đối với trường hợp thí sinh F0, F1, F2 hoặc khu vực phong tỏa, cần nộp hồ sơ để thi đợt sau.

Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với các trường hợp thí sinh trong vùng phong tỏa hết hạn sẽ được test COVID-19, nếu âm tính sẽ thi phòng riêng, các thí sinh F3 và nghi ngờ sẽ thi phòng riêng. Thầy cô và lực lượng phục kỳ thi đã được tiêm ngừa và xét nghiệm, nếu âm tính thì mới được làm nhiệm vụ. (Nhật Huy)