Cao tốc Bắc - Nam gọi tên Cienco4

TP - Vừa là nhà thầu của các gói lớn, vừa đầu tư vào một phân đoạn quan trọng, Tập đoàn Cienco4 tới đây sẽ ghi dấu ấn đáng kể ở cao tốc Bắc – Nam. Đây là thành quả của quá trình kiên trì bám cầu, bám đường của một doanh nghiệp giàu truyền thống và nhanh chóng hội nhập. 
Vành đai 3 trên cao tại Hà Nội đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, dự án đòi hỏi công nghệ thi công phức tạp có sự đóng góp lớn của Cienco4

Những ngày cuối năm 2020, Tập đoàn Cienco4 dồn dập đón tin vui liên quan đến cao tốc Bắc – Nam (dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhất hiện nay). Theo đó, cuối tháng 12/2020, Bộ GTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công tỵ TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Dự án có điểm đầu tại Km430 + 00 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu), thuộc địa phận xã Diễn Cát (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An); điểm cuối tại Km479 + 300, thuộc địa phận xã Đức Thịnh (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Giai đoạn đầu, dự án có quy mô 4 làn xe, thực hiện trong 3 năm (khi hoàn thiện tăng lên 6 làn xe). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn của nhà đầu tư là hơn 5.090 tỷ đồng. Thời gian thu phí và vận hành khai thác dự kiến là hơn 16 năm.

Nụ cười người thợ Cienco4

Trước đó, Cienco4 cũng trúng 2 gói thầu xây lắp quy mô lớn tại các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong đó, gói thầu xây lắp số 2-XL, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có giá trị lên tới 1.910 tỷ đồng. Gói thầu này sẽ được Cienco4 thực hiện cùng Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Gói thầu XL-02 (trị giá hơn 705 tỷ đồng) xây dựng đoạn tuyến Km113+500 - Km120+500 thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 do Cienco4 cùng với Tổng công ty xây dựng Trường Sơn là liên danh nhà thầu được Bộ GTVT lựa chọn.

Phát triển ổn định, cổ phiếu tăng mạnh

Ngoài tin mừng về cao tốc Bắc – Năm, 2020 là năm bội thu của Cienco4. Đầu tháng 12/2020, Cienco4 cùng với Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn là liên danh nhà thầu được lựa chọn để thi công dự án mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài có tổng mức đầu tư 494 tỷ đồng. Trước đó, đầu tháng 8/2020, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 6 - “Thi công xây dựng công trình” thuộc dự án “Mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi” – Giai đoạn 1. Tại dự án này, liên danh Cienco4 – ACC – Đông Á, do Cienco4 đứng đầu trúng thầu 300 tỷ. Năm 2020, Cienco4 còn trúng thầu nhiều dự án sân bay khác, khẳng định tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực này. Trong đó, tại dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất (đã hoàn thành), Cienco4 được giao gói thầu trị giá hơn 650 tỷ đồng, chiếm 45% giá trị xây dựng của dự án.

Ngoài sân bay, năm 2020 với cán bộ, kỹ sư và công nhân Cienco4 là một năm bận rộn tại các công trường khác nhau trên khắp cả nước. Tại Hà Nội, gói thầu số 1 dự án Mai Dịch - Nam Thăng Long vừa mới hoàn thành và Tập đoàn vẫn đang thi công gói thầu số 1 của Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 (Hà Nội). Tại Hà Tĩnh - Nghệ An, Cienco4 góp sức tại dự án cầu Cửa Hội. Tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Tập đoàn tham gia cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Tại Đà Nẵng là nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý. Tại TP HCM, Cienco4 còn rất nhiều việc làm tại dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên và gói thầu J3 thuộc cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tại Tây Ninh, Tập đoàn đang thi công dự án cầu An Hòa và gói thầu CW8 tại dự án đường đô thị Mộc Bài.

Sửa chữa đường băng Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) - một dự án yêu cầu kỹ thuật và tốc độ cao do Cienco4 làm nhà thầu chính đã hoàn thành

Năm 2020, doanh thu của Cienco4 ước đạt trên 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu của Cienco4 dự báo đạt trên 3.005 tỷ đồng, lợi nhuận trên 220 tỷ đồng. Dự địa phát triển hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2021-2025 còn rất lớn và là cơ hội tiếp theo cho Cienco4 với các dự án như Sân bay Long Thành, đặc biệt là hạ tầng giao thông phía Nam.

Hệ thống máy rải bê tông hiện đại của Cienco4

Sự phát triển ổn định của Cienco4 phản ánh rất rõ trên thị trường chứng khoán. Gia nhập thị trường vào ngày 10/12/2018, cổ phiếu C4G của Tập đoàn chào sàn ở mức 12.200 đồng/cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu của Tập đoàn trượt dài do các dự án hạ tầng giao thông trầm lắng. Thậm chí, vào tháng 3/2020, trong tâm lý bán tháo vì dịch Covid-19, mỗi cổ phiếu C4G chỉ còn 3 nghìn đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2020, đầu năm 2021, C4G có lúc đã vượt trên 12.000 đồng/cổ phiếu.  

Với người ngoài ngành, việc một doanh nghiệp ra đời và lớn mạnh trong ngành xây dựng cầu đường như Cienco4 có tên trong danh sách nhà thầu, nhà đầu tư cao tốc Bắc – Nam không phải chuyện lạ. Tuy nhiên, nếu theo dõi sự trầm lắng của ngành hạ tầng giao thông thời gian qua, chứng kiến nhiều ông lớn ngành này cởi áo nhà nước, khoác áo tư nhân rồi, rời bỏ luôn ngành nghề chính mới thấy nỗ lực miệt mài của Cienco4. Sau cổ phần hóa, dù có mở rộng sang các lĩnh vực khác như xây dựng nhà cao tầng, khu công nghiệp, nhà máy nước, đầu tư bất động sản…, nhưng Cienco4 vẫn lấy mảng thi công hạ tầng giao thông làm trụ cột.