Canh biển, giữ trời, bảo vệ tổ quốc với niềm tự hào Viettel

Phát triển và làm chủ những giải pháp công nghệ tiên tiến mà chỉ vài siêu cường quân sự toàn cầu có thể nắm giữ, Viettel đã chứng minh Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực bảo vệ vùng biển, vùng trời của tổ quốc theo cách của riêng mình.

Phía trên những chiếc xe tải quân sự thương hiệu Kamaz của Liên bang Nga và MAZ của Belarus (hiện đều đã được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam), những hệ thống radar khổng lồ dễ dàng thu hút ánh mắt của khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024. Dù khiêm tốn hơn nhiều so với kích thước của thiết bị, dòng chữ Viettel trên thân radar lại có ý nghĩa đặc biệt to lớn với nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc VHT (người chỉ tay) đang giới thiệu với quan khách về hệ thống radar do Viettel sản xuất. Ảnh: Trần Nam

Mang tới Triển lãm 11 chủng loại radar, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) không chỉ chứng minh khả năng làm chủ công nghệ quốc phòng tiên tiến mà còn khẳng định người Việt có đủ năng lực bảo vệ Tổ quốc bằng tri thức Việt. Bên cạnh đó, khả năng tuỳ biến theo nhu cầu của khách hàng cùng chi phí cạnh tranh cũng mở ra tiềm năng xuất khẩu cho radar Viettel nói riêng, công nghệ quốc phòng Made in Vietnam nói chung.

Giải bài toán hóc búa trong chiến tranh hiện đại

Kể từ thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine, thế giới chứng kiến một hình thái mới của xung đột, nơi những thiết bị bay không người lái (UAV) đã làm thay đổi các học thuyết quân sự trước đây. Vũ khí hiện đại này có kích thước nhỏ, di chuyển linh hoạt, hoạt động ở độ cao thấp và tấn công vào các mục tiêu trọng yếu.

Các radar thế hệ cũ 2D chỉ có 2 chiều khoảng cách và phương vị để theo dõi mục tiêu di chuyển trên một mặt phẳng, ngoài ra tốc độ quét chậm, không thể theo dõi các vũ khí mới. Vũ khí hiện đại đặt ra bài toán mới về phòng không. “Lời giải” là các radar 3D thế hệ mới, nhưng không nhiều bên sở hữu và sẽ phải mua với giá cao, phụ thuộc về công nghệ và vận hành.

Với quyết tâm làm chủ công nghệ để góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech-VHT) thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đầu tư nghiên cứu và chế tạo thành công đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS nhằm tăng cường khả năng giám sát phòng không tầm thấp.

Mô hình hệ thống radar tại gian hàng của Viettel. Ảnh: Trần Nam.

Khác với radar 2D, radar 3D có thể xác định thêm độ cao, có tốc độ quét nhanh và hiển thị vị trí chính xác của mục tiêu trong không gian. Nhưng cũng vì thế mà các yêu cầu về công nghệ ăngten phức tạp hơn.

Chia sẻ về hành trình hơn 5 năm phát triển radar 3D, ông Trần Hoàng Việt, Trưởng phòng Công nghệ ăngten mảng pha chủ động – công nghệ lõi của radar thế hệ mới, thuộc Trung tâm Radar VHT, cho biết nhóm đã phải giải quyết hàng loạt thách thức từ kỹ thuật, cơ sở vật chất cho tới nhân lực.

Viettel nhận nhiệm vụ nghiên cứu radar 3D từ năm 2018. Sản phẩm đầu tiên ra đời vào năm 2020 và do Viettel hoàn toàn làm chủ công nghệ lõi, trong khi đây là một trong những dòng radar tối tân và không nhiều bên sở hữu. Ngoài tính năng phát hiện UAV và tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp với độ chính xác cao, radar 3D của Viettel còn sở hữu thiết kế module hoá, giúp dễ dàng tháo lắp, vận chuyển và triển khai ở mọi địa hình trận địa, bao gồm các khu vực đồi núi hiểm trở.

Bước vào nhiệm vụ đầu tiên, Viettel đã quyết định nghiên cứu công nghệ ăngten mảng pha quét búp sóng điện tử (beamforming) tiên tiến nhất trên thế giới thời điểm đó. Công nghệ này sử dụng các phần tử ăngten khác nhau hoạt động đồng bộ để điều chỉnh hướng phát và nhận sóng của radar, tạo ra độ phân giải cao hơn so với việc phát tín hiệu ra tất cả các hướng của radar truyền thống, tương tự như công nghệ được ứng dụng trong phát sóng 5G. “Rất khó để làm chủ về độ chính xác và đồng bộ của các phần tử khi phát và thu, lượng dữ liệu cần xử lý cũng tăng gấp nhiều lần”, ông Hoàng Việt cho biết.

Với tinh thần làm chủ công nghệ để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến quốc phòng, các kỹ sư đã chọn cách giải quyết đến gốc rễ của vấn đề nhằm bảo đảm tuyệt đối sản phẩm đầu ra hoạt động ổn định, tạo lòng tin với Bộ Quốc phòng. “Thoái thác” không có trong từ điển của người Viettel. Không chỉ có một phương án, trong giai đoạn Covid-19, nhóm kỹ sư phát triển đã chọn cách thiết kế lại sản phẩm khi thiếu vật tư do chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì đại dịch nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng radar.

“Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đài radar 3D chiến thuật băng S VRS-SRS cũng đã hoàn thiện, bảo đảm yêu cầu được đưa ra. So sánh với đài radar 3D chiến thuật cùng phân khúc của một công ty nước ngoài đứng hàng đầu trong sản xuất radar, đài radar do Viettel nghiên cứu có chỉ tiêu tương đương thậm chí vượt trội hơn như khả năng phát hiện mục tiêu trực thăng xa hơn gấp 1,6 lần, độ chính xác đo góc tà tốt hơn gấp 2 lần…”, ông Trần Hoàng Việt chia sẻ.

Cách làm Viettel để Việt Nam tự chủ công nghệ quốc phòng

3 năm trước khi bắt đầu nghiên cứu radar 3D, Tập đoàn Viettel cũng đã nhận nhiệm vụ nghiên cứu nghiên cứu hệ thống Radar quản lý bờ biển để trang bị cho Quân chủng Hải quân. Chập chững bước trên chặng đường thiếu cả kinh nghiệm, tài liệu tham chiếu lẫn hiểu biết về thực địa, người Viettel một lần nữa phát huy tinh thần “dò đá qua sông”, vừa làm vừa sửa, để tiến tới làm chủ hoàn toàn về công nghệ.

Viettel mang tới Vietnam Defence năm nay 11 loại radar khác nhau. Ảnh: Hà Thu.

Trước khi sản phẩm cuối cùng được ra mắt, các kỹ sư của Viettel đã miệt mài phát triển tới 36 phiên bản khác nhau. Phiên bản sau hoàn thiện hơn phiên bản trước, đáp ứng được nhiều hơn các yêu cầu đặt ra, Radar quản lý bờ biển Made in Vietnam cuối cùng cũng đáp ứng mọi kỳ vọng, trở thành con mắt canh giữ biên giới trên biển cho toàn bộ 5 vùng Hải quân.

“Với mỗi sản phẩm dù là quân sự hay dân sự, Viettel sẽ tìm ra không chỉ một giải pháp mà luôn có các phương án dự phòng, theo đó là các nguồn nguyên vật liệu đầu vào, thiết kế hay kể cả công nghệ khác nhau. Chúng tôi xác định tìm ra các công nghệ lõi để học hỏi và làm chủ”, Thiếu tướng Nguyễn Đình Chiến, Bí thư Đảng uỷ kiêm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn phụ trách nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao, cho biết.

Xác định rõ mục tiêu vì nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, kể từ đầu thập niên 2010 tới nay, Viettel phát triển không ngừng với năng lực cung cấp đa dạng loại hình khí tài với hơn 50 chủng loại sản phẩm đã cung cấp tới lực lượng vũ trang, có khả năng làm chủ những khí tài mang hàm lượng công nghệ cao mà chỉ một số ít nước sở hữu.

Đưa vào triển khai thực tế, những sản phẩm của Viettel cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các đơn vị sử dụng. Dù đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng có một điểm chung phổ biến trong các đơn vị đó là sự ngỡ ngàng bởi người Việt đã làm chủ được những công nghệ phức tạp tới vậy.

Làm chủ công nghệ sản xuất radar nói riêng và các trang thiết bị quốc phòng công nghệ cao nói chung, Viettel đã phát huy tinh thần không ngừng nỗ lực phát triển và làm chủ vũ khí, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Và những nỗ lực đó đã được ghi nhận một cách xứng đáng. Năm 2022, 2 công trình thuộc lĩnh vực quân sự do tập thể kỹ sư VHT nghiên cứu đã vinh dự đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ. Năm 2024, nhóm tác giả của công trình nghiên cứu radar VRS-SRS được Giải Nhất Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao tặng.

Các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao do Viettel nghiên cứu, sản xuất được trình diễn tại gian hàng Công nghiệp Quốc phòng tại triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 19/12 – 22/12.

Viettel trưng bày hơn 80 sản phẩm và module thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật cung cấp cho Quân đội như khí tài công nghệ cao, thiết bị thông tin liên lạc, radar, máy bay không người lái, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống mô hình mô phòng, hệ thống tác chiến không gian mạng, v.v…