Đây là thông tin được nêu tại giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 7/9 tại Hà Nội.
Nguy cơ phải nhập khẩu năng lượng
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, giai đoạn từ 2011 đến 2019, tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình 10,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Trong khi đó, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm). Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng. Năng lượng tái tạo dù có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành nhưng tỷ trọng thấp. Nhiệt điện khí và dầu hầu như không phát triển mới trong suốt giai đoạn 2011 - 2019.
Theo Bộ trưởng Công Thương, điều đáng lo nhất chính là các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%.
“Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) cho sản xuất điện do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam Bộ từ sau năm 2022. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ông Trần Tuấn Anh thừa nhận, hiện cơ chế chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ, chậm được đổi mới, nguồn lực đầu tư còn hạn chế và dàn trải. Sự phối hợp của các địa phương trong công tác triển khai các dự án điện chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, một số địa phương không nghiêm túc thực hiện quy hoạch được duyệt khiến quy hoạch bị phá vỡ.
Người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần mổ xẻ các nguyên nhân dẫn tới hàng loạt dự án điện chậm tiến độ, các bất cập về thu hút vốn đầu tư cũng như các giải pháp liên quan đến nhập khẩu năng lượng thời gian tới. “Với nhiệt điện than, hiện có tình trạng nhiều địa phương đề nghị không đầu tư. Vậy cần xác định vai trò của nhiệt điện than cũng như xử lý vấn đề môi trường như xỉ than của nhiệt điện, pin mặt trời của năng lượng tái tạo trong thời gian tới thế nào”, ông Khanh đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: Có sự chậm trễ trong công tác quy hoạch và dự báo sự phát triển các nguồn năng lượng mới . Việc chậm dự báo nguồn khí bị cạn kiệt được cảnh báo trong các năm qua nhưng việc tìm các nguồn thay thế cũng chậm.
Về câu hỏi giá điện đã theo cơ chế thị trường chưa, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, giá điện đang hướng tới các cấp độ thị trường thông qua 3 giai đoạn. Bộ Công Thương đã xây dựng đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị. Giai đoạn 2 (từ năm 2022 đến năm 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện. Như vậy, đến năm 2024, thị trường điện cạnh tranh sẽ vận hành đầy đủ.
“Khi đó, thị trường sẽ có tăng, có giảm. Nhà nước sẽ chỉ quản lý phí truyền tải điện, không can thiệp vào giá điện. Giá điện chỉ có tăng, không có giảm do từ 2011 đến 2020, chưa có cơ hội để đảm bảo cân đối, cơ cấu giá thành của các nhà đầu tư điện được tính đủ trong giá đầu vào. Thời gian qua, có sự giảm giá đầu vào của khí, gas nên chúng ta đã giảm 10% giá điện thông qua việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong đợt dịch COVID-19 vừa qua”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Không còn bù chéo
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đặt câu hỏi: Bao giờ mới hết tình trạng bù chéo trong giá điện giữa các nhóm khách hàng? Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, quan điểm của Chính phủ là giữ giá điện cho sản xuất ở mức thấp để thu hút đầu tư dù tỷ trọng tiêu thụ của nhóm khách hàng này chiếm tới 50% tổng sản lượng cả nước. Tuy nhiên, việc giữ giá điện thấp với sản xuất kéo theo tình trạng có nhiều ngành như xi măng, sắt thép với công nghệ không hiện đại thâm dụng điện năng rất lớn, tạo gánh nặng cho nền kinh tế.
“Thời gian tới giá điện sẽ được xây dựng theo hướng hạn chế tình trạng bù chéo này. Đến 2024 sẽ không còn câu chuyện can thiệp về giá, không có chuyện bù chéo các mức giá điện giữa các vùng miền, các lĩnh vực. Còn giá có giảm hay không thì không ai dám chắc do phụ thuộc nguyên liệu đầu vào”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Về việc giá điện phải theo thị trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thị trường phát điện cạnh tranh giai đoạn 1 đã được vận hành. Thị trường bán buôn điện cũng vận hành từ 1/1/2019. Nếu không làm tốt thì không thể có thị trường bán lẻ. “Hiện nhiều địa phương không ủng hộ điện than, chuyển sang đầu tư điện mặt trời, điện gió nhưng…rất mang tính phong trào”, ông Hiển nhận xét.
Theo ông Hiển, việc cần làm lúc này là tập trung giải quyết để đưa 10 dự án điện chậm tiến độ nhiều năm vào vận hành. Cùng với việc đó là không để tình trạng có điện nhưng không có nguồn truyền.
Tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc
Theo Bộ Công Thương, do nhiều nguồn điện lớn chậm tiến độ nên để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ 2021, ngoài tăng huy động nguồn điện từ năng lượng tái tạo bù lại phần điện năng do các nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ, sẽ phải tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc. Dự kiến tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào khoảng 3.000 MW vào năm 2025 và sẽ xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.
“Hiện nhiều địa phương ko ủng hộ điện than, chuyển sang đầu tư điện mặt trời, điện gió nhưng… rất mang tính phong trào”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển