Cảnh báo ho ra máu

Không khí ô nhiễm, khói bụi, khí độc từ việc dùng than đến những chất thải công nghiệp… tất cả đều có thể là nguyên nhân gây các bệnh lao, phổi trong đó biểu hiện rõ nhất là ho ra máu.
Ảnh minh hoạ: Internet

Được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, sau khi làm các xét nghiệm sinh tiết thì ông Lâm (P. Kỳ Bá, Tp.Thái Bình) nhận hung tin: mình đã bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối. Trước đó, ông đã khó thở, không ăn uống được và luôn bị ho ra máu. Tuy nhiên, vì chủ quan cứ nghĩ là viêm phế quản thông thường, nên dù có lúc ho ra cả những cục máu tươi ông vẫn không nói cho người thân biết. Và khi bệnh đã nặng, phải cấp cứu thì chuyện đã muộn.

Theo bác sĩ, vì tình trạng sức khoẻ yếu nên giường ông Lâm nằm được đặt gần sát bếp than, mùi khí độc bốc lên hàng ngày có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến ông mắc ung thư phổi.

Ảnh minh họa

Không nên chủ quan khi bị ho ra máu

Ho ra máu tươi hoặc cục máu đông, hoặc đôi khi lẫn theo đờm luôn là dấu hiệu không bình thường. Ho ra máu có thể từ phế quản cũng có khi từ trong phổi. Ho ra máu là triệu chứng của tình trạng giãn phế quản, lao, ung thư phổi… Ở người có tuổi sức đề kháng cơ thể kém, khi ho ra máu cần cảnh giác với lao phổi và ung thư phổi.

Bệnh lao có nhiều biểu hiện như: sốt về chiều kéo dài, mệt mỏi, gầy sút cân, ho, khó thở, khạc đờm, đờm có mủ và ho ra máu… Điều đáng lo ngại của bệnh lao ở người cao tuổi là điều trị rất phức tạp vì sức đề kháng cơ thể kém, lượng thuốc dùng thường quá sức chịu đựng của cơ thể, lại cộng với hiện tượng lao kháng trị.

Cùng với bệnh lao, ung thư phổi ở người cao tuổi cũng chiếm khoảng 6%. Bệnh không phát ngay mà âm ỉ trong một thời gian dài. Biểu hiện của bệnh thường là mệt mỏi kéo dài, gầy, sút cân, sốt nhẹ, ăn kém, ho ra máu kèm theo khó thở... khi phát bệnh nặng khó thở sẽ tăng và ho ra máu nhiều. Thậm chí có ngươì chỉ khạc nhẹ cũng ra máu. Đây là bệnh nan y nên khi thấy những triệu chứng bất thường người bệnh nên kiểm tra sớm để có phác đồ điều trị thích hợp.

Ông Lâm là một trong những người chủ quan với sức khoẻ của mình khi mầm mống của bệnh mới xuất hiện. Và để đến lúc bệnh nặng hơn thì y học chỉ còn cách khoanh tay đứng nhìn bởi tuổi cao, sức yếu, không thể chống chọi lại được với những cơn đau hành hạ.

Để tránh gặp trường hợp tương tự, khi có hiện tượng ho ra máu, dù nhẹ, người bệnh phải nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động, đi lại thật nhẹ nhàng. Phải nằm ở tư thế đầu cao hơn thân để ho khạc được hết máu ra ngoài, không đọng lại trong đường thở. Sau đó, nên đi gặp bác sĩ sớm. Và điều quan trọng nữa ở người cao tuổi là phải luôn tạo cho mình một cuộc sống lành mạnh, tinh thần vui vẻ, ăn ngủ điều độ, không hút thuốc lá và thể dục mỗi ngày.

Theo Theo SKGĐ