Trong khi đi bộ sẽ mang lại cho ta cảm giác khỏe khoắn dễ chịu, phổi được làm việc nhiều hơn, thở mau và sâu hơn, máu được hấp thu nhiều dưỡng khí và các tế bào được đón nhận nhiều dưỡng khí đến hơn.
Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, tim, phổi, cao huyết áp, thừa cholesterol... thì cường độ, tốc độ đi bộ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sức của mỗi người. Đi bộ nên kết hợp tập thở, thở chậm và sâu theo nhịp đi. Luyện tập đều đặn như vậy theo thời gian sẽ cảm thấy người khỏe ra, đi được nhiều hơn, xa hơn, da dẻ sẽ hồng hào hơn.
Những người đi bộ xương đùi, xương cẳng chân sẽ cứng cáp hơn, tỷ lệ gãy cổ xương đùi giảm hẳn so với những người không tập đi bộ. Phụ nữ tuổi mãn kinh, tỷ lệ bị bệnh loãng xương cao, nếu đi bộ thường xuyên xương sẽ chắc hơn.
Với tuổi già, đi bộ sẽ giúp gân cốt chắc hơn, đi lại chắc chắn hơn, ít bị ngã do giữ được thăng bằng tốt hơn. Ngoài ra hoạt động thể thao giúp cho tinh thần thanh thản, bệnh trầm cảm và chứng lo âu cũng nhờ đó mà giảm đi nhiều. Đi bộ cùng với hít thở làm cho trí tuệ minh mẫn hơn vì não nhận được nhiều dưỡng khí hơn, giấc ngủ sẽ tới dễ dàng hơn và ngủ cũng sâu giấc hơn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở một số lớn bệnh nhân trong đó có nhiều người cao tuổi, đi bộ không những tốt cho sức khỏe mà còn ngừa được nhiều bệnh. Thường xuyên đi bộ, chăm luyện tập thể dục sẽ làm tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật tốt.
Nên đi bộ càng sớm càng sớm càng tốt. Đi bộ là một môn thể thao tốt và phù hợp với mọi lứa tuổi. Mới đầu nên đi chậm và gần, dần dần đi nhanh và xa hơn. Bạn nên cố gắng tập đi bộ đều đặn, không nên bỏ cách quãng lâu, như vậy mới mong có được tác dụng như ý muốn.