Phải có liên kết vùng
Chiều 8/9, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra diễn đàn “Liên kết phát triển logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ”.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá ngành logistics của vùng Đông Nam Bộ còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới thông qua một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước được ban hành gần đây.
“Hiện tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TPHCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái ở TPHCM, Cái Mép-Thị Vải ở Bà Rịa-Vũng Tàu”, ông Công thông tin.
Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường.
“Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch VCCI đề xuất.
Ông Công nhấn mạnh, việc hình thành phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp vùng Đông Nam Bộ tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh được đánh giá là đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác. Về hạ tầng logistics cảng biển, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng chính của Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế là 129 triệu tấn/năm. Hồi tháng 3, cụm cảng này đã đón siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT.
“Chúng tôi đã định hướng phát triển khu vực dọc sông Thị Vải - Cái Mép đến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu - đường Vành đai 4 thành vùng công nghiệp, dịch vụ, đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành”, ông Thọ thông tin.
Cần ưu tiên nguồn hàng tại chỗ
Ông Đặng Vũ Thành - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - đánh giá, các hoạt động cảng biển, LCD, kho bãi, kho vận… đang tương đối độc lập nhất định mà thiếu đi việc liên kết với nhau. Do đó, việc liên kết vùng lại càng hạn chế hơn, như liên kết các vùng khác như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… Tính liên kết của hạ tầng đối với khu vực này cần phải thúc đẩy mạnh hơn, đồng thời có chính sách đồng bộ để có môi trường sinh thái cho hoạt động liên kết logistics.
Về hành lang pháp lý, các quy định, nghị định liên quan, ông Thành cho rằng, trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, chúng ta đã có nhiều cải tiến tích cực nhưng vẫn cần thiết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tối đa các dịch vụ tại khu vực này. Về công nghệ, hiện đang được đầu tư khá tốt về công nghệ quản lý kho, quản lý bãi… đây là một xu hướng rất tích cực để bắt nhịp vào nền kinh tế trong nước và xu hướng chung của thế giới.
“Đích cuối cùng của kinh doanh là mục tiêu tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh nguồn hàng thông qua việc liên kết vùng, nguồn hàng tại chỗ và nguồn hàng trung chuyển. Tôi cho rằng cần ưu tiên tuyệt đối cho nguồn hàng tại chỗ, trước khi đẩy mạnh nguồn hàng trung chuyển”, ông Thành nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Kỳ - Tổng iám đốc Cảng quốc tế Cái Mép - kiến nghị cần đảm bảo các tuyến đường giao thông kết nối vùng, sớm hình thành khu thương mại tự do (FTZ) tại Cái Mép - Thị Vải, cho phép tất cả các loại hàng hoá được vận chuyển giữa các cảng Cái Mép, bỏ seal hải quan khi container được vận chuyển bằng các xe tải có thiết bị theo dõi hành trình…