Từ lời thách đố đến châm lửa đốt trường
Cách đây 3 ngày, Ngọc Hân, một nữ sinh được cho là học sinh lớp 8 đã mang xăng đến trường THCS Phạm Ngũ Lão (Khánh Hòa) châm lửa đốt trước sự reo hò, cổ vũ của bạn bè. Vị trí nơi Hân đổ xăng đốt là trước cửa phòng y tế của trường học. Ngay lập tức bảo vệ nhà trường đã dập lửa, nhưng chính Hân lại bị chính đám cháy gây bỏng hai chân phải nhập viện điều trị. Hiện, công an đang điều tra, xác minh vụ việc.
Sự việc được bắt nguồn từ việc trước đó Ngọc Hân đăng lên facebook nội dung nếu đủ 1.000 lượt like của bạn bè sẽ châm lửa đốt trường. Khi đủ 1.000 like, Hân bị bạn bè kích động, ép dẫn đến hành động này.
Trao đổi sự việc, ông Trần Quang Mẫn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết, sở đã nhận được báo cáo của Phòng giáo dục thị xã Ninh Hòa, bước đầu xác nhận em học sinh đó đã bỏ học và bị bạn bè kích động dẫn đến hành động thiếu suy nghĩ, quá khích là mua xăng đến đốt trường.
Thầy cô phải nêu gương sáng
Ông Trương Đình Chiến, Học viện Hành chính Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, một bộ phận học sinh đang có sự lệch lạc từ nhận thức đến hành vi. Điều này xuất phát từ việc các em không chịu ảnh hưởng một quy tắc ứng xử nào đó.
Ông Chiến nói: “Lâu nay thế giới coi việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học là công cụ quản lý và xây dựng thương hiệu. Trong khi đó, ở Việt Nam các cấp quản lý chưa coi trọng việc này. Do đó, giáo viên đến lớp mới chỉ chú trọng dạy kiến thức chứ chưa dạy học sinh kỹ năng, thái độ ứng xử. Thậm chí có nhiều giáo viên có kỹ năng, thái độ đối với học sinh còn kém”. Ông Trần Quang Mẫn cũng bày tỏ sự lo ngại văn hóa ứng xử của học sinh trong bối cảnh chịu tác động nhiều từ công nghệ thông tin. Ông cho rằng, ở vị trí quản lý giáo dục ngoài các văn bản chỉ đạo phòng, trường đề nghị giáo viên quan tâm học sinh, đặc biệt học sinh cá biệt thì cần có xây dựng bộ văn hóa ứng xử nghiêm.
Đặt câu hỏi vì sao thời gian qua liên tiếp xảy ra những sự việc chấn động dư luận trong trường học như vậy? Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, lứa tuổi học sinh trung học có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, luôn thích khẳng định cái tôi của mình. Trên thực tế, vì cuốn theo cuộc sống mưu sinh, nhiều gia đình chưa có sự quan tâm đúng mực đến con cái. Trong khi các trường hiện nay đều đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử quy định ứng xử giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò. Tuy nhiên không phải trường nào cũng thực hiện tốt, chưa kể còn có thầy cô chưa mẫu mực, chưa làm gương cho học sinh.
Bà Nghĩa cho hay, thời gian tới, các trường sẽ phải xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, lấy học sinh làm trung tâm. Thầy cô và cha mẹ cần quan tâm hơn đến các em.