> Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý quốc tế để bác bỏ “đường lưỡi bò”
> Làm sao để ASEAN đoàn kết xử lý tranh chấp ở Biển Đông?
“Thể chế hóa” tranh chấp
Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ và bằng cả khối ASEAN gộp lại, không thể cân bằng nếu các quốc gia ASEAN không thắt lại mắt xích của tình đoàn kết, cộng thêm sức mạnh cộng đồng quốc tế.
Đây là giải pháp số một để xử lý tranh chấp biển Đông. Giải pháp tối ưu thứ hai là “thể chế hóa” tranh chấp.
Ths. Lê Thành Tâm và Ths. Trương Minh Huy Vũ, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 2 giải pháp giải quyết tranh chấp trên biển Đông trong nghiên cứu của mình.
Theo Ths Tâm và Vũ, có hai khả năng khi nước nhỏ bị đe dọa bởi nước lớn, đó là tăng cường vũ trang hoặc tìm liên minh từ các nước khác. “Chúng ta không hoàn toàn phủ nhận hai phương thức đó, nhưng như vậy nước nhỏ luôn ở thế sợ nước lớn.
Do đó, đề nghị thêm một cách tiếp cận thứ ba, đó là thể chế hóa tranh chấp biển Đông”.
Người Mỹ không muốn đóng vai trò phụ cho Trung Quốc ở khu vực này… Cố gắng của Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi vùng này có thể đưa lại hậu quả mà họ không lường được là Trung Quốc bị cô lập”.
Khi tham gia và chấp nhận thể chế đó, nước nhỏ có ba lợi ích gồm: Có quyền đối thoại với nước lớn về lợi ích của mình; đoán được hành động của nước lớn và buộc nước lớn làm theo cam kết; nếu có xung đột thì giải quyết bằng cam kết và luật pháp quốc tế. Nước càng yếu thì xu hướng sử dụng giải pháp “thể chế hóa” tranh chấp càng lớn.
Lật giở lại lịch sử tranh chấp biển Đông, TS Nguyễn Mạnh Hùng, ĐH Goerge Mason, Mỹ, cho biết, tranh chấp này có từ lâu giữa các quốc gia lân cận nhưng chỉ nóng lên từ năm 2009 với việc lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra đường 9 đoạn và đã yêu sách tới 80% biển Đông.
Đây là hành động không phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngay lập tức, vấn đề này thu hút sự chú ý của Mỹ.
Tranh chấp này nói lên tham vọng của Trung Quốc muốn lấy lại vị thế của mình trong khu vực.
Ngược lại, Mỹ lại muốn duy trì nguyên trạng vị trí số một mà Mỹ đang có và duy trì càng lâu càng tốt. TS Hùng đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, Trung Quốc tạo ra một chuỗi sự đã rồi như hàng loạt các hành động gây hấn suốt thời gian qua, thể hiện tham vọng thống trị của Trung Quốc trên biển Đông.
Thứ hai, sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến sự chuyển đổi quyền lực giữa một nước muốn làm bá chủ như Trung Quốc và nước muốn duy trì nguyên trạng như Mỹ.
Mỹ phải cân nhắc đến quyền lợi về pháp lý của Trung Quốc và Mỹ trên biển Đông cũng như quyền tự do hàng hải, vì Mỹ muốn bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không muốn tồn tại dưới cái bóng của Trung Quốc.
Kịch bản khả thi nhất và có thể tồn tại lâu dài, ổn định nhất phải đảm bảo 3 yếu tố chính là quyết tâm của Trung Quốc trở thành bá chủ trong khu vực; Tham vọng của Mỹ muốn duy trì vị trí lớn nhất về hàng hải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ASEAN muốn bảo vệ độc lập chủ quyền và thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc. Yếu tố nào đảm bảo được phải thỏa mãn 3 điều kiện chính là Trung Quốc phải tự kiềm chế; Sự đoàn kết giữa các quốc gia ASEAN; Mỹ thực hiện những cam kết của mình.
TS Hùng đặc biệt nhấn mạnh, dù kịch bản nào thì điều kiện quan trọng nhất là các nước ASEAN phải thắt chặt tình đoàn kết vốn “đang có vấn đề”, nếu đoàn kết, ASEAN có được ưu thế là quyền thương lượng tập thể và có thể kiềm chế những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc.
Bước đi thận trọng
Nhiều ý kiến cho rằng, dù giải pháp tháo gỡ tranh chấp là gì thì thận trọng cũng là một tiêu chí tiên quyết.
TS. Lokshin Grigory, Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nói: Vấn đề ASEAN phức tạp vì có 10 nước khác nhau, chế độ, quyền lợi chính trị khác nhau, phối hợp các quyền lợi đó là khó, cần quá trình lâu dài.
Do đó, theo ông, quá trình quan trọng hơn kết quả, đòi hỏi nhiều nỗ lực, thời gian và cần có sự cẩn trọng. Cần tuyệt đối không cho phép xảy ra xung đột.
“Chúng tôi không muốn có căng thẳng quân sự trong khu vực này, chỉ muốn giữ gìn ổn định hợp tác mọi mặt, không muốn một nước nào đó có độc quyền, kể cả Mỹ, Nhật hay bất cứ nước nào. Biển Đông là của cải chung của nhân loại chứ không riêng quốc gia nào. Tôi cho rằng, Việt Nam cần đi những bước thận trọng trong vấn đề giải quyết tranh chấp biển Đông. Đồng thời phải xây dựng các đối tác chiến lược, hướng tới triển vọng lâu dài”.
Tiếp cận tranh chấp biển Đông ở vấn đề an ninh năng lượng, TS Nguyễn Minh Mẫn, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, các đường hàng hải trên biển Đông có thể là điểm yếu nằm trong chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc nhằm đảm bảo các tuyến vận chuyển chiến lược từ các nơi trên thế giới về nước này.
Vị trí của Việt Nam lại nằm ở trung tâm trong khu vực biển Đông. Trong các bước đi thận trọng của mình như đã làm thời gian qua, Việt Nam nên chú trọng bám vào luật pháp quốc tế trong đó đặc biệt quan trọng là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tổng Bí thư tiếp đại biểu dự hội thảo Việt Nam học
Chiều 27- 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thân mật tiếp đoàn đại biểu các học giả tiêu biểu của 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ tư.
Phát biểu tại buổi tiếp, các đại biểu cho rằng, việc tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững là điều rất cần thiết đối với tất cả các nước và Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển bền vững. Các đại biểu quốc tế cũng thống nhất cho rằng, Hội thảo Việt Nam học lần này không chỉ có ích đối với Việt Nam mà còn có ích đối với các học giả nghiên cứu về Việt Nam.
Theo TTXVN