Lừa đảo thông qua mua bán trên diễn đàn đã trở thành một hiện tượng cần chú ý.
Cách đây vài ngày, chủ nhân nickname linh_hon_phieu_du… mua chiếc điện thọai nokia 8800 của một “thành viên gắn bó” trên diễn đàn. Chiếc điện thoại được quảng cáo là còn nguyên bản, bán với giá hơn 3 triệu đồng. Cuộc giao nhận hàng diễn ra nhanh chóng lúc trời chập choạng tối trước cổng một trường trung cấp kinh tế.
Khi đem về, linh_hon_phieu_du… phát hiện máy đã bị mở, main bị sửa chữa bung bét, liên lạc với người bán qua số điện thoại được cho lúc trước và nickname trên diễn đàn thì cả hai đều đã “nằm ngoài vùng phủ sóng”.
“Không biết trách ai, chỉ có thể trách mình chủ quan, ngu ngốc và quá tin tưởng vào người khác thôi” – đó là câu kết sau khi bị một vố khá đau của cậu bạn này.
May mắn hơn, cậu bạn tên Thành có nickname vespapro…mua được chiếc điện thoại sharp 903sh với giá 2.600.000 và được người bán bảo hành trách nhiệm 3 ngày.
Thành nhận thấy máy bị lỗi nhưng cho rằng chỉ là lỗi nhẹ nên vẫn chấp nhận mua. Khi đem ra hàng sửa chữa, được biết máy hỏng nặng, Thành mang đến trả ngay thì người bán nằng nặc đòi 150.000 gọi là “phí sử dụng”.
Kiểu làm ăn chộp giật lợi dụng lòng tin của những bạn trẻ không có kinh nghiệm mua hàng đang khá phổ biến trên các diễn đàn mua bán.
Ngoài những trường hợp mất tiền do không kiểm tra kỹ hàng hóa, nhiều bạn còn mất cả triệu đồng khi nghe những lời dụ dỗ hùn vốn làm ăn hoặc nhận tiền chuyển khỏan nhưng không chuyển hàng của một số đối tượng chuyên lừa đảo trên mạng. Khi bị tố cáo trên các topic, các đối tượng lại thay nick, đổi số điện thoại và hầu như không để lại bất cứ dấu vết nào.
Nhìn thấy topic với cái tít rất hấp dẫn “Giầy Converse giá rẻ đây” , Thành đặt thử ngay 1 đôi với giá 900 nghìn (trong khi giá trên website là 145$ - hơn 2 triệu đồng). Nghĩ rằng người bán có nguồn hàng ổn định, Thành liền đặt vấn đề lấy hàng với số lượng nhiều. Việc trao đổi mua bán giữa hai người diễn ra trong vòng 1 tháng với những lần hứa hẹn của “đối tác” nhưng vẫn không nhận được hàng.
Thành đặt cọc 5 triệu thì người kia chỉ đưa tới 8 đôi giày và nói tiền còn lại trong ngân hàng để dành làm vốn cho đợt sau.
Tiếp đó, người này rủ Thành hùn vốn làm ăn, mỗi người phải góp tới 40 triệu - mua được 500 đôi giầy. Giá quá rẻ khiến Thành không khỏi nghi ngờ, ngẫm lại thì Thành không có thông tin gì về “đối tác” của mình ngoài số điện thoại, và cậu ta sinh năm 1988, còn CMND cậu ta không chịu cho xem, bảo để ở nhà tận Quảng Ninh, một tuần chỉ lên Hà Nội 3 lần. Đòi lại số tiền còn lại của vụ 5 triệu, Thành được cậu ta hứa sang một ngày khác sẽ chuyển khoản. Vậy là từ đó “đối tác giầy Converse” của Thành lặn mất tăm.
....
Trên mạng, Người mua – người bán chỉ biết nhau với một nickname ảo, một số điện thoại có thể thay đổi ngay sau đó. Mặc dù biết mặt nhau, nhưng một lần gặp ngắn ngủi không cho phép người ta nhớ rõ về nhau. Người mua chỉ còn cách tin vào khả năng đánh giá chất lượng hàng hóa của mình hay độ gắn bó người bán trên diễn đàn.
Sau nhiều lần “tiền mất tật mang”, Thanh Hương – SV Học viện báo chí và tuyên truyền rút ra kinh nghiệm “xương máu” : “Trong thế giới ảo không phải cái gì cũng là thật. Bạn có thể tham gia diễn đàn để trao đổi bàn luận, để kết bạn nhưng mua bán bao giờ cũng phải sòng phẳng, không có lý gì khi bạn phải tin và trao tiền cho một người lạ, hãy tin vào chính mình và không tạo cơ hội để mình bị lừa”.