Ba gia đình có quan hệ họ hàng ở ngoại ô thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) muốn xây dựng lại nơi ở mới khang trang hơn trên mảnh đất 180 m2. Tuy nhiên, khoản ngân sách khá hạn hẹp dẫn tới sự hạn chế về giải pháp kiến trúc và vật liệu.
KTS người Nhật, Shunri Nishizawa, là người từng có nhiều kinh nghiệm làm nhà ở Việt Nam. Nhưng đây là công trình có mức đầu tư thấp hơn hẳn so với các nhà anh đã làm.
Tuy vậy, KTS Nishizawa cùng các đồng nghiệp Nguyễn Đỗ Hồng Quân, Lương Thanh Tùng (nishizawaarchitects) đã thiết kế được một ngôi nhà-vườn hòa nhập làm một, tràn ngập ánh sáng, cây xanh.
Công trình được chia sẻ trên hàng loạt báo nước ngoài. Các kiến trúc sư Việt Nam cũng đưa ra những đánh giá tích cực. "Lạ nước, lạ cái nhưng với nền tảng văn hóa tốt, nghiêm túc, chịu khó quan sát, vị khách Nhật này đã làm rất tốt việc khai thác yếu tố bản địa vào dự án. Ngôi nhà giản dị, mộc mạc nhưng tinh tế trong chi tiết - đó là điều mà nhiều kiến trúc sư cần học hỏi", KTS Đào Hưng nhận xét.
Trước đây, nhiều chủ nhà ở Châu Đốc xả rác xuống tầng dưới để nước lũ cuốn trôi, rửa sạch tự nhiên. Khi có bờ kè ngăn lũ, họ vẫn giữ thói quen cũ khiến tầng một đầy chất bẩn, không được sử dụng. Trong ngôi nhà này, kiến trúc sư đã loại bỏ tập tục này bằng cách biến tầng một thành không gian sinh hoạt chung có nắng, gió, cây xanh và hồ nước.
Công trình cũng giữ được các nét kiến trúc đặc trưng của Châu Đốc, phù hợp với tập quán sống của các thành viên trong nhà. Đó là kiểu kiến trúc với cột đá hoặc bê tông chống từ mặt đất rồi tới khung gỗ phía trên và cuối cùng được bao bọc bởi mái tôn mỏng nhẹ.
Hệ khung gỗ cà chất (gỗ địa phương) với trần thấp và cách phân chia không gian nhờ chênh cao độ sàn (thay vì tường bao) giữ lại được không khí ấm cúng, thói quen sinh hoạt ngồi bệt.
Mái dốc truyền thống được đổi thành ba lớp mái dạng cánh bướm xuyên suốt chiều dài công trình, tăng sự thông thoáng tự nhiên và tạo sự kết nối bên trong và ngoài nhà.
Ngôi nhà có 3 tầng với tổng diện tích sử dụng là 340 m2. Tầng một là nơi ở của gia đình 4 người; tầng 2 có gia đình 2 người và một người độc thân sinh sống. Tầng 3 là phòng thờ. Cả ba hộ có mối quan hệ họ hàng nên có thể dùng một số không gian chung.
Các hệ cửa, vách xoay điều chỉnh lưu lượng nắng gió vào nhà một cách linh hoạt, thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.
Để giảm chi phí, nhà dùng nhiều vật liệu giá rẻ như tôn, nhựa... Tuy nhiên, sự thông thoáng tự nhiên cũng như cây xanh bố trí rải rác trong nhà góp phần giảm nhiệt độ đáng kể.
Không gian thờ giản dị, trang trọng ở trên tầng 3. Nội thất làm mới cũng được lựa chọn màu trầm có cảm giác gần gũi, thân quen dù nhà mới được hoàn thiện trong năm nay.
Những khung cửa sổ có mái đua ra ngoài giúp che mưa nắng và đem lại những góc nhìn đẹp ra cảnh đồng quê xung quanh.