Cần đổi mới cách thức xử phạt giao thông

TP - Tiền Phong ngày 12-3 đăng bài Xử phạt vi phạm - Dân khổ, CSGT không vui. Sau khi báo ra, Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng cần phải cải cách thủ tục xử phạt.
Thủ tục rườm rà, nhiều tài xế xe tải luôn có tâm lý muốn tự “nộp phạt nhanh” cho CSGT thay vì phải lập biên bản Ảnh minh họa

> Xử phạt vi phạm: Dân khổ, CSGT không vui

Thủ tục rườm rà, nhiều tài xế xe tải luôn có tâm lý muốn
tự “nộp phạt nhanh” cho CSGT thay vì phải lập biên bản.
Ảnh minh họa.

Ăn chực, nằm chờ để nộp phạt

Dịp Tết Tân mão vừa qua, khi đang chở khách từ TP Đà Nẵng ra bến xe Giáp Bát (Hà Nội), xe của anh Nguyễn Văn Long, trú tại phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng bị chốt CSGT, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút Pháp Vân - Tam Trinh tạm giữ với lý do trả khách khi xe đang chạy. Với lỗi này, anh Long bị lập biên bản xử phạt 1 triệu đồng và bị giữ giấy tờ xe 30 ngày.

Do giấy tờ xe bị giữ, nên sau khi trả hết khách tại bến xe Giáp Bát, toàn bộ kíp chạy xe hôm đó phải đi tìm bãi đỗ để gửi xe chờ xin giấy tờ ra. “Ngoài mất vụ làm ăn dịp Tết, việc phải ăn chực nằm chờ một tháng ở Hà Nội để xin giấy tờ xe cũng tốn gần 10 triệu đồng”, anh Long phàn nàn.

Nhiều tài xế xe khách, xe tải chạy tuyến Bắc - Nam cũng than thở, từng nhiều lần phải vạ vật khi vi phạm giao thông ở các tỉnh xa. Ngoài xe nằm hàng tháng trời, nhiều kế hoạch kinh doanh, hợp đồng mua bán đổ bể. Anh Nguyễn Đình Hưng, lái xe tải cho doanh nghiệp Nhật Quang (huyện Gia Lâm) cho biết, dịp giáp Tết vừa qua, anh nhận một hợp đồng chở đào, quất từ Hà Nội vào TPHCM.

Đi đến cầu Sài Gòn, xe bị CSGT tạm giữ với lỗi chở hàng không đúng thiết kế ghi trong giấy đăng ký xe (chuyên chở phụ tùng xe máy). Với lỗi này, ngoài bị phạt 500.000 đồng, anh Hưng còn bị giữ giấy tờ xe 30 ngày.

“Không muốn Tết xa gia đình nên sau khi làm các thủ tục nộp phạt xong, tôi đã mua vé máy bay ra Hà Nội. Ngày 5-3 vừa qua là hết thời gian một tháng giữ giấy tờ xe tôi lại phải mua vé máy bay trở vào TP HCM xin giấy tờ rồi đánh xe về”, anh Hưng kể.

Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch HĐQT hãng taxi Hương Lúa cho rằng, thủ tục xử phạt vi phạm giao thông hiện nay rườm rà và đang gây rất nhiều khó khăn cho tài xế và DN vận tải.

Cần đổi mới cách thức xử phạt

Nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, do thủ tục rườm rà, đi lại mất thời gian nên “cánh” tài xế thời gian qua đã lách luật bằng cách “nộp phạt nhanh” cho CSGT thay vì phải lập biên bản.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN, cần phải thay đổi hình thức xử phạt vi phạm giao thông. Vừa qua Hiệp hội đã kiến nghị lên bộ GTVT hình thức xử phạt bằng tem. Với phương án này, tài xế vi phạm luật giao thông ở bất kỳ đâu cũng có thể mua tem bán ở các bưu điện, chốt cảnh sát với mệnh giá tương ứng (từ 30.000 đồng đến trên 100.000 đồng) dán vào biên bản vi phạm.

Làm như vậy ngoài hạn chế được người dân không phải đi lại nhiều, tốn kém còn đẩy lùi được nạn mãi lộ, tiêu cực.

Cũng theo ông Hùng, ngoài tem còn có thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm giao thông bằng tài khoản ngân hàng như ngành CSGT đã có ý kiến. Tuy nhiên, để các chủ phương tiện (từ xe máy đến ô tô) có tài khoản ngân hàng là điều rất khó thực hiện; hình thức này sẽ hợp lý hơn nếu áp dụng cho ô tô hoặc làm thí điểm cho loại phương tiện nào đó.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng CSGT Đường bộ - Đường sắt cũng cho rằng, thủ tục xử phạt vi phạm giao thông hiện nay còn rườm rà, trong thời gian tới cần thiết phải thay đổi.

Nghị định 34 ban hành năm 2010 cũng đã cho phép trừ tiền vi phạm giao thông vào tài khoản cá nhân. Nếu áp dụng hình thức xử phạt qua tem hoặc tài khoản, Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Tài chính... cần bàn bạc thống nhất để đưa ra phương án thực hiện phù hợp nhất.

Tuy nhiên, ông Hà cũng nhấn mạnh, hình thức xử phạt bằng tem hay tài khoản chỉ nhằm giảm phiền hà, đi lại cho người dân, còn mức phạt tiền, thời gian tạm giữ giấy tờ vi phạm giao thông theo các văn bản, Nghị định của Chính phủ vẫn không thay đổi.

Theo Báo giấy