Cận cảnh tuyến đường lát đá ở trung tâm TPHCM sắp được khò lửa để tạo độ nhám

TPO - Sau 8 năm được lát đá granite để trở thành quảng trường và phố đi bộ của TPHCM, đường Nguyễn Huệ và Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Đồng Khởi đến Pasteur) đã mất dần độ nhám, nhiều vị trí trơn nhẵn, đặc biệt khi có mưa, mặt đường ướt nước dễ gây trơn trượt.

Từ năm 2015, vỉa hè và đường Lê Thánh Tôn (đoạn trước UBND TPHCM, từ Đồng Khởi đến Pasteur) và đường Nguyễn Huệ được lát đá granite để trở thành quảng trường và phố đi bộ của thành phố.

Mỗi viên đá lát trên các tuyến đường này dày 8 cm, trên vỉa hè dày 6 cm và có độ bền sử dụng hàng trăm năm.

Những năm qua, hạng mục lát đá trên đường và vỉa hè đường Nguyễn Huệ và Lê Thánh Tôn đã giải quyết đáng kể vấn đề đi lại cho người dân cũng như tạo tiện lợi cho sự tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Sau hơn 8 năm đưa vào khai thác và sử dụng, hiện mặt đường ở khu vực đã giảm dần độ nhám với nhiều vị trí bị nhẵn.

Khi mặt đường ướt nước hoặc vào thời điểm có mưa thường xảy ra hiện tượng trơn trượt, gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện.

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo nghiên cứu các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông mặt đường Lê Thánh Tôn và Nguyễn Huệ, quận 1.

Ngày 11/10 vừa qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Thành phố về việc triển khai thí điểm phương án tăng cường độ nhám mặt đường trên đường Nguyễn Huệ và Lê Thánh Tôn (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur).

Về tăng cường độ nhám mặt đường trên 2 đoạn đường này, Sở GTVT TPHCM cho biết đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (đơn vị được giao quản lý đường Nguyễn Huệ và đường Lê Thánh Tôn đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur) chủ động khắc phục nhằm tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, trong tháng 10 năm 2023, sở đã phối hợp Công ty Cổ phần Giao thông Sài Gòn (nhà thầu đang cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ) cùng nghiên cứu một số giải pháp, phương án tạo nhám cho đường có bề mặt lát đá (tương tự như các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, quận 1).
"Qua xem xét, một số giải pháp tạo nhám hiện nay như: sơn tạo nhám, phun cát và thổi hơi nóng bề mặt đá (khò lửa). Kết quả thực nghiệm cho thấy phương án thổi hơi nóng bề mặt có ưu điểm hơn"- Sở GTVT TPHCM nêu trong văn bản.

Do đó, Sở GTVT đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Công ty Cổ phần Giao thông Sài Gòn, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm phương án tăng cường độ bám mặt đường bằng giải pháp tạo nhám nêu trên. Đồng thời, báo cáo UBND TP và Ban An toàn giao thông TP kết quả.

Công nhân quét dọn vệ sinh trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) vào sáng 14/10.

Là tuyến đường ở trung tâm TPHCM, đường Nguyễn Huệ có mật độ phương tiện lưu thông tương đối lớn.
Đường Lê Thánh Tôn (đoạn trước UBND TPHCM).