Tuần lễ thời trang tốt nghiệp có chủ đề "Không tưởng" (Uptopia) của sinh viên khoa Thiết kế Thời trang Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hanoi vừa diễn ra tại Hà Nội với nhiều hoạt động như triển lãm; trình diễn các bộ sưu tập; gây quỹ vì chương trình "Áo mới đến trường".
Tạ Thị Hương mang đến Bộ sưu tập “Sắm Vai” được lấy cảm hứng Hát Bội - loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống lâu đời của Việt Nam. Bộ sưu tập gồm gồm các thiết kế mang một màu sắc khác nhau với các tông màu ấn tượng như: đỏ, xanh, trắng, đen tượng trưng cho các nhân vật thường thấy trong Hát Bội. Xuyên suốt bộ sưu tập là chất liệu vải tự nhiên, thân thiện với môi trường được sử dụng cùng các kĩ thuật cắt ghép vải thủ công.
Nguyễn Thị Minh Châu có bộ sưu tập “Let’s go - Nào mình cùng đi” lấy cảm hứng từ chính món đồ chơi từ nhỏ của Minh Châu: những mảnh ghép Lego đầy sắc màu, tích hợp thêm công nghệ như AI - trí tuệ nhân tạo. Những thiết kế trong bộ sưu tập được dựng cấu trúc cứng cáp cùng chi tiết cầu vai lớn gợi sự liên tưởng đến những chú robot. Kỹ thuật in trên vải được sử dụng tạo nên những họa tiết bắt mắt như những miếng ghép Lego và những vi mạch điện tử.
Hoàng Quang Duy mang đến bộ sưu tập "Nothing dangerous - Không có gì nguy hiểm" mang tinh thần tự do của những con người đam mê leo núi. Từ cấu trúc cứng cáp đến tông màu vàng, xanh lam ấn tượng và họa tiết in lấy cảm hứng từ ngọn núi Everest, tất cả đều mang đến một sức sống mạnh mẽ cho bộ sưu tập. Form dáng của các thiết kế chính là sự pha trộn của chiếc áo giáp sắt, trang phục bảo hộ và trang phục thể thao ngoài trời.
Lê Anh Thư mang đến bộ sưu tập “Un Paradis - Không đề” là cuộc hội ngộ giữa nghệ thuật và thời trang, là một thử nghiệm về sự giao thoa giữa chiến tranh và hòa bình, thiên đường và hiện thực. Sự tương phản gữa những yếu tố này cũng được thể hiện rõ ràng qua cấu trúc và màu sắc của các thiết kế. Bộ sưu tập là sự pha trộn của những thiết kế truyền thống cùng những món đồ thiết yếu được sử dụng trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam.
Nguyễn Thị Phương Linh với bộ sưu tập "Yêu" mong muốn thể hiện sự hồi sinh của thời trang vào giai đoạn cuối thập niên 90 với các khía cạnh về tình yêu và tuổi trẻ. Bộ sưu tập lần này được lấy cảm hứng từ những bộ phim tình cảm tuổi teen nổi tiếng của thập niên 90 như: “Clueless” và “10 Things I Hate About You” nhưng được thổi vào những màu sắcmới mẻ hơn.
Phạm Thảo Anh thiết kế bộ sưu tập “Cao bồi” từ ý tưởng từ bộ trang phục của cao bồi với cảm hứng thời trang đường phố hiện đại. Nhà thiết kế đã kết hợp da và denim bởi tính chất bền vững của hai loại chất liệu này. Cùng với đó là những cách xử lí chất liệu mới mẻ, họa tiết in độc đáo và các điểm nhấn phá cách. Phom dáng của các thiết kế cũng được phát triển từ những món đồ quen thuộc của những người cao bồi như: yên ngựa, quần chap.
Nguyễn Thị Thủy Tiên trình làng bộ sưu tập “ Memoir of a liar - Hồi ức của kẻ nói dối”. Bộ sưu tập thể hiện sự cảm thông và ngưỡng mộ của tác giả dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ xung quanh mình. Bộ sưu tập bao gồm thiết kế áo blazer, áo corset và chân váy gợi cảm nhưng không kém phần cá tính. Những chi tiết cắt xẻ táo bạo cùng những điểm nhấn làm từ chất liệu da mang tới cảm gai góc, dữ dội như những “trận chiến” trong cuộc sống mà người phụ nữ phải trải qua. Tông màu đen được lựa chọn làm chủ đạo với nét chấm phá của sắc đỏ tạo cảm giác như những vết thương đang rỉ máu nhưng cũng đồng thời là sự nổi loạn, phản kháng lại những điều bất công đối với chính mình.
Trần Ngọc Hiền với bộ sưu tập “Future Past” lấy cảm hứng từ thời kì Retro Futurism. Ngọc Hiền muốn kết hợp sự sáng chế ở thì hiện tại và tầm nhìn của quá khứ về tương lai để mang sự hoài niệm và hiện đại thành một. Bằng cách này mà quá khứ, hiện tại và tương lai có thể đứng chung một dòng chảy. Bộ sưu tập cho mùa xuân hè 2021 “Future Past" bao gồm các thiết kế thời trang dạo phố mang hơi hướng Couture, sử dụng vải gió và taffeta là những chất liệu chính trong bộ sưu tập.
Đỗ Phương Thảo trình làng bộ sưu tập "Ridiculously rich - Âu hóa" lấy cảm hứng từ bối cảnh tại Việt Nam trong những năm 1930-1940, khi mọi người cố gắng một cách mù quáng để chạy theo lối sống phương Tây, với mong muốn chứng minh sự giàu có nhưng đã vô tình khiến những giá trị truyền thống dần mất đi. Ý tưởng thiết kế đến từ những xu hướng thời trang thập niên 40, được thể hiện bởi sự pha trộn giữa trang phục truyền thống và trang phục phương Tây. Tông màu lạnh đóng vai trò chủ đạo bên cạnh những tông màu gợi cảm giác hoài cổ. Tính bền vững được thể hiện qua việc các thiết kế có thể được mặc và kết hợp theo nhiều cách khác nhau.
Lương Thu Giang mang đến bộ sưu tập “Abstract Fantasy” - Giả tưởng trừu tượng lấy cảm hứng từ câu chuyện “Xứ Oz diệu kỳ” của tác giả L. Frank Baum và trường phái Ấn tượng của thế kỷ XX, bộ sưu tập gồm các mẫu thiết kế Thu - Đông mang đầy sắc thái huyền ảo và siêu thực. Bộ sưu tập giới thiệu bảng màu ngẫu hứng với các tông hồng, tím, xanh lam, cùng với đó là kỹ thuật chần bông độc đáo và form dáng mới mẻ.
Đặng Sơn Linh có bộ sưu tập "Reborn -Tái sinh" lấy ý tưởng từ những đường nét cơ thể con người và những “khuyết điểm” khó được chấp nhận trong các tiêu chuẩn sắc đẹp. Bên cạnh đó là những màu sắc rực rỡ tạo hiệu ứng đánh lừa thị giác, tạo cảm giác như những cơ thể này đang trải qua một sự biến đổi hay một sự tái sinh. Kỹ thuật chần bông và tạo hình vải organza bằng nhiệt được sử dụng để góp phần tạo nên kiểu dáng linh hoạt, tràn đầy năng lượng cho các thiết kế.
Nguyễn Thị Minh Thư cho ra đời bộ sưu tập "Cirque du lunaire - Rạp xiếc Ánh trăng" lấy bối cảnh là một rạp xiếc nói không xiếc thú nhưng chắc chắn vẫn sẽ luôn vui nhộn và mang đầy tính giải trí. Bộ sưu tập Xuân/Hè này mang nét cá tính, thể thao của phong cách đường phố cùng kiểu dáng độc đáo kết hợp cùng với họa tiết in vui nhộn lấy cảm hứng của những chú hề và nghệ sỹ trong rạp xiếc.
Mã Nguyệt Mai mang đến bộ sưu tập “Chàm” sử dụng chất liệu lụa tơ tằm, đũi, thổ cẩm và kỹ thuật đan sợi để tôn vinh nét đẹp của làng nghề dệt vải thủ công truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, bộ sưu tập được thiết kế theo hướng đa chức năng, người mặc có thể biến đổi, kết hợp để tạo thành nhiều kiểu trang phục khác nhau.
Đàm Tiến Cường có bộ sưu tập "Những chiến binh ở Yoshiwara" là thiết kế kết hợp giữa nét tinh tế của trang phục truyền thống Nhật Bản với tinh thần chiến binh mạnh mẽ. Chất liệu chủ đạo trong bộ sưu tập này là lụa handmade của Việt Nam, da thực vật, len organic thân thiện với môi trường cùng những phụ kiện nổi bật như: dây xích, đinh tán.
Thạch Thủy Tiên trình làng bộ sưu tập "Recycled personality" lấy cảm hứng từ những nhân vật trong điện ảnh và văn học như Chí Phèo, Joker... Chất liệu được sử dụng chủ yếu là chất liệu tái chế với mục đích nhấn mạnh quan điểm rằng ai cũng xứng đáng cơ hội làm lại cuộc đời và trở nên tốt đẹp hơn.