Nhà cổ hơn 200 tuổi ở Thanh Hóa
Ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi nằm ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá cách cổng Tây Thành Nhà Hồ 200 m, là một trong sáu ngôi nhà cổ ở nước ta được tổ chức Di sản châu Á - Thái Bình Dương bảo tồn.
Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1810, là của ông Phạm Ngọc Tùng đời thứ 7 dòng họ Phạm.
Nhà được xây dựng chủ yếu bằng gỗ gồm 29 cột cái, mái nhà được lợp bởi 16.000 viên ngói vảy cá. Hai xà chính của ngôi nhà được làm bằng gỗ táu với vô số nét chạm trổ rất độc đáo, tinh xảo tạo nên vẻ riêng biệt, cổ điển cho ngôi nhà.
Nhà rộng 9,8m, dài 21,5m, cao 5m gồm 7 gian: 3 gian chính và 4 gian phụ, 3 gian giữa là khu thờ và sinh hoạt chung.
Nhà gỗ quý trăm tuổi của quan Tổng đốc Sơn Tây
Nhà gỗ quý trăm tuổi của quan Tổng đốc Sơn Tây nằm giữa vùng đất học Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Ngôi nhà 5 gian làm bằng gỗ lim, vàng tâm, lợp ngói mũi của quan Tổng đốc Sơn Tây Đào Trọng Kỳ là một trong số rất ít công trình nhà cổ được bảo tồn ở Hải Phòng.
Ngôi nhà gỗ cổ này được xây dựng vào những năm 1890, gồm 5 gian làm bằng gỗ lim và vàng tâm.
Điểm nhấn của ngôi nhà đến từ ba bậc tam cấp kéo dài suốt mặt tiền và được ghép bằng các tảng đá xanh tự nhiên.
Tường nhà thì được xây bằng gạch đất nung bản mỏng vô cùng vững chắc. Đặc biệt, công trình này được xây toàn bằng vôi, cát.
Nhà cổ Phùng Hưng: kiến trúc của 3 trường phái Việt- Trung- Nhật
Nhà cổ Phùng Hưng nằm ở số 04 Nguyễn Thị Minh Khai, Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam. Ngôi nhà này là nơi chứng kiến sự ra đời và phát triển của tám thế hệ gia đình Phùng Hưng. Năm 1985, ngôi nhà đã được xếp hạng nhất ở Việt Nam với lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao.
Nhà cổ Phùng Hưng là tổng hợp kiến trúc của 3 trường phái: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản.
Nhà có tuổi thọ hơn 100 năm, và có kết cấu rất độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng mênh mông xung quanh, thể hiện được sự phát triển về kiến trúc cũng như sự giao lưu giữa các phong cách Á Đông.
Ngôi nhà cổ gần 300 tuổi ở Hà Nội
Nhà thờ dòng họ Đỗ nằm ở phía tây của thủ đô, bên trong một con ngõ nhỏ ở xã Đông Ngọc vẫn còn giữ nguyên kiến trúc cách đây đã 3 thế kỷ.
Điểm nổi bật nhất của ngôi nhà đó chính là hai con hạc đứng trên mình hai con rùa và hai tấm bia ở gian dĩ tòa nhà tiền tế.
Ngôi nhà được xây dưới thời vua Lê Cảnh Hưng năm 1760 theo kiểu kiến trúc như một đình làng.
Ngôi nhà gồm nhà tiền tế và chính điện được dựng bởi các loại gỗ như lim, xoan rừng. Nhà có kiến trúc 5 gian, hai dĩ, lợp ngói âm dương truyền thống.
Theo Ảnh: VnExpress/Hoian.vn