Cận cảnh ngôi đền dựng trên đất doanh nghiệp tại Hải Phòng

TPO - Như Tiền Phong phản ánh, một ngôi đền với nhiều tên gọi khác nhau, rộng hơn nghìn mét vuông mới hoàn thành tại trung tâm TP Hải Phòng từ nguồn vốn xã hội hóa. Đây vốn là miếu thờ nhỏ, nhiều lần bị phá bỏ. Để lấy đất xây dựng ngôi đền, một doanh nghiệp kinh doanh tại đây đã bị “bốc” đi. 
Toàn cảnh đền Tam Bạc - Nguyệt Cư phủ

Ngôi đền tọa lạc tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, tại trung tâm thành phố Hải Phòng, sơn màu nâu đỏ, mái lợp ngói xanh. Đền có nhiều cột, cửa gỗ lớn và các hạng mục làm bằng đá tự nhiên, đục khắc tinh xảo cho thấy số tiền đầu tư vào đây không nhỏ. Ảnh Bảo An.

Đền nằm ngay chân cầu Tam Bạc - cây cầu được công ty Sơn Trường hiến tặng TP Hải Phòng trị giá gần 100 tỷ đồng. Ảnh Facebook Đền Tam Bạc - Nguyệt Cư phủ. Cách đó chỉ khoảng 200 m, bên kia sông Tam Bạc hiện đã có ngôi đền Tam Kỳ (thuộc quận Lê Chân). Ngay tại địa bàn phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) cũng có ít nhất 2 ngôi đền khác.

Đền được đặt tên “Đền Tam Bạc - Nguyệt Cư phủ”. Tuy nhiên, hầu hết người dân sống xung quanh và nhiều người dân Hải Phòng không biết đền thờ ai. Nhiều người địa phương kể, trước đây, ở mỏm đất cạnh ngã ba sông Tam Bạc giao với một kênh đào nối ra sông Cấm (cạnh vị trí đền mới xây) có ngôi miếu nhỏ. Nhiều gia đình, trong đó có những gia đình có người thân chết đuối trên sông thường ra đây cầu cúng.   Ảnh Facebook Đền Tam Bạc - Nguyệt Cư phủ.

Về tên gọi “Nguyệt Cư phủ”, bà bà Lê Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban quản lý đền lý giải bằng “thần tích” mới được trưng bày tại ngôi đền về Công chúa Nguyệt Cư (còn gọi là Bà chúa Lâm Thao, tương truyền là công chúa con vua Hùng thứ 17). Trả lời câu hỏi vì sao từ tên gọi chung là “đền bà Trấn Giang” như trong quy hoạch, nay đền lại có tên “Nguyệt Cư phủ”, bà Nguyệt nói: “Đền bà Trấn Giang có nghĩa là thờ một thần nữ để trợ chấn long miệng xấu ở khu vực ngã ba sông. Còn tôi được ngài giáng nhận (?)”.

Về cách thức huy động tiền xây đền, bà Nguyệt chưa trả lời nhưng ngôi đền được xây dựng thần tốc, xây từ cuối năm 2017 đến tháng 2/2018 đã hoàn thành. Dù xây mới nhưng ngôi đền xây đè lên toàn bộ vỉa hè, vượt qua một cột cắm ngay cạnh đó. Ngày 2/4, sau nhiều ngày báo Tiền Phong phản ánh, ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch UBND phường Hạ Lý vẫn cho rằng khu vực xây dựng kiên cố như ảnh trên "là những lán tạm". Ông Lương hứa sẽ cho kiểm tra lại. Tác giả: Bảo An  
Nền của ngôi đền vốn là trụ sở của Cty vận tải thủy số 3.  Công ty này bị phá bỏ tòa nhà làm việc 3 tầng để xây cầu Tam Bạc nhưng sau khi bị giải tỏa, ngôi đền bất ngờ mọc lên. Quy hoạch khu vực này vài tháng lại được thay đổi. Trong đó, ngôi đền lúc được quy hoạch hơn 1000 m2, khi lại hơn 1.400 m2. Hiện doanh nghiệp này còn khoảng 400 m2 (tại vị trí con tàu đang đậu trong ảnh) nhưng chính quyền quận Hồng Bàng đang muốn thu hồi. Tác giả: Bảo An  
Trong ảnh là khu đất xây đền vào tháng 4/2017. Trên đất không có ngôi đền hay miếu thờ cũ nào. Tại cuộc họp giải phóng mặt bằng mới đây, đại diện chính quyền UBND quận Hồng Bàng và phường Hạ Lý (địa bàn xây dựng đền) xác nhận từng phải giải tỏa điện thờ xây dựng trái phép tại khu vực này. Sau đó, ngôi đền được xây dựng thần tốc bằng nguồn tiền của các cá nhân do bà Nguyệt chủ trì nhưng chưa rõ ai "góp vốn". Tác giả: Bảo An

Trao đổi sau khi Tiền Phong phản ánh, ông Dương Đình Ổn, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho biết hiện quận đang tiến hành kiểm tra. Ông Ổn là người ký liên tiếp 3 quyết định cưỡng chế tại khu đất xây dựng ngôi đền này. Cũng theo đại diện Quận Hồng Bàng, hiện Sở Tài nguyên và môi trường Tp Hải Phòng cũng đang tiến hành thanh tra.