Cơ cực vì “bản án” vô hình
Sau khi giải phóng miền Nam, ông Nguyễn Ngọc Lợi được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ cử đi học ngành y tại Phân hiệu ĐH Y khoa miền núi (sau chuyển thành ĐH Y Bắc Thái, nay là ĐH Y - Dược, ĐH Thái Nguyên - gọi chung là Trường). Quá trình học tập, ông và một số cán bộ giữ chức vụ của Trường đã phát sinh mâu thuẫn do tính cách ngay thẳng của ông, rồi ông bị kỷ luật oan. Sau đó, Trường phải thu hồi quyết định và bồi thường vật chất trong 5 năm do ông bị chậm tốt nghiệp (từ 1983 đến 1988). Mặc dù đòi lại được quyền lợi, nhưng sau đó với ông là quãng thời gian dài cơ cực do bị rơi vào cảnh “người vô thừa nhận”.
Sự việc bắt đầu từ việc Trường ra quyết định điều động ông Lợi về nhận công tác tại Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc - Phú Thọ sáp nhập thời đó), song lại không bàn giao đầy đủ hồ sơ cán bộ cho đơn vị tiếp nhận. Vì lý do này, Sở Y tế Vĩnh Phú không tiếp nhận bác sỹ Lợi, trả lại Trường. Sau đó, Trường cũng không tiếp nhận lại ông Lợi và từ năm 1991 đến nay ông Lợi không có hồ sơ, tài liệu cần thiết để chứng minh nhân thân, nghề nghiệp nên không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào theo quy định.
Tại thời điểm đó, vì không có CMND nên ông Lợi không thể đi tàu, xe, không xin được việc làm chính thức. Đến lúc lấy vợ cũng không đăng ký kết hôn được, sinh con thì không làm được giấy khai sinh…Có thời gian ông không tiếp cận được với dịch vụ công ích của xã hội. “Việc Trường ĐH Y khoa Bắc Thái lúc đó giam giữ hồ sơ gốc của tôi không khác gì tuyên cho tôi một bản án gạt tôi ra khỏi xã hội”, ông Lợi nói.
Theo lời ông Lợi, khi một cánh cửa này đóng lại thì có một cánh cửa khác mở ra, biết hoàn cảnh của ông, những đồng đội đã đùm bọc, bảo lãnh để ông được cư ngụ lại ở Hà Nội và giúp ông xin một số việc làm thời vụ, khoán việc để kiếm sống. Bạn bè, đồng đội cũng luôn động viên ông không được gục ngã vì ông còn phải nuôi mẹ già, chị gái tàn tật, nuôi con cái ăn học.
“Tôi phải làm rất nhiều công việc để kiếm sống và theo đuổi khiếu nại từ khi còn trai trẻ cho đến lúc tuổi đã xế chiều bởi tôi luôn tin rằng, Đảng, Nhà nước chắc chắn không bỏ rơi mình. Bây giờ tôi rất phấn khởi, cảm giác như hồi sinh, nói như một người bạn tôi là “đã có án tử hình nhưng bây giờ lại có một cái giấy khai sinh”. Hiện tại, Trường đã đề nghị đền bù vật chất cho tôi 3 tỷ đồng. Quyền lợi về vật chất được phục hồi rất quý nhưng cái lớn nhất là danh dự của tôi đã được trả lại”, ông Lợi chia sẻ.
TTCP sẽ giám sát
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về quá trình kiểm tra, rà soát khiếu nại của ông Lợi, liệu có dấu hiệu trù dập cán bộ thông qua việc giấu hồ sơ?
Tổ trưởng tổ xác minh - Thanh tra viên cao cấp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, tổ công tác không đi sâu làm rõ việc này nhưng chắc chắn là có uẩn khúc, vì có uẩn khúc nên những khiếu nại của ông Lợi mới kéo dài tận 32 năm mới được giải quyết dứt điểm. Lúc đầu, Trường này bảo không có hồ sơ, nhưng sau đó tổ công tác đã tìm được rất nhiều hồ sơ của ông ấy.
“Tại hội nghị tổng kết công tác ngành thanh tra mới đây, Thủ tướng đã đặt câu hỏi: Những vụ việc như thế này có nhất thiết phải kéo dài thế không? Tại sao Thanh tra Chính phủ làm 1 tháng là xong. Ðây là câu hỏi và cũng là gợi mở trả lời cho các cấp chính quyền, thanh tra các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét lại phương pháp, cách thức giải quyết khiếu nại tố cáo”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổ trưởng tổ xác minh
Ông Nguyễn Mạnh Cường
“Điểm mấu chốt của vụ việc là cơ quan có thẩm quyền đã có quyết định ông Nguyễn Ngọc Lợi là cán bộ đi B, là quân nhân, mà việc này tất cả các cơ quan đều biết, Trường biết, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đều biết nhưng người ta không giải quyết. Đó là điểm rất lạ. Đi sâu tìm hiểu thì được biết việc không giải quyết do yếu tố chủ quan là chính. Tại thông báo kết luận thanh tra, TTCP cũng nêu rất rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan và đề nghị kiểm điểm, có hình thức kỷ luật thích đáng và TTCP sẽ giám sát việc này”, ông Cường thông tin.