'Cấm đánh bạc và uống rượu' thời xưa

TP- “Cờ bạc là bác thằng bần”, các cụ ta xưa từng dạy vậy. Cờ bạc, rượu chè từ xưa đã gây biết bao đau khổ, oán sầu. Nó là một trong những nguyên nhân gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, gây ra bao cảnh nhà tan cửa nát.

Vì vậy, các triều đại phong kiến Việt Nam từng có các luật lệ, biện pháp nghiêm cấm đánh cờ bạc và uống rượu. Xin nêu ra mấy trường hợp tiêu biểu về sự nghiêm khắc của ông cha đối với tệ nạn này.

Năm 1269, quan thượng phẩm Nguyễn Hưng tụ tập bọn nha lại đánh bạc trong tư dinh. Việc bị phát giác, vua Trần Anh Tông sai vệ uý đánh chết Nguyễn Hưng, bọn tòng phạm đều bị phạt nặng.

Năm 1429, vua Lê Thái Tổ ban chỉ dụ trị tội những kẻ đánh bạc, du thủ, du thực, đàn đúm, chơi bời… nhằm động viên toàn dân chăm chỉ làm ăn, xây dựng lại đất nước.

Năm 1473, vua Lê Thái Tông ban chỉ cấm uống rượu. Ai trái lệnh sẽ bị phạt trượng hoặc bị tội đồ.

Năm 1718, chúa Trịnh Cường ban hành luật cấm uống rượu, nhằm ngăn chặn tình trạng rượu chè bê tha trong quan lại và dân chúng.

Thời nhà Nguyễn, có một người coi kho bạc trót nghiện rượu. Hàng ngày, mỗi khi thèm rượu, anh ta lấy một đồng tiền mua rượu uống. Vụ việc đến tai vua Tự Đức.

Vua nổi giận phán: “Mỗi ngày lấy một đồng, ngàn ngày mất ngàn đồng. Nếu không trị tội sớm thì một ngày kia kho tàng nhà nước bị trống rỗng. Phải xử chém ngay!”. Kẻ phạm tội rơi đầu.

Đó là chuyện xưa, còn ngày nay vẫn có nhiều người suốt ngày sa đà cờ bạc và say xỉn be bét, gây ra vô số hậu quả cho gia đình và xã hội. Nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do uống rượu…

Nhiều cặp vợ chồng ra tòa ly hôn là do ham mê cờ bạc lô đề… Do vậy, sự nghiêm khắc của ông cha ta trong việc cấm đánh bạc, uống rượu đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bộ luật Hình sự nước ta cũng có những điều khoản nghiêm cấm đánh bạc, Chính phủ có nhiều chỉ thị cấm cán bộ công chức uống rượu trong giờ hành chính... Tiếc rằng việc thi hành vẫn chưa triệt để.