Cải tạo chung cư cũ Hà Nội: Cư dân lo lắng về chất lượng nhà tạm cư

TPO - Một số quỹ nhà tạm cư, tái định cư cho cư dân các khu chung cư cũ của TP Hà Nội đã cũ, xuống cấp dẫn đến việc cư dân thấy không đảm bảo điều kiện sinh sống nên chưa đồng thuận với việc di dời.

Lo lắng về chất lượng nhà tạm cư

Là một trong số hơn 20 hộ dân chưa di dời khỏi nhà G6A Tập thể Thành Công (Phường Thành Công, quận Ba Đình), bà V (78 tuổi) cho biết: “Thực lòng, tôi rất ủng hộ phương án cải tạo của TP và muốn di dời từ lâu, nhưng gia đình khó khăn và neo người lại có hai cháu nhỏ đang đi học. Tôi sợ nếu đi tạm cư ở chỗ nào ngoại thành hay cách quá xa khu vực phường Thành Công thì sẽ khó khăn trong việc đưa, đón các cháu đi học. Vì thế nên tôi còn nấn ná".

Cũng theo lời bà V, những hàng xóm cũ của bà khi đến nơi tái định cư mới đều phàn nàn về vị trí, chất lượng nhà ở, điện, nước và tiện ích công cộng khiến bà và những người chưa di dời khá băn khoăn.

Nhiều hộ dân ở nhà G6A Thành Công (quận Ba Đình) lo lắng về chất lượng nhà tạm cư nên còn nấn ná, chưa di dời. (Ảnh: Lộc Liên)

Cùng tâm trạng, ông L, cư dân cũ của nhà A Ngọc Khánh (quận Ba Đình) lắc đầu khi được hỏi về chất lượng nhà tái định cư nơi ông và gia đình đang ở: Nhà cũ thì sợ sập, đến nhà mới thì suốt ngày nước rỉ, ngấm trần, thang máy hay mất điện, chúng tôi đã phản ánh rất nhiều lần rồi mãi mới được khắc phục. Bây giờ chỉ mong thành phố sớm có phương án cải tạo nhà chung cư cũ để chúng tôi sớm được trở về.

Nói về vấn đề nhà tái cư, tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3/11/2022, trả lời câu hỏi của Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về những bất cập của nhà tái định cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết nguyên nhân của thực trạng này là người dân không có nhu cầu tái định cư, nhà ở tái định cư xuống cấp, không đảm bảo chất lượng, công tác tái định cư chủ yếu cho người dân có chỗ ở và các chính sách an sinh xã hội sau khi tái định cư chưa được quan tâm.

Bên cạnh đó, vị trí dự án không thuận lợi trong giao thông, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo. Chưa kể việc yêu cầu người dân đóng góp liên quan đến phí vận hành, bảo trì khó khăn.

Một khu tái định cư trong ngõ 156 đường Tam Trinh (Yên Sở, Hoàng Mai) đã nhiều năm không có người ở. (Ảnh: Trường Phong)

Đồng thời, việc nhà tái định cư dù đã có quy định chuyển đổi sang nhà ở thương mại nhưng chưa chuyển đổi được do trình tự, thủ tục thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên nhân nữa là nhà tái định cư ở xa trung tâm, không thuận lợi về trung tâm do đó không đáp ứng được yêu cầu để thu hút người dân. Trong khi đó, các cấp chính quyền trong bố trí quản lý chưa cụ thể nên việc sử dụng nhà tái định cư trong thời gian qua không được quan tâm.

Chưa đồng thuận di dời vì muốn gặp chủ đầu tư

Trao đổi với Tiền Phong về lý do mà các hộ dân vẫn chưa chịu di dời khỏi các khu chung cư cũ, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình cho rằng: Về cơ bản nguyện vọng của các hộ dân đều muốn gặp gỡ nhà đầu tư để được thỏa thuận với nhà đầu tư về chính sách tái định cư trở lại. Nhưng đến nay, theo quy định khi có quy hoạch được phê duyệt, trên cơ sở đó mới lập tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Khi tổng mặt bằng và phương án kiến trúc được phê duyệt, nhà đầu tư mới có thể thỏa thuận được với các hộ dân.

Một số quỹ nhà tái định cư đã cũ, xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến việc khi TP Hà Nội đưa người dân đi xem, họ thấy rằng không đảm bảo điều kiện sinh sống nên chưa đồng thuận di dời khỏi các khu chung cư nguy hiểm cấp D. (Ảnh: Lộc Liên)

UBND quận giao cho Ban thực hiện các công việc thuê đơn vị tư vấn để xây dựng quy hoạch. Cũng như làm các bước đo đạc đất, lập tổng mặt bằng, xin chỉ giới đường đỏ, lập quy hoạch… Hiện chúng tôi đang tiến hành làm những công việc này.

Vướng mắc thứ hai là quỹ nhà tạm cư của TP bố trí cho quận để bố trí cho các hộ dân thì có một số quỹ nhà được người dân đồng thuận, tuy nhiên một số quỹ nhà còn lại đã cũ, xuống cấp nghiêm trọng dẫn đến việc khi đưa người dân đi xem quỹ nhà tạm cư này họ thấy rằng không đảm bảo điều kiện sinh sống nên người dân chưa đồng thuận di dời, có thể kể đến như quỹ nhà A1, A2 Phú Thượng (quận Tây Hồ).

Ngoài ra, còn có vướng mắc về chính sách hỗ trợ cho người dân trong phương án di dời, hệ số bồi thường…

Thực tế, không riêng gì quận Ba Đình và TP Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, chưa có dự án tái thiết chung cư nào tại các thành phố lớn của Việt Nam có thể coi làm hình mẫu cho việc cải tạo khu chung cư cũ.

Trong khi các nhà đầu tư thì trước mắt luôn đòi hỏi việc phải đáp ứng tiềm năng về lợi thế địa điểm, được tăng sức ép lên đất, nâng tầng, nâng diện tích sàn và đảm bảo lợi nhuận thì mới làm, mà để làm thì họ phải nhận bàn giao mặt bằng sạch; Còn người dân thì yêu cầu được đối thoại với chủ đầu tư, yêu cầu phải kí quỹ, có điều khoản đảm bảo quyền lợi về nhà ở, thời gian xây dựng và thời gian có nhà mới thì họ mới chịu di dời. Thành ra, chính quyền TP đang kẹt ở giữa, loay hoay tháo gỡ những nút thắt…(CÒN TIẾP)