Các tác giả SGK hỗ trợ, đồng hành tích cực cùng giáo viên

Sau 3 năm đưa vào dạy học thực tiễn trên toàn quốc, SGK Cánh Diều đã nhận được những phản hồi tích cực của nhiều giáo viên, có được thành quả đó là nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của các tác giả viết sách trong quá trình tập huấn về phương pháp giảng dạy cho các cơ sở giáo dục.

SGK mới có nhiều sự thay đổi trong cách tiếp cận bài giảng, cấu trúc và nội dung bài học. Vì thế, việc các tổng chủ biên, chủ biên và tác giả viết sách tập huấn phương pháp giảng dạy cho thầy cô là điều vô cùng cần thiết trước khi những cuốn sách được đưa vào dạy chính thức.

Hết lòng với giáo viên và học trò

Ít ai biết để một bộ SGK Cánh Diều đưa vào giảng dạy chính thức, những tác giả viết sách đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều bước như dạy thử nghiệm đánh giá, dành hàng tháng để giới thiệu sách đến các trường học trên toàn quốc, tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho các thầy cô về phương pháp giảng dạy,… để làm sao khi đưa vào học đạt hiệu quả cao nhất về dạy và học.

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Đinh Quang Báo, Tổng Chủ biên bộ SGK Sinh học THPT cho biết, việc triển khai giới thiệu sách, dạy thực nghiệm là yêu cầu bắt buộc và khâu quan trọng trong quá trình biên soạn SGK. Mục đích thử nghiệm là kiểm nghiệm đánh giá tính khả thi mức độ đáp ứng yêu cầu của các bài học trong SGK mới để từ đó có cơ sở chỉnh sửa và hoàn thành bản mẫu trước khi gửi hội đồng quốc gia thẩm định.

Việc thực nghiệm sẽ được tiến hành ở các vùng miền trong điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù nhà trường khác nhau. Từ đó đưa ra những phương pháp giảng dạy, cách tiếp cận bài học để cô và trò đều hoàn thành tốt những chương trình mà sách đề ra.

GS.TS Đinh Quang Báo trong một cuộc hội thảo về SGK Cánh Diều tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Baohatinh.vn.

Trước khi bắt đầu năm học mới 2022-2023 và sau khi kết thúc học kỳ I, các thầy tổng chủ biên, chủ biên sách đã đi đến nhiều địa phương như Hải Dương, Hà Tĩnh, Nam Định,… để trực tiếp tập huấn và giải đáp những băn khoăn của giáo viên trong quá trình triển khai sách mới. Ngoài ra, các tác giả cũng dành nhiều thời gian để trả lời trực tuyến những câu hỏi của thầy cô trong quá trình dạy học.

“Với mỗi nơi chúng tôi đến, Phòng GD&ĐT đều tập hợp được khá nhiều câu hỏi của các thầy cô giáo, tôi thấy các câu hỏi đều tập trung vào vấn đề mới của chương trình. Đó là những điều rất đáng mừng, vì qua dạy học, các thầy cô đã nhận ra được cái mới, sự khác biệt đó. Nếu chỉ nói việc bồi dưỡng giáo viên trên lý thuyết thì không thấm, quan trọng nhất là phải nói vào những điều cụ thể. Bản thân tôi cũng viết hơn 100 bài viết đăng tải trên trang cá nhân và các diễn đàn của giáo viên dạy SGK Cánh Diều về nội dung, phương pháp, cách thức triển khai sách mới”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên SGK Cánh Diều lớp 7 chia sẻ.

Với GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng Chủ biên môn Toán sách Cánh Diều THCS thì vấn đề then chốt để đảm bảo thành công của chương trình SGK mới là giáo viên. Đây là nhân tố quyết định thành bại của bất kỳ cuộc cải cách nào, cho nên chương trình GDPT 2018 muốn thành công, bắt buộc phải thay đổi nhận thức của giáo viên. Vì vậy, các cuộc tập huấn là hết sức cần thiết để có sự thay đổi rất sâu sắc về phương pháp giảng dạy.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại Hội thảo về ngữ liệu SGK lớp 1 ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Sở GD&ĐT Đồng Tháp.

Lắng nghe ý kiến từ người dạy

Sau các cuộc hội thảo, tập huấn, trả lời trực tuyến, các tác giả SGK đều có chung đánh giá các thầy cô cơ bản đã nắm được cách thức tiếp cận người học, phương pháp giảng dạy SGK mới. Ở đó, học trò được lấy làm trung tâm, giáo viên là người gợi mở để các em chủ động tiếp cận kiến thức, vận dụng vào thực tế qua các hoạt động trên lớp. Bên cạnh đó các tác giả cũng tiếp nhận những góp ý chân thành của các chuyên gia giáo dục, giáo viên trực tiếp giảng dạy để có những thay đổi về nội dung theo hướng tích cực.

“Trong quá trình thực nghiệm sách, các tác giả đều xin ý kiến rất cầu thị, đó là góp ý của những nhà khoa học, những giáo viên phổ thông. Ngay cả khi có sự nhận xét của Hội đồng Thẩm định, chúng tôi vẫn mong muốn nhận được sự góp ý thật nhiều từ thầy cô để khi sách được giảng dạy chính thức sẽ phù hợp với các vùng miền, địa bàn dân cư”, GS.TS Đỗ Thanh Bình, đồng Tổng Chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý nói.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt thông tin với PV: “Sau mỗi đợt tập huấn, chúng tôi thấy rằng giáo viên đã nắm bắt được cấu trúc SGK, học liệu bổ trợ của các bộ sách; có những góp ý rất bổ ích cho các tác giả viết sách; nhận biết những điểm đổi mới, cách triển khai phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực. Các thầy cô đã tập trung vào các hoạt động học tập, phát triển năng lực cho học sinh; sử dụng bài bản các học liệu điện tử trong giảng dạy. Những điều này rất đáng mừng với chính những người viết ra bộ sách”.

Với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, vấn đề giáo viên đưa ra những góp ý đã giúp các tác giả viết sách có thêm những thông tin tham khảo để đổi mới cách dạy, cách học cũng như cách kiểm tra đánh giá tường minh hơn trong SGK mới.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái là người dành nhiều tâm huyết trong đổi mới dạy và học trong các trường phổ thông

Quả ngọt từ sự tận tâm

Sau 3 năm được triển khai giảng dạy trên toàn quốc và nhận được sự đồng hành của các tác giả viết sách, SGK Cánh Diều với nhiều điểm ưu việt đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía giáo viên.

Thầy Lý Văn Điền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Ninh (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) cho biết, từ khi triển khai chương trình mới, các thầy cô trong trường đã chọn bộ sách Cánh Diều cho trường mình học và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các tác giả viết sách. Cho đến bây giờ, trường thầy vẫn và sẽ chọn Cánh Diều bởi lẽ, bộ sách gần gũi, phù hợp với địa phương. Cả về mặt khoa học sư phạm và khoa học giáo dục, nhân văn cũng như thực tiễn. Đặc biệt khi dạy và học, thầy trò không thấy khó khăn mà dễ dàng thích nghi, có hiệu quả tốt.

Đối với cô Hà Thị Bích Hạnh, giáo viên dạy môn Toán THCS tại huyện Ý Yên (Nam Định), sự hỗ trợ của chủ biên, tác giả sách rất quan trọng. Theo cô Hạnh, mặc dù từ năm lớp 6 đã có những cuộc tập huấn trực tuyến cho giáo viên, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa có điều kiện để làm quen với phương pháp dạy học. Nhờ sự giúp đỡ trực tiếp của thầy chủ biên sách, cô cùng các đồng nghiệp đã nhận thức rõ ràng hơn về Chương trình GDPT năm 2018; những phương pháp, kỹ thuật dạy học môn Toán lớp 7.

Nhận xét về phương pháp dạy và học sách Cánh Diều dành cho học sinh lớp 2, cô giáo Nguyễn Thị Tâm (Hà Nội) chia sẻ: “Chương trình sách phù hợp, vừa sức với học sinh. Những bài toán, những trò chơi thiết kế giúp cho các em rất hào hứng, tiếp thu bài rất là tốt. Đặc biệt, trang “hoc10.vn” đã hỗ trợ giáo viên chúng tôi rất nhiều”.

Từ những chia sẻ của các tác giả làm sách và giáo viên trực tiếp giảng dạy, có thể thấy một trong những lý do SGK được nhiều trường học chọn lựa bởi sự đồng hành, giúp đỡ của những người làm sách; đóng góp của giáo viên để bộ sách được hoàn thiện hơn trước khi đi vào cuộc sống. Điều này thể hiện trách nhiệm, mối liên hệ gắn kết giữa những người thực hiện bộ sách và thầy cô giảng dạy trong thực tế.

Tác giả bộ SGK “Cánh Diều” là những nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục uy tín của các trường đại học sư phạm, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục khác. Đó là những người am hiểu sâu sắc về giáo dục phổ thông, giàu kinh nghiệm chuyên môn và thực tiễn trong việc biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông và SGK, trong đó có Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông

2018 và hầu hết thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018, là Chủ biên, tác giả Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.