Các quốc gia đối phó với thuốc lá thế hệ mới ra sao?

Nhiều cơ quan chức năng đang vào cuộc nhằm ngăn chặn tác hại của thuốc lá thế hệ mới. 

Buôn lậu và tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT tăng suốt 10 năm… cấm sản phẩm

Úc là quốc gia có chính sách kiểm soát thuốc lá và TLĐT ngặt nghèo nhất trong tất cả các nước phát triển. Tuy nhiên, dù chính phủ Úc đã dùng mọi biện pháp để giảm tỷ lệ hút TLĐT trong thanh thiếu niên và cộng đồng, số liệu thực tế vẫn gây thất vọng.

Báo cáo gần nhất của bang Nam Úc chỉ ra, số người từ 15-19 tuổi sử dụng TLĐT hàng ngày vào năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022, lên đến 15,1%. Mới đây, BS. Colin Mendelsohn cho biết: “Trong 1,7 triệu người đang dùng TLĐT tại Úc, có đến 90% dùng hàng lậu”.

Theo luật Úc, hình phạt đối với việc nhập khẩu TLĐT lậu không có tính răn đe, trong khi mức lợi nhuận lại rất hấp dẫn. TLĐT có thể được mua sỉ từ Trung Quốc với giá chỉ 2,5 đô-la/chiếc và được bán lậu tại Úc với giá gấp hàng chục lần. Cơ quan Thuế Úc ước tính mức doanh thu thuế bị thất thoát trong năm 2021 - 2022 là khoảng 2,3 tỷ đô-la.

Kịch bản tỷ lệ sử dụng TLĐT vẫn leo thang trong bối cảnh chính phủ áp đặt lệnh cấm cũng xảy ra tương tự tại Thái Lan. Năm 2023, Quỹ hành động về thuốc lá và sức khỏe (ASHF) công bố: Tỷ lệ hút TLĐT ở trẻ em từ 13-15 tuổi đã tăng gấp 5 lần, từ 3,3% năm 2015 (sau 1 năm có lệnh cấm) tăng lên 17,6% năm 2023.

Do đó, tháng 9/2023 Quốc hội Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt nhằm đánh giá lại hiệu quả của lệnh cấm TLĐT. Đến tháng 6 năm nay, Ủy ban này đã đề xuất 3 phương án chính sách nhằm giải quyết các vấn đề liên quan: Quản lý TLLN, hoặc quản lý cả TLLN và TLĐT, hoặc sửa luật và các văn bản liên quan để siết chặt lệnh cấm TLĐT. Sắp tới Ủy ban sẽ trình Quốc hội Thái Lan xem xét, quyết định.

Ủy ban Đặc biệt của Thái Lan đang đề xuất đưa TLLN, TLĐT vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Dailynews

Tỷ lệ người dùng ở VN gia tăng

Dù TLĐT, TLLN chưa được phép lưu hành tại Việt Nam, nhưng Bộ Y tế báo cáo tỷ lệ thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi sử dụng TLĐT tăng 4,5% trong giai đoạn năm 2022-2023. Do đó, Bộ Y tế đề xuất cấm kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các mặt hàng này.

Theo một số ĐBQH, đề xuất này liệu có khả thi lâu dài không, nếu không có biện pháp chế tài đối với cá nhân sử dụng. Đặc biệt, ngay cả các quốc gia cấm sử dụng thì tỷ lệ dùng ở giới trẻ vẫn không ngừng gia tăng, như Thái Lan và Úc. Như vậy, vấn đề đặt ra là đề xuất cấm tại Việt Nam có thể đạt được mục tiêu bảo vệ giới trẻ như thế nào. Đồng thời, trách nhiệm phòng chống buôn lậu trong điều kiện không cấm sử dụng sẽ thuộc về cơ quan nào.

Mặt khác, theo yêu cầu của Bộ Công Thương, Bộ Y tế cần đánh giá sản phẩm dưới góc độ khoa học, liệu TLLN, TLĐT có độc hại hơn thuốc lá điếu đến mức phải cấm như thế nào. Nếu đúng, cũng cần phải sửa các luật liên quan để cấm, bao gồm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Luật Đầu tư.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, lợi ích trước mắt của lệnh cấm này là có thể ngăn chặn những sản phẩm TLLN, TLĐT chính danh được cung cấp hợp pháp đến tay người hút thuốc. Nhưng mặt tiêu cực là thị trường chợ đen tiếp tục tồn tại do nhu cầu sử dụng là có thật. Ngoài ra, cơ quan nào và luật nào là cơ sở để phạt trẻ em sử dụng TLĐT ngoài phạm vi trường học? Đó đều là những quan ngại mà giới chuyên gia đang đặt ra.

Tại phiên giải trình ngày 4/5/2024, nhiều đại biểu kiến nghị cần có đánh giá khoa học về tác hại của thuốc lá thế hệ mới

Do đó, các chuyên gia đánh giá, biện pháp cấm dù triệt để hay một phần đều khó đảm bảo hiệu quả lâu dài.

Trong khi đó, tại một quốc gia cho phép TLLN, TLĐT như Mỹ, nhờ đưa sản phẩm vào quản lý theo luật và kiểm soát quy trình cấp phép chặt chẽ từng sản phẩm, từ năm 2019, tỷ lệ giới trẻ sử dụng TLĐT từ mức đỉnh (27,7%) đã giảm mạnh đến gần 2/3 vào năm 2023 (10%), theo báo cáo mới nhất của CDC Hoa Kỳ.

Đồng thời, đối với TLLN, FDA Hoa Kỳ đánh giá, bản chất sản phẩm này giúp tránh được nguy cơ người dùng tùy biến sản phẩm sai mục đích ban đầu, cũng như không thu hút giới trẻ.

Tại Nhật, theo khảo sát do Bộ Y tế nước này ủy quyền thực hiện trên 60.000 học sinh THCS và THPT năm 2018, tỷ lệ sử dụng TLLN chỉ có 0,1%. Trong khi đó, từ 2015 đến 2023, doanh số thuốc lá điếu tại Nhật đã sụt giảm đến 52% do người hút thuốc lá điếu chuyển sang TLLN…

Tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Ủy ban Xã hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức 4/5/2924, lãnh đạo Quốc hội yêu cầu, cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại của các loại thuốc lá này; Có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân và chính kiến về trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề này; làm rõ tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; xác định cụ thể nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương; cần đưa ra những kiến nghị cụ thể, rõ ràng. Đối với những kiến nghị về hoàn thiện pháp luật; bảo đảm về tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; quản lý nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng thực tiễn, cũng như trên cơ sở phân tích các tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, năng lực cơ quan quản lý nhà nước…