Các nước kiếm tiền từ bản quyền World Cup thế nào?

Không chỉ bán quảng cáo, các nhà đài trên thế giới còn thu phí hoặc bán lại quyền phát sóng các trận đấu trong World Cup cho bên thứ 3.
Có nhiều cách để khai thác lợi nhuận từ bản quyền World Cup. Ảnh: Easports.

Từ lâu, doanh thu từ bản quyền truyền thông đã vượt qua doanh số bán vé và trở thành nguồn thu chính đối với các nhà tổ chức World Cup.

Bán lại bản quyền thứ cấp

Thông qua một số doanh nghiệp, FIFA bán bản quyền phát sóng sự kiện thể thao liên châu lục cho các hãng truyền thông trên khắp thế giới. Theo Business Insider, năm 2014, tổ chức này thu về 2,4 tỷ USD từ việc bán quyền phát sóng World Cup diễn ra ở Brazil.

Tùy theo thương lượng, bản quyền phát sóng có thể dưới dạng một gói duy nhất cho một lãnh thổ hoặc được chia theo các loại quyền và phương tiện liên quan.

Cụ thể, về phương tiện, đấy có thể là phát sóng chương trình trên Internet, thiết bị di động hoặc vô tuyến truyền hình. Trong khi đó, các loại quyền có thể kể đến như quyền phát sóng trực tiếp, webcast (phân phối nội dung trên Internet) và phát lại.

Tiêu một khoản tiền lớn, tất nhiên, nhà đài cũng sẽ thu lại không ít. World Cup hứa hẹn gia tăng lượng người xem và cùng với đó là rất nhiều lợi ích.

Mở chương trình ăn theo, kiếm tiền từ quảng cáo

Phương pháp thu hồi vốn và sinh lời cổ điển nhất của các nhà đài chính là bán quảng cáo. Theo The Guardian, ITV (kênh truyền hình phát sóng World Cup tại Anh) đã mời chào mức giá 500.000 USD đối với 30 giây quảng cáo phát sóng trong thời gian diễn ra các trận đấu tại World Cup 2014.

Con số này lớn hơn cả chi phí phát quảng cáo trong chung kết X-Factor 2013. So với cùng kỳ tháng 6/2013, doanh thu từ quảng cáo truyền hình tháng 6/2014 của quốc đảo sương mù tăng 10% nhờ một loạt chiến dịch dành cho các hãng thức uống có cồn, xe và đồ thể thao.

Tại Ấn Độ, 10 giây quảng cáo trong thời gian diễn ra World Cup đáng giá gần 60.000 USD. Trong khi đó, tại Brazil, 8 ông lớn quyết định chi 600 triệu USD tiền quảng cáo cho Globo (kênh truyền hình phát sóng World Cup tại Brazil).

Với số tiền này, mỗi doanh nghiệp sẽ xuất hiện 1.120 lần trên truyền hình. Ngoài việc phát sóng đủ 64 trận đấu, đài truyền hình này còn mở một loạt chương trình ăn theo World Cup nhằm tăng doanh thu.

Tại Mỹ, tuy không có số liệu chính thức song theo Bloomberg, con số này không hề khiêm tốn. Các chuyên gia trong ngành quảng cáo đánh giá nó đáng từng xu bởi thông qua World Cup, các doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng hơn bất cứ một sự kiện nào khác.

Năm nay, do đội nhà không tham gia, Bloomberg ước tính Fox Sports (kênh truyền hình phát sóng World Cup tại Mỹ) có thể chịu thiệt hại 10-20 triệu USD về mặt quảng cáo.

Biến World Cup thành chương trình thu phí

Tùy theo từng quốc gia, tiền bản quyền phát sóng World Cup là khác nhau. Điển hình, đối với World Cup 2018, tại Mỹ, ESPN và FOX đã chấp nhận chi 400 triệu USD cho bản quyền phát sóng tiếng Anh.

Trong khi đó, nhà đài CCTV của Trung Quốc mua trọn gói bản quyền với mức giá hơn 155 triệu USD. Tại Thái Lan, con số này là 44 triệu USD.

Ở Singapore, ba hãng viễn thông gồm Mediacorp, Singtel và StarHub cũng đã hoàn tất thỏa thuận mang World Cup về phát tại đảo quốc sư tử với tổng số tiền là 18,8 triệu USD.

Thực tế, tiền bản quyền phát sóng các trận đấu của World Cup ngày càng cao và tăng lên rất nhiều.

"Nhiều đài truyền hình không thể trả con số đó nếu chỉ dựa vào riêng quảng cáo”, Tim Westcott, nhà phân tích cao cấp tại Screen Digest, cho biết.

Theo ông, trước đây, việc phát sóng World Cup thường về tay những kênh truyền thông đại chúng miễn phí. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, những nhà đài này phải đối mặt với vấn đề ngân sách. Do đó, một số cảm thấy bài toán này quá bất lợi nên đã nhượng quyền phát sóng cho đối thủ.

Đặc biệt, từ World Cup 2002, các kênh truyền hình tính phí lên ngôi, nhất là tại châu Âu.

Kevin Alavy, giám đốc của Futures Sport & Entertainment, thông tin hiện tại, nhiều quốc gia ở châu Âu, Trung Đông và châu Á chiếu World Cup trên các kênh truyền hình cáp hoặc vệ tinh cao cấp. Điển hình, tại Singapore, người hâm mộ phải trả 80-100 USD để theo dõi các trận bóng.

Theo The New York Times, tại những nước như Tây Ban Nha và Italy, những người hâm mộ chỉ có thể xem một số trận miễn phí. Số còn lại, họ phải sử dụng truyền hình trả tiền (Sogecable tại Tây Ban Nha và Sky Italia tại Italy).

Ngoài ra, một số nhà đài khác chọn cách bán lại quyền phát sóng. Tại Pháp, sau khi chi 152 triệu USD cho bản quyền phát sóng World Cup 2010, TF1 đã bán lại quyền phát sóng một số trận đấu với giá 33 triệu USD.

Tuy nhiên, việc thu phí với World Cup cũng phải đối mặt với những rắc rối liên quan đến "lợi ích quốc gia". Điển hình, tại Singapore, một nhóm người hâm mộ trên Facebook đã kêu gọi tẩy chay Singtel và StarHub vì cho rằng gói cước để xem World Cup quá cao.

Trong khi đó, tại châu Âu, Ross Biggam, tổng giám đốc của Hiệp hội Truyền hình Thương mại châu Âu, chia sẻ đối với truyền hình trả phí, một số chính trị gia thường phản đối với lý do: “Thật là khủng khiếp. World Cup là một phần di sản văn hóa của chúng ta”.

Theo Theo Zing