Ông Phạm Quang Hiệu cho biết thêm, do đại dịch COVID-19, các hoạt động với người Việt Nam ở nước ngoài năm 2021 vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tuy không sinh động bằng trực tiếp, nhưng chúng ta đã làm được và cũng có những nét hay.
“Chẳng hạn, hằng năm chúng ta thường tổ chức cho đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa, nhưng hai năm nay do đại dịch COVID-19, các chuyến đi phải hoãn lại. Thay vào đó, tháng 11 năm 2021, chúng tôi đã tổ chức hội thảo trực tuyến 'Kiều bào với biển đảo Việt Nam' kết nối đại biểu là cán bộ, chiến sĩ hải quân với kiều bào ta từ đầu cầu tại Hà Nội với trên 30 điểm cầu ở trong và ngoài nước.
Qua những chia sẻ của các kiều bào đã từng đi thăm Trường Sa tại hội thảo, tôi nhận thấy, tình cảm với quê hương đất nước trong trái tim kiều bào còn nguyên vẹn, thậm chí dịch bệnh giúp chúng ta sống chậm lại, suy ngẫm theo chiều sâu. Trong bối cảnh 4.0, sau này kể cả tổ chức trực tiếp, vẫn nên có giao lưu trực tuyến như vậy. Dù có khó khăn, chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Không gì có thể ngăn cản và chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới”, ông Hiệu nói.
Ông Hiệu nhấn mạnh: “Năm ngoái chương trình Xuân Quê hương không tổ chức trực tiếp do đại dịch COVID-19, nhưng năm nay chúng tôi quyết tâm làm, kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan đại diện ở nước ngoài tiếp sóng, tạo sự lan tỏa không chỉ với những người có điều kiện về quê ăn Tết, mà còn cho cả những người không có điều kiện về nước. Cách làm này có ý nghĩa lớn về mặt tình cảm".
Kết nối nguồn lực trí thức người Việt Nam ở nước ngoài
Về cơ bản, người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp cho mối quan hệ giữa Việt Nam và nước sở tại. Ông Hiệu cho biết, người đứng đầu chương trình COVAX là người gốc Việt; người đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch của Anh là người gốc Việt; bạn trẻ sinh ra tại Việt Nam, lớn lên ở Séc là người phát ngôn Bộ ngoại giao Séc…
Ông Phạm Quang Hiệu khẳng định: “Kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tri thức, đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Thủ tướng đánh giá cao sự đóng góp của kiều bào. Trong bối cảnh trong nước còn thiếu trang thiết bị y tế, vắc xin, bà con ta bằng nguồn lực của mình đã mua nhiều trang thiết bị gửi về nước cũng như đóng góp về cơ sở vật chất như ông David Dương gửi về nước 100 máy thở…”
Người đứng đầu Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định sẽ phối hợp với các mạng lưới, tập hợp các tri thức kiều bào mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Riêng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao sẽ xây dựng đề án, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ thu hút chuyên gia người Việt ở nước ngoài tham gia. Bộ khung của đề án này đã hoàn thành và bắt đầu triển khai từ năm 2022.
Ông Phạm Quang Hiệu khẳng định, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới sẽ đổi mới, đa dạng hình thức nhằm phát huy và giữ gìn bản sắc dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài như dạy học tiếng Việt online, thi hát dân ca cho kiều bào… Các khóa học tiếng Việt online dành cho người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được tổ chức từ Quý 1/2022 song song với các lớp học trực tiếp vì không phải tất cả bà con đều tiếp cận được với Internet.