Ca sĩ Tấn Minh ủng hộ tự chủ nhưng Nhà hát Thăng Long 'không có gì trong tay'

TPO - Ca sĩ Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội) cho biết, ủng hộ chủ trương tự chủ, nhưng hiện đang rất lo lắng khi trong tay Nhà hát không có một cái gì.
NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Ảnh: Trường Phong

Sáng 10/5, Đoàn giám sát số 1 HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn làm việc với Sở VHTT Hà Nội về kết quả thực hiện năm kỷ cương hành chính 2017 gắn với việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Liên quan đến lộ trình thực hiện kế hoạch nâng mức tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở VHTT Hà Nội, ca sĩ Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho biết, dù rất ủng hộ tự chủ tài chính, nhưng Nhà hát đang gặp quá nhiều khó khăn.

Cụ thể, ca sĩ Tấn Minh cho biết, theo lộ trình, năm 2020 Nhà hát sẽ tự chủ 100%, nhưng cho đến nay “Nhà hát không có gì trong tay”. Anh Minh cho biết, năm 2014, Nhà hát được thành phố cho phép sửa cơ sở tại phố Lương Văn Can, nhưng cho đến nay, 5 năm đã trôi qua nhưng chưa rõ đến bao giờ được bàn giao trụ sở làm việc.

“Hiện nay tất cả các hạng mục đã làm rồi nhưng chưa được nghiệm thu, chưa được bàn giao. Còn rất nhiều hạng mục chưa làm xong. Chúng tôi cũng thông cảm là ngày xưa Ban QLDA của Sở VHTT làm. Sau đó, thành phồ thành lập các Ban QLDA của thành phố. Ban QLDA cũ làm gần xong rồi thì chuyển giao cho Ban mới và đến giờ này chúng tôi chưa có gì trong tay một cách chính thức”, ca sĩ Tấn Minh nói.

Theo anh Minh, tự chủ là điều tất yếu của quá trình phát triển, bản thân Nhà hát rất ủng hộ và rất sẵn sàng nhưng “chúng tôi không có nguồn thu tại chỗ như múa rối, như chèo, như kịch, họ có rạp để sáng đèn. Chúng tôi không có. Chúng tôi tất cả đều đi thuê, xe chở diễn viên không có, xe chở đồ cũng không có. Không có gì trong tay cả. Quả thật để tìm ra một nguồn thu, nâng cao nguồn thu để tiến tới việc tự chủ rất là khó”.

Nói thêm về trụ sở tại 31 Lương Văn Can, ca sĩ Tấn Minh cho biết, trong thiết kế có một phòng có thể biểu diễn phục vụ du lịch, 180 chỗ ngồi, nhưng chưa có gì cả, chưa có bàn ghế, chưa có điều hòa...

Ca sĩ Tấn Minh cũng chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Nhà hát đã có văn bản xin được tự chủ, vì nếu không tự chủ được sẽ phải sáp nhập với một đơn vị nào đó. “Chúng tôi là một đơn vị nghệ thuật. Đầu năm 2020 chúng tôi kỷ niệm 60 năm thành lập mà chúng tôi lại bị giải thể, sáp nhập với một đơn vị nghiệp dư thì có đáng không”, anh Minh đặt câu hỏi.

Cũng theo anh Minh, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long mà một đơn vị nghệ thuật của thành phố, không phải tự khen mình, nhưng là một trong những đơn vị đứng đầu đất nước, đi thi lúc nào cũng đứng đầu, cũng đạt giải nhất, có nhiều tiềm năng phát triển, nhiều người trẻ. Những nhân sự của Nhà hát đi khắp nơi để dàn dựng nghệ thuật cho các đơn vị, ảnh hưởng rất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, rất chia sẻ với Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. “Bây giờ cứ bảo chúng tôi phải tự chủ mà cơ sở vật chất không có thì tự chủ vào đâu”, bà Hà nói.

Bà Hà đề nghị, cơ quan Sở Tài chính và KH&ĐT, các đơn vị liên quan giúp cho đơn vị. “Bây giờ mình chỉ buông một câu là phải tự chủ nhưng cơ sở vật chất, hạ tầng không có thì lấy cái gì mà thu. Anh Minh nói là sân khấu không có, cái gì cũng không có, phải đi thuê thì dù có làm đến mấy cũng không có gì. Mà lộ trình là 2020 – 2021 phải tự chủ rồi, đến 2019, 5 năm rồi vẫn chưa xong trụ sở. Tới đây, đoàn giám sát sẽ làm việc với UBND thành phố và các ngành, sẽ bàn thêm về vấn đề này”, bà Hà nói.