Chiều 17/4, trong cuộc họp báo tại UBND tỉnh Đăk Nông, đại tá Lê Vinh Quy (Phó giám đốc Công an tỉnh) cho biết, khi phát hiện cơ sở của Nguyễn Thị Loan (ở xã Đăk Wer, huyện Đăk R'lâp) nhuộm cà phê bằng pin con ó, lực lượng chức năng đã lập biên bản để điều tra động cơ, mục đích của chủ cơ sở.
"Chúng tôi đang làm rõ đường đi của các sản phẩm này, có hay không được tiêu thụ ở các cơ sở rang say, làm cà phê bột. Bước đầu, bà Loan chỉ khai nhận đưa thành phẩm về Bình Phước tiêu thụ, chưa phát hiện tỉnh khác", ông Quy nói.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Đăk Nông, nhân viên của cơ sở này cũng quanh co, không chịu hợp tác, nên cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng. Hiện, cảnh sát trưng cầu giám định các nguyên liệu: cà phê bẩn, phế phẩm, pin đã sử dụng, lõi pin, cát sỏi… và sản phẩm thành phẩm độc hại (cà phê pha trộn cát sỏi, nhuộm đen bằng lõi pin con ó).
"Nếu xác định bà Loan dùng cà phê này để chế biến thực phẩm (để uống hay làm bánh kẹo...) thì có đủ cơ sở để truy cứu về hành vi Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 BLHS", đại tá Quy nói.
Bà Loan chuyển hộ khẩu về xã Đăk Wer từ tháng 1/2016. Tám tháng sau, cơ sở của bà được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cấp phép thu mua nông sản. Tuy nhiên, chủ cơ sở không treo biển, không thu mua nông sản trong dân, không bán sản phẩm trên thị trường.
Trước những biểu hiện bất thường này, lực lượng xã đã báo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Bà Loan cho biết đã bán nhiều tấn cà phê trộn lõi pin con ó này. Mỗi đợt pha trộn bằng máy trộn hồ có khoảng 6 tấn phế phẩm và một thùng nước chất bột đen của pin (khoảng 24 viên).
Cà phê bẩn được công nhân phơi sấy để tạo ra một hỗn hợp trước khi đóng bao (loại 50 kg mỗi bao) xuất ra thị trường. Ngành chức năng tịch thu hơn 21 tấn cà phê đã nhuộm đen và đóng bao bì; 35 kg pin bị đập dẹp; 192 kg lõi, nắp, vỏ pin; 40 lít dung dịch.
Pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất. Trong bột than của pin còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại cho não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.
Cà phê trộn tạp chất, cà phê "không có hàm lượng cà phê" được cho là không hiếm tại Đăk Nông cũng như một số tỉnh Tây Nguyên. Tháng 5/2015, trong 15 mẫu cà phê lấy ngẫu nhiên trên thị trường được gửi đi để kiểm nghiệm, kết quả cho thấy 3/15 mẫu hoàn toàn không có thành phần caffeine. Nhiều mẫu khác trong số này cũng không đảm bảo, không đạt chỉ số caffeine theo quy định.