Cà Mau mời gọi phát triển năng lượng tái tạo

TPO - Ngày 24/10, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị phát triển năng lượng tái tạo. 
Khởi công dự án điện gió khu du lịch Khai Long, Cà Mau.

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói lãnh đạo tỉnh Cà Mau ưu tiên khuyến khích các nhà đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thân thiện thân thiện môi trường.

Đến nay, tỉnh Cà Mau tiếp khoảng 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Cà Mau và 3 nhà đầu tư được UBND tỉnh cho chủ trương triển khai thực hiện dự án. Hội nghị phát triển năng lượng tái tạo là cơ hội kêu gọi đầu tư, giới thiệu tiềm năng, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển.   

Ông Phạm Trọng Thực, Tổng Cục Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, các tỉnh, thành ven biển có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Nhưng thực tế, doanh nghiệp còn e dè khi đầu tư vào lĩnh vực này do nhiều nguyên nhân, công suất năng lượng tái tạo chỉ khoảng 1.215 MW, chiếm khoảng 3,4% năng lượng điện.

Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Cty Công Lý cho rằng phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi phù hợp với sự phát triển kinh tế chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ ngành T.Ư đặc biệt quan tâm. Là đơn vị đi đầu thực hiện các dự án điện gió tại Bạc Liêu đã vận hành, Dự án điện gió Khai Long (Cà Mau) đang triển khai), ông Tô Hoài Dân cho rằng điện gió có nhiều ưu thế vì thân thiện nhất với môi trường, ít gây ảnh hưởng xấu về mặt xã hội, người dân không phải chịu thiệt hại do thất thu hoa màu hoặc tái định cư, cũng như không phải chịu thêm chi phí về y tế và chăm sóc sức khỏe do ô nhiễm gây ra.

Ông Phạm Minh Ngọc, Giám đốc điều hành Cty Cổ phần nhà máy điện Hậu Giang, với diện tích rừng sản xuất với hơn 48.000 ha, lượng gỗ khai thác hàng năm hơn 160.000 m3 và lượng củi khoảng hơn 230.000m3, nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển năng lượng điện sinh khối ở Cà Mau là dồi dào. Tỉnh Cà Mau là những hạn chế về cơ chế chính sách. Muốn thu hút, khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo có hiệu quả.

Với ba mặt giáp biển, tổng chiều dài bờ biển hơn 250km và sức gió trung bình từ 6,3-7m/s, Cà Mau có tiềm năng lớn để phát triển nguồn NLTT. Theo quy hoạch được phê duyệt, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Cà Mau phát triển năng lượng gió lên 3.600MW; điện mặt trời nối lưới điện quốc gia khoảng 1.500MW; điện sinh khối (điện gỗ, điện đốt rác) khoảng hơn 60MW.

Để thực hiện được kế hoạch, mục tiêu đề ra, theo ông Lâm Văn Bi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trong khả năng của tỉnh, Cà Mau sẽ có cơ chế, chính sách hợp lí (về quy hoạch, về đất đai, về môi trường đầu tư…) để khuyến khích, huy động các nguồn lực từ xã hội và doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác năng lượng tái tạo.

Theo Bộ Công thương, NLTT là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một tương lai bền vững cho đất nước. Nếu có cơ chế và chính sách phù hợp thì đến năm 2050, năng lượng mặt trời có thể cung cấp ít nhất 35%, năng lượng gió có thể cung cấp ít nhất 13% nhu cầu điện của cả nước.