Búp bê truyền thống Nhật Bản: Không chỉ là 'đồ chơi'

TP - Hơn 250 mẫu búp bê cổ truyền Nhật Bản được “trình làng” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) tuần trước đã thực sự gây kinh ngạc cho công chúng. Triển lãm đã qua nhđi ưng còn đọng lại nhiều nghĩ suy về cách ứng xử của các dân tộc khác nhau về thứ “đồ chơi” rất phổ biến này.

> 250 búp bê Nhật Bản dành cho triển lãm nhân ngày 8-3

Các nghệ nhân Nhật Bản cùng lúc tái hiện nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật, nhiều phong cách thẩm mỹ qua các thời đại, khiến cho đa phần khán giả lần đầu được biết đến loại hình sáng tạo này đều có chung cảm nhận, đây là những tác phẩm nghệ thuật thực sự chứ không còn là “đồ chơi dân gian”.

Ngoài búp bê Edo – Kimekomi, búp bê truyền thống Nhật Bản còn có dòng dành cho ngày hội bé gái, gồm búp bê vua và hoàng hậu, gia đình hoàng gia…, dòng búp bê gỗ Kokeshi, búp bê đất sét dễ dàng tạo tác hoạt cảnh theo những chủ đề như “đón Tết”: cả đại gia đình chuột làm bánh dầy, trang hoàng nhà cửa đón xuân… Tất cả đều có mặt tại triển lãm lần này.

Nghệ nhân Nhật bản giới thiệu cách làm bộ búp bê “Đón Tết”.

Ra đời vào khoảng năm 1736 ở cố đô Kyoto, người đầu tiên làm ra và gọi tên “Edo – Kimekomi” (dòng phổ biến nhất trong các dòng búp bê truyền thống) là ông Tadashige Takahashi, người phụng sự đền Kamigamo.

Những búp bê đầu tiên được ông chạm khắc nông trên gỗ liễu mọc bên sông Kamo, và mặc cho áo quần của các vị tu sĩ Thần đạo.

Trong vòng 5 năm sau đó, những búp bê được chạm khắc nhiều nhất mang hình ảnh của bảy vị phúc thần, theo tôn giáo cổ xưa của người Nhật, sẽ mang lại may mắn và niềm vui cho con người.

Cho tới thời Bunka, người con trai trưởng của ông Tadashige Takahashi nối nghiệp cha, tiếp tục tạo hình cho búp bê truyền thống, lúc này được gọi là Daihachiro. Những búp bê thời này chỉ cao không quá 10cm nhưng có rất nhiều loại đa dạng.

Trong suốt quá trình phát triển đến nay gần ba thế kỷ, có thể nói tất cả những vẻ đẹp tinh tế của nước Nhật qua thời gian đều đọng lại trên gương mặt, phục sức và phong cách chung của búp bê.

Edo Kimekomi được chia thành nhiều nhóm: nhóm các nhân vật của kịch No và Kabuki như Hagoromo, Fuji Musume, Ren Jishi…; nhóm triều đại Heian như Seien, Sadame; nhóm Geisa như Maiko (chỉ Geisa còn đang học nghề), Tsuzumi…; nhóm thượng võ như Hikiage…

Người xem không khỏi vấn vương, triển lãm của các nghệ nhân Nhật Bản lần này có gì đó gợi nhớ tới “cái kho” những nhân vật rối nước Việt Nam của “thầy phù thủy” Nguyễn Huy Hồng, bấy lâu đã vắng bóng: cũng hồn nhiên, thơ ngây, chất phác, trong veo như thế. Búp bê là thơ ấu của con người, dân tộc nào cũng vậy.

Nhưng có khác chăng, giữa một bên, hình như nặng về tính hữu dụng, tính công cụ (dù là để mua vui…) còn một bên, lại được lưu ý với tất cả cố gắng rất cao, rằng “đây là cái đẹp, mục đích tối thượng của sự lưu truyền thông điệp đời sống”, như nghệ nhân Nhật Bản Kanabayashi Mataro Cha từng chia sẻ.

Theo Báo giấy