Buồn như thơ Nguyễn Duy Sơn

TP - Họa sỹ đồ họa Nguyễn Duy Sơn là con trai thứ hai của nhà thơ Nguyễn Duy. Anh ra đi đột ngột khi tuổi đời sung sức, cách đây 2 năm. Ngày 10 tháng 4 vừa qua, đúng ngày giỗ của Sơn, tập thơ và ảnh, tuyển những sáng tác nhiếp ảnh, thi ca của anh ra mắt. Chính Nguyễn Duy đã chọn thơ và làm “Con đường trong giọt sương” cho con trai của mình.
Chân dung Nguyễn Duy Sơn

Một nhà phê bình đánh giá: “Ảnh Sơn chụp quá lạ. Mà thơ Sơn cũng là một cảnh giới khác”. Chẳng phải vì thân với cha mà khen con. Mùa “Cô Vy” người ta mới có dịp để ý nhiều hơn đến chức năng dự báo của văn học, khi phát hiện một số nhà văn lớn trên thế giới đã miêu tả chính xác virus corona trong sáng tác của mình. Đọc “Con đường trong giọt sương” độc giả lặng người vì người cầm bút dự cảm số phận của mình: “Vẫy tay chào nhé mặt trời/Vẫy tay tiễn biệt cái thời đang yêu/Vẫy chào bóng nắng phiêu diêu/Vẫy chào mưa gió gây nhiều xôn xao”; “Trên đường về với thiên thu/Ta nghe ai hát lời ru mây ngàn/Trên đường về với thênh thang/Ta nghe ai vỗ cung đàn thiên nhiên”…

Không khó để tìm những câu thơ nói về sự ly biệt, về cuộc chia tay để vào cõi hư vô trong thơ Nguyễn Duy Sơn. Những bài thơ không có nhan đề, Nguyễn Duy đánh số thứ tự từ 1- 50, gọi chung là “thi khúc”. Chính ông trực tiếp tuyển chọn thơ cho con: “Khi nó mất đi, tôi mới tìm trong ổ dữ liệu của nó, lôi ra được nhiều lắm. Trong đống hỗn độn ấy, tôi nhặt được những cái rất bất ngờ”, Nguyễn Duy chia sẻ.

Nếu tính tất cả, họa sỹ Nguyễn Duy Sơn để lại hàng trăm thi khúc nhưng không phải thi khúc nào cũng dễ hiểu: “Có những bài mình đọc mà không hiểu được, vì hoang vu lắm”, tác giả “Vợ ơi” thú nhận. Ngoài những bài thơ trên máy tính, Nguyễn Duy Sơn còn để lại nhiều bài thơ viết tay, song không một bài thơ viết tay nào có mặt trong “Con đường trong giọt sương”: “Nó lưu ở trong ổ thì đọc được chứ còn chữ nó viết thì tôi không đọc nổi”, Nguyễn Duy nói.

Khi còn sống, Nguyễn Duy Sơn không hề có ý định làm thơ để đăng báo, in sách. Anh làm thơ cho chính mình, gửi gắm tâm trạng thật của mình. Thi khúc 48 được anh mở đầu như một dạng hội thoại: “Có người hỏi ta… /Ê Sơn mày cạo đầu vì mẹ mày à/Chỉ đơn giản ta cạo đầu cho mẹ thì phải tự cạo đầu mình trước”. Không biết có khi nào anh viết thơ vui, song 50 thi khúc trong tập ảnh và thơ mới ra mắt đúng ngày giỗ của anh, chỉ một sắc buồn mênh mang và giấc mơ được giải thoát: “Làm người thật khó lắm thay/Tự nhiên ta thấy một ngày lên tiên”; “Có tiền ta sẽ mua diêm/Tro bụi hóa mọi ưu phiền nhân gian”.

Khi đọc thơ Nguyễn Duy Sơn, nhiều người băn khoăn không biết ở ngoài đời họa sỹ có ủ rũ như thơ? Nguyễn Duy hé lộ: “Tính nó vẫn cà chớn cà chạo, nó làm thơ ứng khẩu đùa cợt nhiều lắm”. Nhà thơ cha không hề biết nhà thơ con sáng tác nhiều đến thế, cho đến khi anh về cõi hư vô: “Trước đây, nó đọc cho tôi mấy bài nhưng tôi chê thơ nó hoang tưởng, thế là nó không khoe nữa”, ông kể. Nguyễn Duy Sơn có viết văn xuôi nhưng Nguyễn Duy chịu không thể nào luận được chữ của con trai.

Tuy cha là một nhà thơ nổi tiếng song Nguyễn Duy Sơn không ảnh hưởng phong cách của cha. Nguyễn Duy nói, khi còn sống con trai ông mê hai nhân vật lẫy lừng là Bùi Giáng và Trịnh Công Sơn. Anh đọc ca từ Trịnh Công Sơn và nghe nhạc Trịnh. Anh đưa Bùi Giáng vào thơ mình: “Chập chờn Bùi Giáng trêu ma/Thoáng qua lại hóa la đà hương xưa”. Nguyễn Duy Sơn ảnh hưởng Bùi Giáng một cách tự nhiên, không cố tình bắt chước và không đánh mất “cái tôi” của mình trong sáng tác. Theo cảm nhận của Nguyễn Duy: “Nó có cách đi rất riêng, không ảnh hưởng hẳn Bùi Giáng. Bùi Giáng hoàn toàn đùa cợt. Còn ở đây, đằng sau cái đùa cợt của nó, có cái nghiêm túc”.

Là một họa sỹ đồ họa, Nguyễn Duy Sơn phụ trách phần mỹ thuật trong các triển lãm thơ Nguyễn Duy, chuỗi lịch thơ Nguyễn Duy và thiết kế nhiều bộ sách ảnh lớn của Việt Nam. Ở “Con đường trong giọt sương” đi kèm 50 bài thơ là 50 bức ảnh do Nguyễn Duy Sơn chụp. Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long là người tuyển chọn giữa trăm ngàn bức ảnh của Nguyễn Duy Sơn để lại. Ảnh của Sơn cũng như thơ của Sơn gợi buồn thương, cô độc. Khi còn sống Nguyễn Duy Sơn rất hợp với cha. Nguyễn Duy nói về con: “Nó rất ngỗ ngược nhưng rất hiền. Nếu nó còn sống thì năm nay 45 tuổi rồi.”. Chính Nguyễn Duy Sơn cũng tự họa: “Mọi người cứ bảo ta hư/Vì ta không thích sống như mọi người/Đang đi ta lại bỗng ngồi/Đáng sụt sùi khóc lại cười nhăn răng”.