Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968

Buổi viếng thăm đầy xúc động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TP - Nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viếng thăm, những chiến sĩ của Đội 5 Biệt động Sài Gòn còn sống đã bày tỏ niềm trăn trở khi các đồng đội đã hy sinh cho đến nay chưa được nhà nước nhìn nhận một cách xứng đáng. Lắng nghe và ghi nhận những tâm tư của họ, Tổng Bí thư đã chia sẻ, động viên những người còn lại của Đội Biệt động Sài Gòn.  
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi các cựu binh Đội 5 và gia đình ông Năm Lai. Ảnh: Đ.D

Đào hầm giữa nhà nuôi giấu cán bộ      

Sau khi dự Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm khu hầm chứa vũ khí phục vụ cuộc tấn công Dinh Độc Lập của cố chiến sĩ biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (Năm Lai, còn có bí danh là tỷ phú Mai Hồng Quế).

Di tích Lịch sử - Văn hoá này nằm tại căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) gồm hai căn hầm sát nhau, được gia đình ông Năm Lai phục dựng từ năm 2005. Tại buổi viếng thăm, bà Đặng Thị Thiệp (vợ Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai) đã kể lại quá trình chồng mình (nhà thầu khoán xây dựng Dinh Độc Lập) bí mật đào hầm và giữ vũ khí giữa nội thành Sài Gòn từ năm 1965 đến năm 1968.

Căn hầm chính được ông Năm Lai thiết kế hoàn hoàn bí mật, nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, chứa được khoảng 15 người cùng hơn hai tấn vũ khí. Ngoài ra, ông Năm Lai còn đào thêm căn hầm bên cạnh rộng gần gấp đôi, chuẩn bị tập kết vũ khí về nhưng khi ấy chiến dịch Mậu Thân nổ ra bất ngờ nên phải dừng lại. Suốt thời kỳ chống Mỹ, ông Trần Văn Lai còn mua nhiều căn nhà khác để đào hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ, làm hộp thư bí mật…

Tổng Bí thư ghi nhận công lao của Đội 5

Có mặt từ rất sớm để đón chào Tổng Bí thư, ông Phan Văn Hôn (tức Bảy Hôn, 74 tuổi), một trong những chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa, đã kể lại với Tổng Bí thư trận chiến đấu hào hùng vào đêm mồng 1 rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968. Đội 5 Biệt động Sài Gòn của ông gồm 16 người tập kết tại hầm bí mật của ông Năm Lai để nhận vũ khí đi đánh Dinh Độc Lập. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, kéo dài đến trưa mồng 3 Tết thì hy sinh 8 người, 7 người còn lại bị bắt, riêng ông Năm Lai thoát được do đảm nhiệm trọng trách vận chuyển vũ khí, viện trợ bên ngoài.

Chăm chú lắng nghe tâm tư của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn năm xưa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng niu từng kỷ vật tại căn hầm. Đó là những giỏ cần xé, tấm bồ tre… mà lực lượng Biệt động Sài Gòn dùng để nguỵ trang chở vũ khí từ căn cứ vùng ven vào nội thành… cùng nhiều hình ảnh, các loại vũ khí đã được chứa trong căn hầm bí mật này trong suốt nhiều năm. Tổng Bí thư khen ngợi truyền thống cách mạng của gia đình bà Thiệp và động viên gia đình bà cố gắng phát huy, giữ gìn khu di tích lịch sử độc đáo, hào hùng này.

Bà Đặng Thị Thiệp bày tỏ xúc động trước sự thăm hỏi, động viên, quan tâm của Tổng Bí thư đến gia đình bà, cùng đồng đội Biệt động Sài Gòn vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Tham quan căn hầm, Tổng Bí thư đã cặn kẽ thăm hỏi các nhân chứng lịch sử về quá trình đào hầm, chuyển vũ khí vào cất giấu để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công đúng nửa thế kỷ trước. Tổng Bí thư cũng đã ghi nhận, động viên ông Hôn, ông Nguyễn Đức Hòa và những chiến sĩ biệt động đã xả thân trong trận đánh 50 năm trước.

Tại buổi viếng thăm, Tổng Bí thư đã thắp hương tại bàn thờ Tổ quốc ghi công để tưởng nhớ các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn anh dũng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968. Ông Năm Lai đã mất vào năm 2002, đồng đội của ông năm xưa nay chỉ còn vài người cũng đã đến tuổi gần đất, xa trời. Bà Thiệp, vợ ông Năm Lai cũng bồi hồi nhớ lại những ngày họ cùng chồng mình “chém vè” dưới căn hầm bí mật trong nhà cùng với kho vũ khí, để chờ lệnh đến giờ G sẽ tấn công đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Tổng Bí thư đã lắng nghe và ghi nhận những tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa, đồng thời, đã chia sẻ, động viên những người đại diện còn lại của Đội biệt động Sài Gòn, đơn vị đã làm nên trận đánh rúng động thế giới vào Tết Mậu Thân 1968.

Tại buổi thăm của Tổng Bí thư, ông Bảy Hôn, một trong những chiến sĩ của Đội 5 Biệt động Sài Gòn hiếm hoi còn sống, cũng đã bày tỏ niềm trăn trở của mình khi một số chiến sĩ biệt động đã hy sinh trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, cho đến nay vẫn chưa được nhà nước nhìn nhận một cách xứng đáng với chiến công vang dội và sự hy sinh hào hùng.