Mạnh, quyết liệt và nhanh chóng hơn
- Theo bà, Quy định 96-QĐ/TW về lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị vừa được ban hành có những điểm gì mới so với trước đây?
Theo tôi, điểm mới nổi bật trong quy định về lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị theo Quy định 96 đó là việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm. Trước đây, tại Quy định số 262-QĐ/TW năm 2014, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ. Còn theo quy định 96-QĐ/TW, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Cụ thể là những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Đối với những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Trước đây, theo Quy định 262-QĐ/TW, đối với những trường hợp có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp thì khi rà soát, bổ sung quy hoạch cần được xem xét và đưa ra khỏi danh sách quy hoạch cao hơn và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Qua đây có thể thấy việc sử dụng kết quả đánh giá tín nhiệm có bước tiến mới và thực chất hơn, đồng bộ với các quy định mới của đảng về trách nhiệm ở các cấp, nhất là của người đứng đầu; biện pháp áp dụng đối với người có số tín nhiệm thấp cũng mạnh hơn, quyết liệt hơn, nhanh chóng hơn.
Điểm mới tiếp theo là việc bổ sung quy định về mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cụ thể việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm: Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo quy định này và các văn bản liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng.
Nêu gương không chỉ tự thân cán bộ
- Với những biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn trong sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm như vậy có giúp thực hiện chủ trương “có vào có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ thuận lợi hơn không, thưa bà?
Đúng vậy, ngoài thông điệp mạnh mẽ hơn trong việc xem xét đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm thì Quy định 96 còn đưa ra quy định về việc miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm đối với trường hợp có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp. Trước đây chưa có quy định này.
Việc sử dụng kết quả đánh giá tín nhiệm với những biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn hơn chính là để giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác và là cơ sở quan trọng để cấp uỷ, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ để việc “có vào, có ra, có lên, có xuống” trở thành bình thường trong công tác cán bộ.
- Ngoài mức độ hoàn thành nhiệm vụ, Quy định 96 cũng đề cập đến sự gương mẫu của vợ hoặc chồng. Cá nhân bà nhìn nhận thế nào về việc này?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương trước quần chúng. Vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng được đề cập rất nhiều lần trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng. Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn phải tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân người được lấy phiếu tín nhiệm và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được đưa vào làm tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm từ Quy định 262 và nay lại tiếp tục được đề cập trong Quy định 96. Có thể khẳng định, đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, là sự cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng trong công tác cán bộ.
Công tâm, khách quan, không bị tác động
- Theo bà, việc cung cấp thông tin cho đại biểu (người bỏ phiếu) cần được coi trọng như thế nào để có đầy đủ thông tin, cơ sở đánh giá một cách khách quan, công tâm, chuẩn xác với từng người được lấy phiếu?
Để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cần căn cứ vào các tiêu chí được đề cập tại Điều 5, Quy định 96-QĐ/TW, cụ thể là về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
Tôi cho rằng, để có cơ sở đánh giá khách quan, công tâm, chuẩn xác với từng người được lấy phiếu tín nhiệm thì việc cung cấp thông tin cho người bỏ phiếu rất quan trọng. Thông tin được cung cấp phải đầy đủ, kịp thời, chính xác, khách quan và đúng quy định. Đồng thời, cũng đòi hỏi người bỏ phiếu phải hết sức công tâm, khách quan, duy lý và không bị tác động.
- Kỳ họp cuối năm này, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Là đại biểu Quốc hội, cá nhân bà sẽ căn cứ vào những kênh thông tin nào và tiêu chí nào quan trọng nhất để đánh giá mức độ tín nhiệm với từng người được lấy phiếu?
Về kênh thông tin để đánh giá mức độ tín nhiệm, trước hết phải căn cứ vào báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, hiệu quả công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; báo cáo giải trình bổ sung của cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan người được lấy phiếu tín nhiệm (nếu có).
Ngoài ra, theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, cho nên tôi cho rằng, cần căn cứ chủ yếu vào kết quả, hiệu quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ được giao của ngành, lĩnh vực do cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Các yếu tố này sẽ phản ánh trung thực nhất về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ cả về định tính và định lượng.
Tôi cũng có thể tham khảo thông tin phản ảnh qua các kênh thông tin truyền thông, báo chí và quan trọng nhất để đánh giá được một cán bộ cần phải nghiên cứu, theo dõi xem xét thấu đáo, tổng thể toàn diện quá trình công tác, hết sức thận trọng và khách quan.
Tôi nhận thức được rằng, tất cả các tiêu chí về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật hay là kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đều quan trọng và cần được tập hợp, phân tích, xem xét tổng thể, toàn diện.
- Trân trọng cảm ơn bà!