Theo nhận định của Ian Storey, nhà nghiên cứu của viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, tại Đông Nam Á, Mỹ đang mất dần ảnh hưởng vào tay Trung Quốc và quân đội Thái Lan có thể xem là một ví dụ.
Kể từ cuộc đảo chính quân sự 2014, quan hệ quân sự Thái-Trung không ngừng gia tăng. Với lý do phản đối hành động đảo chính, Tổng thống Barack Obama đã cắt 4,8 tỷ USD tiền tài trợ Thái Lan mua vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ cùng các hoạt động tập huấn, hủy bỏ hoặc giảm quy mô các cuộc tập trận chung.
Người Mỹ rút thì đã có ngay người Trung Quốc. Cảm nhận đây là cơ hội gia tăng ảnh hưởng và làm xói mòn quan hệ Mỹ-Thái, Trung Quốc đã tỏ ra rất sốt sắng, như họ từng làm với các nước khác trong tình huống tương tự.
Theo chuyên gia Storeym việc không có tranh chấp trên biển giữa hai nước, không giống nhiều nước Đông Nam Á khác với Trung Quốc, đã giúp tiến trình Trung-Thái xích lại gần nhau diễn ra êm đềm hơn nhiều.
Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Thái Lan 3 tàu ngầm diesel-điện với giá 1,03 tỷ USD, hợp đồng quân sự lớn nhất của Thái Lan từ trước tới nay, 48 xe tăng chiến đấu VT-4. Thái Lan là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đặt mua tàu ngầm từ Trung Quốc.
Trung Quốc đã đưa ra đề nghị chưa nước nào từng đưa ra: cung cấp 3 tàu ngầm S-26T mới cứng nhưng Thái Lan chỉ phải trả tiền hai tàu. Hợp đồng này có các điều khoản bao gồm cung cấp hệ thống chiến đấu, huấn luyện thủy thủ và việc trả tiền được kéo dài trong 10 năm.
RTN đã có kế hoạch trú đóng hau tàu ngầm tại căn cứ hải quân Sattahip ở bờ biển phía đông đất nước, còn tàu thứ ba sẽ đóng gần Phuket ở biển phía tây. Trung Quốc cũng chào thầu xây dựng căn cứ cho các tàu ngầm ở Sattahip và việc này có thể tạo ra một số vấn đề đối với Mỹ khi tàu chiến của Washington thường ghé thăm cảng này.
Tháng 5/2016, Thái Lan đã đặt mua 28 xe tăng VT-4 của Trung Quốc và trong các năm 2017, 2018 đặt mua thê 20 chiếc nữa, tổng giá trị hợp đồng là 280 triệu USD. Thái Lan cũng là quốc gia đầu tiên sau Trung Quốc vận hành xe tăng VT-4. Kể từ năm 2014, quân đội Thái Lan đã mua một loạt vũ khí Trung Quốc, bao gồm 34 xe bọc thép chở quân, radar dẫn bắn cho pháo binh và tên lửa đất đối không.
Mặc dù vẫn đang sử dụng nhiều vũ khí Mỹ, người Thái vẫn phải thừa nhận đó là những món hàng đắt đỏ đối với họ. Thêm nữa, linh kiện thay thế lại bị hạn chế bởi những lệnh trừng phạt trong tương lai của Mỹ (bởi không ai biết trước tại Thái Lan sẽ còn đảo chính quân sự nữa hay không).
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất vũ khí sở hữu nhà nước của Trung Quốc có thể cung cấp các hệ thống vũ khí rẻ hơn và việc bán hàng không bị gắn với những diễn biến chính trị trong nội bộ Thái Lan.
Và sự hợp tác không dừng lại ở mua bán. Ngày càng nhiều sỹ quan và học viên quân sự Thái Lan được cử tham gia các khóa đào tạo do quân đội Trung Quốc tổ chức. Thái Lan tập trận chung với Trung Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia Đông Nam Á nào.