Việc các dự án BĐS được những tổ chức nước ngoài vinh danh, trao giải thưởng ngày càng phổ biến. Những giải thưởng như The Dot Property Vietnam Awards, Asia Pacific Property Awards, Property Guru Vietnam Property Awards… đã không còn xa lạ gì với nhiều dự án BĐS tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các tổ chức trong nước cũng “đua” nhau trao giải thưởng về lĩnh vực này. Từ năm 2017, Hiệp hội BĐS Việt Nam bắt đầu tổ chức Giải thưởng Quốc gia về BĐS Việt Nam. Đều đặn các năm sau đó, hiệp hội này tổ chức trao giải cho nhiều doanh nghiệp trên thị trường; đồng thời, nhiều cơ quan báo chí cũng đăng cai tổ chức trao giải thưởng liên quan BĐS với các tên gọi “mĩ miều” như: công trình xanh, top 10 doanh nghiệp được yêu thích, dự án BĐS đáng sống; dự án có quảng trường đẹp nhất…
Như vậy, một năm, có đến gần chục giải thưởng liên quan BĐS được tổ chức. Tuy nhiên, sau mỗi lần trao giải, người mua nhà lại thắc mắc về những cái tên được xướng lên có quá khứ, thậm chí hiện tại vướng phải nhiều vấn đề về tranh chấp với khách hàng.
Mới đây, một đơn vị cũng lần đầu tổ chức Lễ Vinh danh thương hiệu BĐS dẫn đầu năm 2020 - 2021 dưới sự bảo trợ của Hiệp hội BĐS Việt Nam. Trong đó, ở giải thưởng top 10 khu đô thị đáng sống nhất năm 2020, khu đô thị GD City (Hà Nội) được vinh danh. Thực tế, khu đô thị này vẫn vướng không ít lùm xùm giữa chủ đầu tư với khách hàng. Đơn cử: Cư dân tại đây từng xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư khi giao nhà thiếu diện tích xây dựng, tự ý thay đổi quy hoạch, ép khách hàng nhận nhà… Thậm chí, họ còn phản ánh, chủ đầu tư khu đô thị này đã lên phương án thay đổi quy hoạch khu nhà liền kề tại khu ST5 từ 232 căn theo quy hoạch hiện nay lên 362 căn, tức tăng thêm 130 căn. Sau nhiều bất cập liên quan chất lượng các hạng mục xây dựng, hàng trăm hộ dân còn ngỡ ngàng khi bị chủ đầu tư ép thực hiện nhiều điều khoản trái với hợp đồng mua bán...
Tương tự, một giải thưởng khác “Top 10 dự án nhà ở đại chúng tốt nhất năm 2020” vừa trao cho chuỗi dự án Ecohome 1, 2, 3 (Tập đoàn Capital House). Ecohome đang gặp phải phản ứng liên quan đến chất lượng dự án, nhà tại dự án sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp.
Dự án Hồng Hà Eco City (CTCP Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu Khí) cũng lọt “Top 10 dự án nhà ở đại chúng tốt nhất năm 2020”, thế nhưng nhiều năm trời, cư dân ở đây phải sống với nước sinh hoạt bẩn…
Còn “Top 5 dự án công trình xanh tốt nhất năm 2020” vừa được trao cho Dự án EcoLife Capitol (số 58 Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư dự án này. Giải thưởng trao cho dự án này cũng khiến công chúng bất ngờ. Lý do là dự án này dính hàng loạt tai tiếng khi chủ đầu tư đã tự ý thay đổi rất nhiều về thiết kế và danh mục hoàn thiện căn hộ so với hợp đồng đã ký với khách hàng, khiến nhiều cư dân phẫn nộ. Thậm chí, họ đã căng băng rôn tại dự án để phản đối chủ đầu tư thực hiện không đúng quảng cáo bán nhà…
Tiêu chí mập mờ, trao giải để trục lợi?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Quang Hưng, Cục Phó Cục Quản lý và thị trường BĐS cho biết, từ trước đến nay, Bộ Xây dựng chưa từng tổ chức trao giải thưởng nào liên quan BĐS. “Các đơn vị tổ chức trao giải phải tuân theo các quy định về khen thưởng và đưa ra các tiêu chí của đơn vị trao giải. Trước đây, có cơ quan báo chí cũng đề xuất đề án phối hợp với Bộ Xây dựng về giải thưởng bất động sản nhưng đề án này không được thực hiện, bởi Bộ Xây dựng không có chức năng tổ chức giải thưởng”, ông Hưng nói.
Liên quan phản ánh những dự án tai tiếng vẫn được trao giải thưởng, ông Hưng cho rằng, việc này các đơn vị tổ chức phải có tiêu chí rõ ràng công bố minh bạch. Bên cạnh đó, do các đơn vị tổ chức giải khó có thể kiểm soát được dự án, bởi vì liên quan đến pháp lý. Vậy nên, họ phải phối hợp với nhiều bên mới có thể trao giải chính xác cho các dự án BĐS tiêu biểu.
Tong khi đó, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, các giải thưởng hiện nay được tổ chức đều mang tính thương mại nhiều hơn nhân văn.“ Đây là chiêu bài quảng cáo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ BĐS và là cuộc đua của các doanh nghiệp thông qua các giải thưởng”, KTS. Trần Huy Ánh nói.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh lập luận rằng, hơn bao giờ hết, cuộc cạnh tranh hiện nay trở nên khốc liệt, bởi tỉ lệ cung cầu mất cân đối. Lợi dụng thực tế này, cộng thêm việc nhiều khách hàng mù mờ không nắm bắt được hết thông tin về thị trường, bản chất giải thưởng, ban tổ chức cùng với doanh nghiệp đã “kích thích” tạo hiệu ứng đám đông bằng các giải thưởng. Những tiêu chí của ban tổ chức đưa ra không rõ ràng, thông qua giải thưởng chỉ để đẩy mạnh quảng cáo, bán được nhiều sản phẩm hơn.
“Các giải thưởng chỉ chú trọng đến lợi nhuận, ban tổ chức giải thưởng và doanh nghiệp đều thu được những lợi nhuận trực tiếp hay gián tiếp mà không quan tâm đến lợi ích của người mua. Cuối cùng, khách hàng phải chịu nhiều rủi ro nhất”, KTS. Trần Huy Ánh khẳng định.
Kiến trúc sư Ánh nhấn mạnh ở góc độ quản lý, cơ quan chức năng nên có văn bản chấn chỉnh lại tình trạng tổ chức giải thưởng này để hạn chế một số doanh nghiệp trục lợi, tham gia giải thưởng chỉ để đánh bóng thương hiệu, bán sản phẩm với giá cao hơn.
Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, hiện nay có tình trạng các doanh nghiệp đang chạy đua để có các giải thưởng BĐS. Lúc này, giải thưởng không còn mang tính khích lệ nữa, mà được dùng như một công cụ quảng cáo để bán hàng...