PGS.TS Mai Duy Tôn – Trưởng phòng Cấp cứu 1 (Khoa Cấp cứu – BV Bạch Mai) cho biết, khi phát hiện nạn nhân bị đột quỵ cần chuyển ngay đến bệnh viện. Nếu chuyển đến bệnh viện trước 4,5 giờ thì các bác sĩ (ở 1 số bệnh viện lớn) có thể dùng phương pháp tiêu sợi huyết để điều trị và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ xe cấp cứu chở bệnh nhân đến viện, người nhà phải thực hiện một số động tác sơ cứu để giảm những biến chứng cần thiết sau: Khi phát hiện thấy người bị đột quỵ, cần đưa người bệnh ra nơi thông thoáng, nới lỏng quần áo.
Sau đó lấy gối (vật dụng mềm) xung quang kê cao lưng, cổ người bệnh lên cao khoảng 30cm.
Tiếp theo kiểm tra miệng người bệnh xem có dị vật hoặc đờm nhãi, thức ăn gì hay không.
Dùng khăn sạch đưa vào miệng người bệnh đột quỵ lau sạch đờm nhãi bên trong.
Sau đó cho người bệnh nằm xoay sang một bên, để phòng trường hợp người bệnh bị sặc vào phổi.
Tiếp theo, lấy một chiếc đũa, quấn khăn xung quanh...
...rồi đặt nằm ngang miệng người bệnh, tránh tình trạng người bệnh cắn vào lưỡi.
Trường hợp xe cấp cứu xa chưa đến kịp, thấy người bệnh có dấu hiệu bất thường thì kiểm tra động mạch cảnh bên cạnh cổ của người bệnh.
Nếu người bệnh ngừng tuần hoàn thì tiếp tục sơ cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim, kiểm soát đường thở, thổi ngạt...
Đặc biệt lưu ý, trong quá trình sơ cứu người đột quỵ, đợi xe cấp cứu tới tuyệt đối không cho người bệnh, ăn uống bất kể thứ gì.