Bỗng dưng ngồi nhớ… ma

TP - Càng ngày ma càng hiếm, sợ rằng đến lúc nào đó thì biến mất hẳn. Xưa, cái thuở đèn dầu nhiều hơn sao trời, cái thuở những con đường luôn khuất khúc, bồn chồn thì ma sao mà nhiều. Hầu như đêm nào ma cũng được nhắc tới, ở đủ mọi ngóc ngách, với đủ mọi cung bậc, thành kính, hào hứng và cả hù dọa. 
Minh họa: Vũ Xuân Tiến.

Bọn trẻ con là thính giả lí tưởng nhất của các câu chuyện ma. Vì thế mà ma cứ lẽo đẽo theo chúng suốt cấp Một lên cấp Hai, đến chặng chúng vào cấp Ba thì ma nhạt dần. Rồi khi cánh cửa các trường đại học ở chốn thị thành đông đúc mở ra đối với đám học sinh thì ma rớt lại, chỉ còn mờ nhạt, loáng thoáng tít sau những làng xóm tranh tối tranh sáng. Ma cam phận ở lại chốn bóng tối nhàu nát để làm bạn với ký ức tuổi thơ.

Không ít thì nhiều, đứa trẻ nào cũng được nghe dăm ba chuyện ma. Ðứa trẻ nào cũng biết có những bóng trắng mờ mờ chờn vờn bên bờ sông vằng vặc trăng, trong ngôi miếu rêu phong hoen ố nép dưới các bóng cổ thụ, giữa cánh đồng mờ sương hay trên lối đi lổ đổ bóng tối. Những tay lái xe đường trường bao giờ cũng thủ trong túi dăm ba câu chuyện li kỳ về một người không rõ mặt, thẽo thượt bất thần hiện ra ven đường, bất thần biến mất để lại một vệt lạnh buốt trên lá cỏ và ta luy ẩm ướt. Những người đánh cá đêm ai cũng khẳng định mình đã từng thấy một người phụ nữ xõa tóc đứng nhìn chằm chằm, còn các bà hay đi chợ xa, buổi sớm qua bãi tha ma bảo thi thoảng vẫn thấy cái đốm sáng xanh lúc ẩn lúc hiện phía trước mà không sao đuổi kịp… Nhưng ma chưa làm hại ai, ma chỉ khiến cho đêm hóa kỳ bí và khiến cho những kẻ hay đi sớm về khuya trở nên hấp dẫn với đám trẻ. Một người chỉ là một người như bao người khác, nhưng nếu người đó đã từng gặp ma thì đột nhiên khác hẳn.

Thiếu ma, đêm trở nên hoang vắng, vô nghĩa, không chút mê đắm, không chút dày dặn. Vì thế các câu chuyện về ma luôn luôn phải được kể…

Chuyện thế này: vào đêm trăng, chị hàng xóm chỉ ra cái khoảng mịt mùng có pha sương đục phía cánh đồng chạy thẳng vào chân núi và hỏi cậu bé rằng có thấy cái bóng trăng trắng kia không. Thoạt đầu cậu bé không thấy, sau nhìn kỹ nữa, theo lời giục ráo riết có phần đe nẹt của chị hàng xóm thì cũng thấy láng máng một vệt trắng thoảng rượi lúc ẩn lúc hiện trong cái màn đùng đục mênh mông kia. Ma đấy, chị hàng xóm kết luận. Sau này chị hàng xóm lấy chồng, sinh con, rồi tự nhiên bỏ nhà bỏ cửa đi lang thang nhặt lá bánh ở khu chợ Thái Nguyên và bây giờ chẳng ai nghe gì về chị nữa. (Cũng tới tận bây giờ, khi đã chạm tới tuổi già, cái người từng là cậu bé năm xưa vẫn chả biết có phải mình nhìn thấy ma thật hay do chị hàng xóm ép ráo riết quá mà nhìn ra thế).

Chuyện thế này: khoảng tám rưỡi tối, sau khi cùng ôn tập ở nhà bạn xong, cô bé ra về. Thuở ấy bóng tối nhiều mà dày nên tám rưỡi đã là muộn, chả như bây giờ, tám rưỡi mới bắt đầu mon men vào đêm. Qua đoạn đường một bên là con mương được đắp cao, một bên bãi ngô rộng cô bé gặp bà cụ hàng xóm chống gậy đi ngược lại. Như mọi khi, tầm này lẽ ra bà cụ đã ngủ khèo, có đi chơi thì cũng đứa cháu dắt đi. Cô bé cất tiếng chào nhưng bà cụ chẳng trả lời mà đi qua như không hề nghe, không hề nhìn thấy. Tới gần nhà bà cụ già, cô bé thấy đèn đóm nhốn nháo sáng và nghe người ta bảo bà cụ đã chết, đang chuẩn bị khâm niệm. (Ðó là một đêm gần cuối năm, se lạnh, mưa lâm râm nhưng không đến mức nhép nhúa. Cô bé ấy đã là cô giáo dạy văn cấp Ba, đôi lúc cô thổ lộ rằng, chắc đêm ấy bà cụ già vẫn đi chơi theo thói quen, thây kệ thể xác mình ở lại trên giường).

Chuyện thế này nữa….

Những đêm lạ không trăng, những đêm trăng không lạ, những buổi chạng vạng nhàn rỗi, ngồi nghe chuyện ma thật khó tả, vừa muốn bịt tai, lại vừa muốn ngồi cho đến hết. Có khi đang nghe kể về ma thì ma vào, rõ ràng là ma vào, bởi bỗng dưng thấy lành lạnh, thấy ai đó thoang thoảng đến ngồi ngay cạnh mình và sẽ thở dài. Khi có sự qua lại giữa ma với người, dù là mơ hồ, thì còn thấy trời đất linh thiêng, lúc vắng xa nhau, trời đất cứ rời rạc, chả còn tí hồn vía gì. Thế nên, ngẫm ngợi cho cùng, ma không chỉ làm cho đêm thành nhạy cảm, thăm thẳm, mà làm cả cho con người trở thành loài nhạy cảm, thăm thẳm. Còn sởn gai ốc vì ma thì có nghĩa vẫn còn thiên lương. Thời nay, nếu có sởn gai ốc thì cũng chỉ là sởn vì người.

Xưa mong tránh được ma, giờ nôn nao nhớ, ước được gặp, dù chỉ một lần. Gặp để mà hồn nhiên, để mà cả tin lại.