Bóng đá Việt Nam và giấc mơ không bị 'đánh thuế'
> ĐTVN & giấc mơ Asian Cup
> Đội tuyển Việt Nam: Vẫn thiếu người 'giữ cửa'
> Bóng đá Việt Nam bỗng dưng 'máu' AFC Cup
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020-tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 419/QĐ, ngày 8-3). Tức đầu đã xuôi và đây thực sự là một tín hiệu rất đáng mừng để phát triển nền bóng đá.
Theo đó, trong giai đoạn 2012-2020, bóng đá nam phải vô địch SEA Games hoặc AFF Cup 1, 2 lần và ĐTQG nằm trong tốp 15 châu Á, đến năm 2030, bóng đá Việt Nam phải nằm trong tốp 10 châu Á…
Đã có nhiều ý kiến đánh giá của các chuyên gia hàng đầu về tính khả thi và khả quan của chiến lược, nhưng hầu hết đều không đề cập đến “những việc cần làm ngay”, để công trình không trở thành “đề án treo”.
Thực tại “ăn đong”
Trong quá khứ, ở cấp độ nhỏ và lẻ, VFF cũng như một số CLB đã từng viết và thực hiện một số chiến lược phát triển bóng đá chu kỳ 5 năm. Ví như các lớp Năng khiếu được mở tại các Trung tâm Huấn luyện QG trước đây, đã từng cho ra lò lứa cầu thủ sinh năm 85-88 phát tiết khá sớm. Thế hệ của những Thanh Bình, Quý Sửu, Việt Cường, cho đến Long Giang, Phúc Hiệp, Nhật Tân… từng lớn lên ở Trung tâm II dưới bàn tay của “ê-kíp” Đoàn Minh Xương, Nguyễn Trọng Lợi và Ngô Lê Bằng. Ở SLNA hay Nam Định, các lớp “U” được mở rất đều đặn.
Nhưng, ngay vào thời điểm hiện tại, không một Trung tâm huấn luyện nào còn duy trì các lớp năng khiếu bóng đá nữa; tại một số CLB như HA.GL, ĐT.LA, B.BD, TĐCS.ĐT…, sạch bóng các lớp từ U11 đến U15; với XM V.HP hay XMXT.SG, thậm chí còn không có hệ thống đào tạo trẻ. Như Ninh Thuận đã phải nhập khẩu từ A-Z để thành hình 1 đội U21 vào đúng dịp địa phương này đăng cai VCK U21 QG-Cúp Báo Thanh Niên hồi năm ngoái. Trước đó, cũng bằng với đội hình thuê mướn, họ đã thất bại trong chiến dịch thăng hạng Nhất.
Rõ ràng, một thời gian rất dài qua, các đội bóng Việt Nam hoàn toàn không ý thức vai trò quyết định của đào tạo trẻ, hoặc nếu có, cũng không thể kham nổi bởi lý do tài chính, kinh phí eo hẹp. TMN.CSG ngay trong thời điểm còn thăng hoa, cũng đã quyết định xóa sổ hàng loạt các lớp năng khiếu, chấp nhận “ăn bám” Sở TDTT (cũ), nhưng sản phẩm của lò Năng khiếu Nghiệp vụ TP.HCM chất lượng rất kém. Chấp nhận cảnh ăn đong, rồi lao vào các cuộc mua bán – chuyển nhượng cầu thủ như con thiêu thân, đó chính là bộ mặt của nền bóng đá Việt Nam cấp CLB.
Bóng đá không nói hay được
Trả lời phóng viên, PCT VFF, ông Phạm Ngọc Viễn, người được cho là “cha đẻ” của đề án – chiến lược phát triển, nói đại ý rằng, trong khi chúng ta cố gắng hoàn thành những mục tiêu đề ra, thì cũng cần lưu ý, bóng đá thế giới (cụ thể là châu Á) cũng không ngừng vận động và phát triển. Việt Nam đã tụt lại (ít nhất là so với thập niêm 90 của thế kỷ trước, khi chúng ta còn nằm trong tốp 15 châu lục một cách ổn định, thì giờ đã bật khỏi nhóm này-PV), nên mục tiêu đặt ra là đuổi kịp và vượt qua mặt những người láng giềng.
Rất nhiều các con số được đưa ra, nhưng theo đánh giá của người trong cuộc (như ông Nguyễn Hồng Thanh của SLNA hay Phan Thanh Hùng tại HN.T&T), nó hoàn toàn không khớp với thực tế, nếu không muốn nói là vượt quá xa so với thực tế. Tuy nhiên, ông Viễn vẫn tin tưởng rằng, chiến lược vẫn có thể thành công nếu có Tổng đạo diễn giỏi: “Điều quan trọng nhất cần phải có một Tổng đạo diễn là quan chức Chính phủ, thì mới phối hợp được các bộ, ngành liên quan như Bộ VH-TT&DL, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Giáo dục Đào tạo…”.
Thực tế mà ông Nguyễn Hồng Thanh hay HLV trưởng HN.T&T Phan Thanh Hùng đề cập ở đây là, hiện không có nhiều các CLB Việt Nam sở hữu đầy đủ hệ thống đào tạo trẻ từ U11 đến U21. Nếu lấy U11 để đón lõng tầm nhìn đến năm 2030, hiện chỉ có mỗi VPF (Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá Việt Nam) sở hữu lớp này. Nói đâu xa, ngay cả Trung tâm Đào tạo trẻ thuộc VFF, sân bãi – cơ sở hạ tầng được xây dựng hiện đại, nhưng công năng chủ yếu dùng cho các ĐTQG tập, hoặc cho bóng đá phong trào thuê lại.
Theo Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa