Bốn sếp nhận lương ‘khủng’ lên tiếng
> Lương lãnh đạo DNNN gần 80 triệu/tháng
> Đua nhau giảm lương lãnh đạo
Khi được hỏi về mức lương cao chót vót trong năm 2012, lãnh đạo bốn doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng” đều cho rằng do kinh doanh khấm khá, lãi cao nên mức thu nhập chia cho lãnh đạo và nhân viên phải tương ứng.
Ông Trần Trọng Huệ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chiếu sáng công cộng:
Lương cao do công ty có quy chế riêng
Kết luận đúng hay sai tôi không dám bình luận bởi vì cơ quan nhà nước làm họ dựa theo những thông tư, nghị định về quản lý, chi trả tiền lương.
Tôi chỉ khẳng định một điều mức lương cao của công ty là do công sức lao động của anh em làm. Doanh nghiệp chúng tôi khác với cơ quan hành chính sự nghiệp phụ thuộc vào ngân sách. Chúng tôi làm ra sản phẩm mà muốn làm ra sản phẩm đó phải qua hợp đồng kinh tế. Năm 2012 chúng tôi ký được rất nhiều hợp đồng thu được nhiều lợi nhuận chia cho anh em chứ không dùng tiền ngân sách. Tuy nhiên nói ra điều này nhiều người không hiểu.
Năm 2012, công ty lãi 130 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 81 tỉ đồng. Lãi cao đáng lý ra phải kéo những người lương thấp lên chứ tại sao lại kéo những người lương cao xuống.
Tôi không nói kết luận của UBND TP đúng - sai bởi chúng tôi là công ty nhà nước nên buộc phải chấp hành quy định trả lương mà nhà nước quy định. Tuy nhiên nếu chấp hành đúng quy định, lãnh đạo nhận theo lương cơ bản thì lương của giám đốc có khi thấp hơn công nhân vì công nhân làm theo sản phẩm. Từ đó công ty mới có một thỏa ước lao động về trả lương theo ngạch bậc vừa áp dụng quy định của nhà nước vừa quy định trả lương theo sản phẩm. Người nào làm ra nhiều sản phẩm thì hưởng lương cao.
Chứ theo quy định nhà nước mà trả thì lương giám đốc thấp hơn lương công nhân thì vô lý quá. Kết luận vừa rồi của UBND TP là lấy tiền của tôi trả cho công nhân chứ không phải lấy tiền của tôi trả lại cho nhà nước.
Mức lương năm 2012 thì báo chí đã công bố rồi còn 8 tháng đầu năm 2013, lương của tôi thực hiện theo đúng thông tư, nghị định nhà nước. Vì chưa hết năm nên lương từ đầu năm đến nay chỉ là lương tạm ứng chứ chưa được nhà nước duyệt nên chưa thể công bố được.
Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh:
Đã nộp lại 200 triệu đồng
Sau khi có kết luận của UBND TP.HCM, ban giám đốc công ty đã họp và thống nhất thực hiện theo nội dung kết luận của UBND TP và đã thu hồi gần 1,3 tỉ đồng được kết luận là chi cho bảy thành viên quản lý sai quy định. Bản thân tôi cũng đã nộp lại 200 triệu được cho là tiền lương vượt quy định.
Hai hôm nay anh em cũng hỏi tôi nhiều về vấn đề này. Để tránh phải trả lời nhiều lần, chiều nay 3 giờ, tôi sẽ trả lời hết với báo chí.
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM:
Lãi năm 2012 tăng vọt nên lương cao
Có kết luận, hôm qua công ty có họp để báo cáo tình hình khắc phục của công ty với UBND TP. Về số liệu công bố, chắc bên kết luận người ta cũng làm kỹ rồi nên tôi không có ý kiến.
Chỉ có điều thường số liệu công bố chưa tính thuế thu nhập còn số liệu của công ty đã tính thuế nên có khi số liệu không khớp nhau. Chứ thực ra tiền tới tay người lao động đâu cao đến mức đó.
Công ty chúng tôi làm và trả lương theo kết quả kinh doanh. Năm 2011, lợi nhuận của công ty đạt 18 tỉ đồng nhưng năm 2012 lợi nhuận tăng vọt lên 61 tỉ đồng. Công ty kinh doanh có lãi lại có nhiều nguồn thu nên lãnh đạo, nhân viên mức lương cao.
Hiện công ty đã gửi báo cáo lên rồi, UBND TP kết luận thế nào chúng tôi sẽ tuân theo. Mình sai thì phải sửa thôi. Công ty sẽ phải thu hồi khoản lương chênh lệch đã trả cho viên chức quản lý.
Những tháng đầu 2013, thu nhập của tôi giảm xuống rất nhiều so với trước bởi doanh thu và lợi nhuận của công ty giảm xuống rất nhiều so với trước. Phóng viên hỏi tháng vừa rồi thu nhập của tôi bao nhiêu cũng khó trả lời vì liên quan rất nhiều thứ. Ngoài ra, năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định 51 liên quan về mức lương buộc doanh nghiệp phải chấp hành.
Ông Phạm Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty Công trình giao thông Sài Gòn:
Có tháng lương tôi còn thấp hơn công nhân
Đây chưa phải là kết luận của UBND TP.HCM mà chỉ mới là kết quả thanh tra của Sở Lao động Thương binh và Xã hội.
Về phần tôi sẽ phải có giải trình rõ ràng chứ như thế này oan cho chúng tôi quá. Lương thực chất hàng tháng của tôi có hơn 32 triệu đồng thôi. Mức lương này đúng với quy định của nhà nước đối với cấp quản lý. Chỗ tôi, lương giám đốc và chủ tịch như nhau. Thậm chí có tháng lương của tôi còn thấp hơn công nhân do họ hưởng lương theo sản phẩm còn tôi cấp quản lý hưởng lương cố định.
Còn tại sao có độ vênh giữa số liệu như vậy là do cách tính của thanh tra với doanh nghiệp. Hiện kế toán của công ty cũng đang tính để làm rõ độ vênh này. Theo tôi nghĩ, thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội đang nhầm lẫn giữa lương và các khoản tiền thưởng của cả năm 2011 và 2012. Số liệu của thanh tra là cộng hết thu nhập của cả năm chứ không riêng gì mức lương. Công ty thường có mức thưởng và được trả theo cuối năm.
Chiều thứ sáu này, UBND có họp về vấn đề này và đây là cơ hội để chúng tôi giải trình vấn đề này đúng, vấn đề nào sai để khắc phục.
Chiều 27.8, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Chiều 28.8, phía công ty đã cung cấp cho Thanh Niên Online các kết luận chính thức của cuộc họp, theo đó:
1. Tiến hành ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho người lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động đối với trường hợp 163 người lao động thường xuyên ký hợp đồng thời vụ với thời hạn dưới 3 tháng và 355 người lao động ký hợp đồng dưới 1 năm. Công tác khắc phục này Công ty sẽ tiến hành xong trước ngày 10.9 và sẽ có báo cáo chính thức cho UBND TP.HCM trước ngày 15.9.
2. Tiến hành ngay việc thu hồi toàn bộ số tiền chi tiền lương, tiền thưởng đối với 7 viên chức quản lý sai quy định trong 2 năm (năm 2011 và năm 2012). Công tác thu hồi sẽ hoàn tất trong tháng 9.
3. Yêu cầu các thành viên trong Ban quản lý điều hành viết bản tự kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm và sai phạm của mình, tự nhận hình thức kỷ luật và biện pháp khắc phục hậu quả.
Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Công ty Luật Sài Gòn - Việt Nam: Chuyện lương giám đốc cao, lương nhân viên thấp đối với những công ty không phải của Nhà nước là bình thường, đặc biệt là ở các tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, với trường hợp các doanh nghiệp công ích kể trên (doanh nghiệp Nhà nước) thì rõ ràng ở đây có nhiều điều bất thường và bất bình đẳng.
Để xét mức chi lương ở một đơn vị như vậy đúng hay sai thì cần phải mổ xẻ xem công ty này được thành lập và hoạt động thuộc dạng công ty gì, có "bóng dáng" của Nhà nước hay không và lãnh đạo công ty là người lao động hay cán bộ viên chức Nhà nước hay có cả hai tư cách.
Nếu người đứng đầu quản lý công ty là người lao động (làm việc theo hợp đồng lao động) thì được thỏa thuận lương với chủ doanh nghiệp (ở các công ty tư nhân, tập đoàn) và mức lương được trả theo thỏa thuận đó. Như vậy, mức lương này phụ thuộc vào nguồn doanh thu của doanh nghiệp.
Nhưng nếu là cán bộ viên chức Nhà nước thì mức lương được điều chỉnh phải tuân thủ theo ngạch bậc lương của Nhà nước. Dù nói là mức lương đó được chia do làm ăn hiệu quả, doanh thu cao hơn năm trước thì doanh nghiệp Nhà nước cũng không thể chi lương, chia doanh thu vô tội vạ như vậy.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM: Việc sử dụng quỹ lương của người lao động để chi tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý là sai quy định. Đối với hành vi này, sau khi xác định được vi phạm cụ thể thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà có thể xử lý kỷ luật cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật về viên chức và pháp luật về lao động.
Theo đó có thể khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với cá nhân là viên chức hoặc khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức, sa thải đối với cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.
Ngoài ra, các vi phạm phải có trách nhiệm bồi hoàn tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội và các chế độ khác cho người lao động theo quy định tại thỏa ước lao động tập thể và quy định pháp luật.
Theo Trung Hiếu
Ảnh: Diệp Đức Minh
Thanh Niên