Bối rối trong làn sóng “đa vũ trụ”

TP - Sự tồn tại vô số biến thể của vũ trụ chúng ta là một khả năng vừa hấp dẫn vừa đáng sợ, và càng ngày chúng ta càng bị cuốn hút bởi khái niệm “đa vũ trụ”, đặc biệt với sự xuất hiện ngày càng dày đặc của nó trong phim ảnh và văn học.

Trong một vũ trụ khác, có thể có một phiên bản của bạn đang thưởng ngoạn cuộc sống trên chiếc du thuyền sang trọng, với một ly sâm panh trên tay, bởi “bạn” đã trúng số độc đắc vào tháng trước. Thế nhưng cũng có thể có một nơi mà sự sắp đặt số phận khiến cha mẹ bạn không bao giờ gặp nhau, và bạn chưa bao giờ được sinh ra để đọc những dòng này.

Chúng ta đang nói về khái niệm đa vũ trụ, rằng có một số lượng vô hạn chiều không gian cho mọi khả năng có thể tồn tại. Trong một vũ trụ, có lẽ đã xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn khốc vào năm 1986 và những con người còn sống sót đang tìm kiếm thức ăn trong đống đổ nát. Ở một nơi khác, loài khủng long chưa bao giờ bị xóa sổ và hiện vẫn là loài sinh vật thống trị Trái đất.

Phim Everything Everywhere All at Once thể hiện sự vô hạn của đa vũ trụ

Công chúng đang bị cuốn hút bởi khái niệm về đa vũ trụ vào lúc này, khi nhiều sản phẩm văn hóa khác nhau đang thi nhau khám phá ý tưởng không bao giờ lỗi thời này.

Trung tâm hiện giờ là bộ phim mới nhất trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) – Dr. Strange trong “Đa vũ trụ hỗn loạn”. Bộ truyện tranh Marvel trong nhiều thập kỷ đã vẽ nên một chuỗi các Trái đất gần như giống hệt nhau, được xâu chuỗi trong vũ trụ như những viên ngọc trai, với hầu hết các câu chuyện quan trọng đều xảy ra ở Trái đất số 616.

Trong bộ phim mới nhất - Dr. Strange, phù thủy tối cao chính thức gặp gỡ một người tị nạn đa không gian, America Chavez, và họ cùng nhau đi qua nhiều phiên bản của vũ trụ chúng ta. Việc đưa ý tưởng về đa vũ trụ từ truyện tranh lên màn bạc của Marvel đã khiến người hâm mộ đau đầu kể từ khi MCU được thành lập.

Tuy nhiên, khác với suy nghĩ của phần lớn khán giả, Marvel không phát minh ra ý tưởng về đa vũ trụ, mà nó đã là một khái niệm trong tiểu thuyết và khoa học trong một thời gian dài.

Tiểu thuyết Life After Life đặt ra câu hỏi: Bạn sẽ làm gì nếu có thể quay ngược thời gian?

Một ví dụ điển hình nữa là bộ phim độc lập Everything Everywhere All at Once (Mọi thứ, mọi nơi, mọi lúc) do cặp đôi Daniel Kwan và Daniel Scheinert viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim có sự tham gia của diễn viên “gạo cội” Dương Tử Quỳnh trong vai một chủ tiệm giặt là nhỏ xinh, người được ban cho khả năng “nhảy cóc” từ vũ trụ này sang vũ trụ khác.

Các tác giả Kwan và Scheinert thừa nhận rằng thành công của các bộ phim bom tấn Marvel như “Dr. Strange” và “Spider-Man: No Way Home” đã mở đường cho bộ phim của họ, giúp khán giả làm quen với đa vũ trụ. “Khán giả đang bắt đầu tò mò... Họ hiện đã sẵn sàng cho phiên bản này của bộ phim, về khái niệm đa vũ trụ và những vấn đề nó tạo ra. Bạn biết đấy, một khi các quyết định của một nhân vật bị ảnh hưởng bởi vũ trụ khác, thì bỗng dưng sẽ không còn gì quan trọng nữa. Đó là điều chúng tôi muốn khám phá. Chúng tôi có thể thu hút được nhiều khán giả như vậy nhờ những bộ phim đi trước đó”, họ chia sẻ.

Năm nay, BBC cũng đã chuyển thể tiểu thuyết Life After Life (Đời nối đời) của tác giả Kate Atkinson thành một bộ phim truyền hình, cố gắng trả lời câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta chắc chắn đã cân nhắc một lúc nào đó: điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể quay trở lại thời gian? Liệu bạn có làm điều gì khác đi không?

Trong Life After Life, cô Ursula Todd (đóng bởi Thomasin McKenzie), sinh vào đầu thế kỷ 20, bước vào một chu kỳ sinh tử dường như vô tận. Với mỗi lần tái sinh, cô vẫn giữ được những ký ức từ kiếp trước, cho phép cô thay đổi cuộc đời mình theo vô vàn cách khác nhau.

Hiện giờ có hai trường phái tư tưởng chính về đa vũ trụ, hoặc ít nhất là vậy trong vũ trụ này. Cái đầu tiên - “đa vũ trụ học” - gợi ý rằng khi vũ trụ được tạo ra trong vụ nổ Big Bang, tất cả đã xảy ra nhanh đến nỗi khi vũ trụ bắt đầu giãn nở, sự dao động lượng tử đã tạo ra các vũ trụ riêng biệt. Những vũ trụ này cũng bắt đầu mở rộng, và thông qua sự mở rộng ấy đã lại khiến cho nhiều vũ trụ ra đời hơn, và cứ thế tiếp tục... Ý tưởng này đến từ nhà vật lý người Nga Andrei Linde, người nói rằng có thể có sự phát triển của vô số vũ trụ theo cách hoàn toàn khác với chúng ta. Vì vậy, trong một vũ trụ khác có thể không tồn tại một phiên bản khác của bạn, mà là mọi người có thể có hai cái đầu, hoặc những con chó có gắn mắt laze có thể thống trị nhân loại.

Ý tưởng đa vũ trụ còn lại xuất hiện trong khoa học viễn tưởng thường xuyên hơn, và được công chúng chấp nhận nhiều hơn. “Vũ trụ lượng tử” gợi ý rằng vũ trụ liên tục phân tách thành các phiên bản khác của thực tế, nhờ vào từng quyết định mà chúng ta đưa ra. Với 7 tỷ người trên Trái đất đưa ra hàng tỷ quyết định vào mỗi giây, số lượng thế giới song song là không đếm xuể.

Theo một cách nào đó, mọi tác phẩm hư cấu đều có thể coi là thuộc đa vũ trụ. Chúng ta nhìn thấy những nhân vật này, chúng ta nhận ra họ là những người mà chúng ta có thể quen biết, hoặc sống ngay bên cạnh. Tuy nhiên, họ không hề tồn tại. Những câu chuyện này, những cuộc đời này, không bao giờ xảy ra. Mỗi tập phim truyền hình, về cơ bản, là một cửa sổ vào một vũ trụ song song gần như giống hệt như vũ trụ của chúng ta. Điều tương tự cũng áp dụng với mọi cuốn tiểu thuyết, trong đó những người không tồn tại trong thế giới của chúng ta thực hiện những hành động để biến thế giới của họ thành một thực tế hoàn toàn riêng biệt.

Tuy nhiên, cho dù có bao nhiêu thế giới vô tận ngoài kia, cho dù bạn có bao nhiêu phiên bản, sống những cuộc đời khác nhau, hiện giờ tất cả chúng ta đều mắc kẹt trong thế giới này, nơi mỗi quyết định chúng ta đưa ra đều tác động đến thực tại này, và chỉ thực tại này thôi. Vì vậy, bạn có thể thoải mái quyết định mình sẽ ăn gì cho bữa sáng mà không phải lo đến việc tạo ra một vũ trụ song song khác.