Chiều 22/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét hỏi những người liên quan trong vụ án vô ý làm chết người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).
Theo điều tra, ngày 22/5/2017, bị cáo Bùi Mạnh Quốc đã để axit còn tồn dư trong hệ thống lọc máu sau khi tẩy rửa màng lọc nước RO. Bị cáo Trần Văn Sơn - cán bộ phòng vật tư dù không kiểm tra nhưng thông báo hệ thống có thể sử dụng.
Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ Đơn nguyên thận nhân tạo đã ra lệnh lọc máu, chạy thận. Việc này khiến 18 bệnh nhân gặp triệu chứng bất thường, 8 người tử vong lập tức, 1 người tử vong tháng 2/2018.
Tại tòa, chủ tọa đã yêu cầu ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Y tế trả lời các câu hỏi để làm rõ quy trình chạy thận nhân tạo. Theo ông Quang, để đảm bảo an toàn nước dùng cho lọc máu, Bộ Y tế áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam và quy trình của Bộ Y tế. Việc này được triển khai tới Giám đốc các Sở Y tế và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Về việc Cty Thiên Sơn được đặt máy chạy thận tại BV Hòa Bình, ông Quang nói: “Bộ Y tế chủ trương xã hội hóa trong hệ thống y tế theo Nghị định 59 của Chính phủ và hiện nay là Nghị định 85, Nghị quyết 93 và một số văn bản hướng dẫn thi hành… phải đáp ứng các quy định trong Thông tư 15 của Bộ y tế ban hành năm 2017 về việc liên kết sử dụng máy chạy thận”.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, Chính phủ có chủ trương cho phép xã hội hóa, liên danh liên kết trong các cơ sở công lập, Sở Y tế có thẩm quyền cấp phép hoạt động chạy thận nhân tạo đối với bệnh viện cấp tỉnh.
Về trách nhiệm của của Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang cho rằng: “Việc xã hội hóa đưa máy chạy thận vào bệnh viện, theo quy định công tác thanh tra kiểm tra hiện nay thuộc trách nhiệm của Sở Y tế. Thanh tra Bộ Y tế chỉ thanh tra các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Việc phân cấp này căn cứ vào Luật Thanh tra và Nghị định số 07 hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra”.
Chủ tọa đặt câu hỏi, thông qua sự cố chạy thận, Bộ Y tế có thấy trách nhiệm của mình trong công tác quản lý Nhà nước?
Vụ trưởng Vụ pháp chế đáp: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, đây là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến BV Hòa Bình mà còn ảnh hưởng đến ngành y tế. Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã rà soát các quy định liên quan đến quản lý nói chung và quả thận nhân tạo, hệ thống RO nói riêng. Đối chiếu với báo cáo của bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã ban hành quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về quy trình liên quan đến quản lý hệ thống RO và các quy định chuyên môn kỹ thuật liên quan chạy thận cho bệnh nhân”.
Cụ thể, ông Quang nói: “Tháng 4/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành 52 quy trình trong đó có 7 quy trình liên quan đến lọc nước RO. Trước đây chưa có quy định liên quan đến quy định liên quan đến sửa chữa nhưng tất cả phải theo quy chuẩn của nhà sản xuất”.
Chủ tọa đặt câu hỏi, tại sao đến tháng 4/2018 mới ban hành? Đại diện Bộ Y tế cho biết, khi rà soát lại đã phát hiện quy trình sửa chữa, bảo dưỡng của các nhà sản xuất khác nhau. Vì vậy, bộ thấy cần có sự thống nhất và đã ban hành 52 quy trình nói trên.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế khẳng định việc ban hành 52 quy trình đã được nghiên cứu từ năm 2016, không phải sau khi sự cố ở Hòa Bình năm 2017 mới bắt đầu.