Tổ công tác làm việc với Bộ Xây dựng sáng 17/2. Ảnh Như Ý
Sáng 17/2, tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt 6 vấn đề Thủ tướng mong muốn bộ chuyển động mạnh mẽ hơn trong nội tại Bộ Xây dựng, đặc biệt là công tác tham mưu giúp Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Luật Xây dựng ban hành sửa đổi năm 2014 nhưng trong quá trình làm còn nhiều ý kiến khác nhau. Đề nghị Bộ nghiên cứu thêm, ngay việc chưa thống nhất đồng bộ với các Luật đất đai, nhà ở, đô thị, luật Đầu tư… cần xem xét sau đó trình Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi sát thực tiễn cuộc sống.
Kế đến, Bộ Xây dựng phải làm nhanh nhất, sớm trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là rào cản, khi triển khai Nghị quyết 60 của Chính phủ (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016). Hiện nay các bộ, địa phương đều nói do thủ tục xây dựng tại nghị định, do quy định của chúng ta dẫn đến rất chậm trễ trong giải ngân, cũng như trong việc làm các thủ tục rất khó khăn.
Đối với vấn đề thẩm định, kiểm tra xử lý xử phạt các dự án thi công, trước đây thuộc các Sở Xây dựng nhưng bây giờ phải xếp hàng lên Bộ. Đây cũng là cái gây tốn kém, lãng phí và khó khăn trong triển khai. Ông Dũng đề nghị bộ hết sức quan tâm gấp rút sửa cái này. Đây vấn đề quan trọng nhất.
Về vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng và quản lý xây dựng thì vai trò của bộ hết sức quan trọng. Trong thực tiễn tổ chức thực hiện quy hoạch chúng ta không nghiêm, tạo phá vỡ quy hoạch ban đầu, tạo ra việc nhà đầu tư, chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, nhất là việc địa phương không biết mà nhà đầu tư làm hết. Bộ phải hết sức quan tâm cái này.
Vấn đề trật tự đô thị, dân cư… Thủ tướng đã là việc với HN, TP.HCM rồi, vậy vấn đề cấp phép thế nào, phân cấp như thế nào, tạo điều kiện cho địa phương gắn trách nhiệm quản lý của bộ? Ngay đơn giá vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng ra 1 đơn giá, Bộ nông nghiệp cũng ra 1 đơn giá, nếu như kiểm soát không tốt thì nhà thầu chọn định mức của Bộ Nông nghiệp hay Bộ Xây dựng để lập dự toán?
Về vấn đề Nhà ở, chính sách này rất tốt, nhiều đối tượng được thụ hưởng. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng yêu cầu bộ hết sức quan tâm.
Liên quan đến môi trường rất cần tính toán xem xét lại, rất nhiều nhà máy sản xuất vật liệu khác vậy vấn đề quản lý xây dựng liên quan đến môi trường như thế nào để có vật liệu thay thế đáp ứng yêu cầu nguyên liệu tại chỗ, không ô nhiễm môi trường.
Riêng vấn đề cổ phần hóa DNNN, tiến độ của bộ rất tốt, nhưng có 2 điểm tồn tại là tỉ lệ DN sau cổ phần hóa công khai thị trường rất thấp, cái này vi phạm luật. Thứ 2, tỉ lệ bán cổ phần của các DNNN rất thấp, mới đạt 1,5%, cả nước bình quân chung là 8%.
Đề cập đến nghị định 59, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thống nhất tư tưởng, phải đảm bảo an toàn cho người dân, việc đầu tư phải có hiệu quả, đảm bảo phòng chống tham nhũng.
“Nghị định 59 phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, mỗi lần lại muốn sửa, bổ sung một tý. Hôm qua chúng tôi đã có hồ sơ trình Chính phủ, chắc còn phải sửa một số vấn đề, nhưng đến lúc phải triển khai tích cực, phân cấp lần này phải rất mạnh mẽ, bao gồm cả phân cấp cho địa phương, các tổng công ty, tập đoàn có liên quan đến xây dựng”, bộ trưởng cho hay.
Theo ông Hà, lâu nay địa phương, thậm chí báo chí đặt vấn đề: Tại sao nhà 20 tầng mà Bộ Xây dựng vẫn thẩm định? Lần này nhà dưới 25 tầng, kèm theo dưới 75 mét thì không, còn trên 25 tầng thì đòi hỏi yêu cầu về kỹ thuật khác hẳn, nên phải có cơ quan chuyên ngành cấp bộ.
Đối với công trình 15 tỷ đồng trở xuống, chủ đầu tư có thể tự thẩm định được, như vậy là dành quyền chủ động rất lớn cho chủ đầu tư. "Bộ Xây dựng cũng quán triệt, tuy phân cấp, ủy quyền nhưng Bộ Xây dựng phải hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Hà cũng nhấn mạnh đến việc công khai minh bạch quy trình, quy chế để người dân kiểm tra, giám sát. Để có căn cứ kiểm soát, chỉ đạo cũng đồng thời là căn cứ xử lý kỷ luật những nơi làm không nghiêm.