Bộ trưởng TTTT: Việt Nam phải sản xuất, đóng góp công nghệ cho thế giới

TPO - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam

Hôm nay, lần đầu tiên Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam được tổ chức với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, diễn đàn này là nơi tuyên bố một chiến lược quan trọng, liên quan đến tương lai, vận mệnh Việt Nam, đó là chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Make in Vietnam là việc doanh nghiệp công nghệ Việt Nam làm chủ toàn bộ quá trình sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm, dịch vụ, làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ để không chỉ sử dụng mà còn đóng góp công nghệ mới cho thế giới.   

Theo Bộ trưởng Hùng, cuộc cách mạng số, đặc biệt là sự phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Và cũng từ đó, Việt Nam sẽ thành một nước phát triển và hùng cường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng triển lãm tại Diễn đàn sáng nay. Ảnh: VNE 
 

Ông cho rằng, Make in Vietnam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. “Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Cty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sử trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự ?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.

Theo Bộ trưởng Hùng, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Chính vì thế mà phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được coi là ưu tiên số 1.

Theo ông Hùng, muốn có các doanh nghiệp công nghệ thì việc tạo ra thị trường là quan trọng nhất. Ông đề xuất chính phủ mua sắm hướng vào các sản phẩm công nghệ thì sẽ góp phần đáng kể, nhất là cho giai đoạn đầu, để sinh ra các công ty công nghệ. Ông cũng cho biết, Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhân tài nhằm phát triển công nghệ, đã đến lúc các nhân tài người Việt ở nước ngoài về Việt Nam hoặc kết nối Việt Nam để xây lên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Diễn đàn sẽ lắng nghe những đề xuất để Việt Nam có thể thu hút nhân tài toàn cầu.

Diễn đàn sáng nay thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn và sẽ phát biểu chỉ đạo.

Xem toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại đây.